Sửa đổi Luật Dân quân tự vệ đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
13/06/2019 09:39 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 13/6, tiếp tục chương trình kỳ họp, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi).
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh quochoi.vn
Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật Dân quân tự vệ năm 2009 với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Dân quân tự vệ hiện hành, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các luật khác có liên quan, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về Dân quân tự vệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng này trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.
Đại biểu Tô Văn Tám (tỉnh Kon Tum) nhấn mạnh, tham gia dân quân tự vệ là nghĩa vụ của công dân, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp là trách nhiệm của nhà nước. Để đáp ứng được hai vấn đề trên, việc xây dựng và hoàn chỉnh chính sách về dân quân tự vệ là hết sức cần thiết.
Các đại biểu Quốc hội cho rằng, qua 10 năm thực hiện, Luật Dân quân tự vệ đã đạt được những kết quả quan trọng song vẫn còn những hạn chế, bất cập, còn nhiều vấn đề đặt ra như: việc xây dựng lực lượng dân quân tự vệ gắn với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng lực lượng dân quân tự vệ thường trực, dân quân tự vệ chuyên nghiệp, dân quân tự vệ trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước... cần được quy định đầy đủ, rõ ràng hơn. Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Dân quân tự vệ là cần thiết.
Dự thảo Luật Dân quân tự vệ đã chỉnh lý có bố cục gồm 8 chương, 50 Điều, kế thừa nhiều nội dung quy định của Luật Dân quân tự vệ hiện hành; và sửa đổi, bổ sung một số nội dung. Đó là: Bổ sung quy định về vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đoàn, Ban cán sự Đảng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, sự chỉ huy của Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và người chỉ huy đơn vị Quân đội vào trong nguyên tắc tổ chức, hoạt động của dân quân tự vệ để bảo đảm chặt chẽ nguyên tắc lãnh đạo của Đảng đối với dân quân tự vệ; điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ của dân quân tự vệ để phù hợp với quy định của Luật Quốc phòng; quy định dân quân tự vệ thường trực là một trong những thành phần của dân quân tự vệ, không luân phiên trong dân quân cơ động để khẳng định địa vị pháp lý của dân quân tự vệ thường trực, phù hợp với thực tế hiện nay các địa phương đã và đang thực hiện; bổ sung quy định đối tượng miễn đăng ký công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ để tương thích với Luật Nghĩa vụ quân sự và phù hợp với thực tế....
Phát biểu kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh nội dung dự thảo Luật để đảm bảo tính thống nhất, cụ thể, khả thi; rà soát các quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của dân quân tự vệ; việc phân loại thế nào là dân quân, thế nào là tự vệ cũng cần phải quy định rõ. Đề nghị quy định cụ thể về tổ chức, biên chế, vũ khí trang bị của lực lượng dân quân tự vệ. Về vấn đề mở rộng lực lượng dân quân tự vệ, tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp để đảm bảo tính hợp lý, khả thi, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu làm rõ hơn các quy định về ban chỉ huy quân sự cấp xã; tính tương quan giữa hai vị trí trưởng công an xã và chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự xã; rà lại các quy định về phụ cấp, chi ngân sách để đảm bảo tính khả thi, tránh mâu thuẫn với các luật khác, phù hợp với chủ trương cải cách tiền lương, chế độ phụ cấp đã được ban hành./.
PV