Hợp tác hiệu quả, tăng cường hiệu lực quản lý thực hiện chính sách BHXH và chính sách thuế
25/04/2019 09:12 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sau hơn 4 năm triển khai Quy chế phối hợp công tác giữa BHXH Việt Nam và Tổng Cục Thuế đã đạt được những hiệu quả nhất định, đặc biệt trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, các hoạt động phối hợp ngày càng đi vào chiều sâu Đó là những thông tin được Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu chia sẻ với Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu.
Phóng viên: Xin ông cho biết kết quả thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa BHXH Việt Nam và Tổng cục Thuế năm 2018 và quý I/2019?
PTGĐ Trần Đình Liệu:
Ngày 31/12/2014 BHXH Việt Nam và Tổng cục Thuế ký Quy chế phối hợp công tác số 5423/QCPH-BHXH-TCT giữa hai cơ quan nhằm thể chế hóa các nội dung phối hợp trong hoạt động của hai ngành, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý thực hiện chính sách BHXH và chính sách thuế trong khuôn khổ pháp luật. Quy chế phối hợp công tác tập trung vào một số nội dung chủ yếu như: trao đổi thông tin quản lý tổ chức, cá nhân trả thu nhập từ tiền lương đóng các khoản BHXH bắt buộc và nộp thuế; trao đổi thông tin về kết quả thanh tra, kiểm tra về thuế và đóng BHXH. Phối hợp trong thanh tra, kiểm tra đối với tổ chức trả thu nhập và đóng BHXH; trao đổi mã số thuế sử dụng trong quản lý thuế thu nhập.
Sau hơn 04 năm triển khai Quy chế phối hợp, công tác phối hợp giữa hai Ngành đã đạt được những kết quả tích cực. Về cơ bản các nội dung đã dần được triển khai thực hiện đầy đủ, đáp ứng nhu cầu của hai Ngành.
Cụ thể, về trao đổi thông tin, Tổng cục Thuế đã triển khai cung cấp thông tin từng bước cho BHXH Việt Nam phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của hai Ngành. Trong những năm đầu tiên, khi mức độ tương thích về công nghệ thông tin của hai ngành còn đang được nghiên cứu triển khai, hai cơ quan đã triển khai trao đổi thông tin bằng nhiều hình thức như theo gói thông tin và theo văn bản. Đến năm 2017-2018, việc trao đổi thông tin đã được thực hiện thường xuyên, liên tục hơn; đặc biệt từ năm 2018, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác kết nối, trao đổi thông tin giữa hai ngành đã cơ bản hoàn thành. Ở cấp Trung ương, Tổng cục Thuế và BHXH Việt Nam đã kết nối mạng thông tin, trao đổi liên tục, kịp thời. Tại các địa phương, việc phối hợp trong trao đổi thông tin cũng ngày càng được chặt chẽ, thường xuyên hơn. Đến nay có thể nói việc trao đổi thông tin ở cấp tỉnh, huyện đang được tiến hành thuận lợi.
Từ công tác trao đổi thông tin quản lý thuế đối với tổ chức, cá nhân đã giúp cơ quan BHXH có thêm công cụ trong quản lý đơn vị và người tham gia BHXH.
Năm 2018, trên cơ sở dữ liệu quyết toán thuế năm 2017 do cơ quan Thuế cung cấp, BHXH Việt Nam đã kết xuất Danh sách đơn vị và số lượng lao động chưa đóng BHXH hoặc chưa đóng đủ số người thuộc diện phải tham gia BHXH, gửi danh sách về BHXH các địa phương. Và trên cơ sở khớp mã số thuế của tổ chức trả thu nhập trong cơ sở dữ liệu thuế và mã số thuế của đơn vị tham gia BHXH do cơ quan BHXH quản lý, bước đầu đã tìm ra 305.539 tổ chức trả thu nhập có mã số thuế nhưng chưa có trong cơ sở dữ liệu thu BHXH cho người lao động Trên cơ sở danh sách này, BHXH các địa phương sẽ phối hợp với Cục Thuế các tỉnh, thành phố để đối chiếu, rà soát và kiểm tra thực tế, xác định đúng đơn vị chưa đóng hoặc đóng thiếu BHXH cho người lao động. Theo báo cáo của BHXH các tỉnh, thành phố, tính đến nay đã xác minh được 153.802 doanh nghiệp có lao động chưa đóng BHXH với khoảng trên 600.000 cá nhân; qua đó, đã yêu cầu doanh nghiệp đóng BHXH đối với 269.484 người.
Song song đó, việc phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra cũng được hai ngành tích cực triển khai ở các địa phương. Cụ thể, giai đoạn từ năm 2015-2017, cơ quan Thuế địa phương cung cấp dữ liệu về tình hình trả thu nhập, nộp thuế cho cơ quan BHXH, cử cán bộ tham gia các đoàn thanh tra liên Ngành do cơ quan Thanh tra Nhà nước tỉnh, huyện chủ trì hoặc mời cán bộ BHXH tham gia đoàn thanh tra Thuế. Từ năm 2018, khi cơ quan BHXH chính thức thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, việc phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra của hai ngành chủ yếu tập trung trong công tác trao đổi thông tin.
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về sự phối hợp giữa hai Ngành trong thời gian qua, nhất là về hiệu quả trong công tác thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT?
Thời gian qua, các nội dung phối hợp công tác giữa hai ngành đã được triển khai thực hiện cơ bản đầy đủ trong công tác trao đổi thông tin, trong hoạt động thanh tra kiểm tra,... tại các cấp, từ Trung ương đến cấp quận, huyện; phát triển các hình thức, phương thức phối hợp phù hợp với quy định của pháp luật, phù hợp với trình độ quản lý; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phối hợp theo thời gian, từ chỗ trao đổi thông tin theo gói, theo hình thức văn bản, đến chỗ kết nối, trao đổi thường xuyên, liên tục, kịp thời nhờ việc ứng dụng công nghệ thông tin.
Hiệu quả công tác phối hợp giữa hai ngành cũng dần được nâng cao. Bên cạnh tác dụng tích cực, thấy rõ ở chỗ khai thác thông tin để sử dụng trong quản lý, thì yêu cầu trong công tác phối hợp cũng đòi hỏi hai ngành phải nâng cao trình độ, năng lực quản lý, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính thuế và BHXH. Trên khía cạnh này, công tác phối hợp đã phát huy những hiệu quả tích cực. Ngành BHXH vươn lên từ chỗ lạc hậu hơn về công nghệ thông tin đến chỗ không chỉ hiện đại hóa công nghệ thông tin, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trong quản lý hoạt động nghiệp vụ mà còn đạt mức độ sẵn sàng cao, tương thích với hệ thống thông tin của Ngành Thuế và các cơ quan nhà nước khác để tiếp nhận, xử lý, trao đổi thông tin liên tục theo thời gian thực. Cải cách hành chính trong BHXH được đẩy mạnh, thời gian thực hiện các thủ tục về BHXH được giảm mạnh, được quốc tế công nhận…
Việc triển khai Quy chế phối hợp công tác giữa cơ quan BHXH và cơ quan Thuế có tác dụng tích cực đối với hai ngành trong quản lý thuế, BHXH, góp phần đảm bảo công bằng trong thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trả thu nhập, đóng BHXH. Các trường hợp trốn, nợ thuế, trốn đóng, nợ đóng BHXH sẽ được phát hiện và xử lý sớm. Nhờ đó tạo dựng niềm tin của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong thực hiện nghĩa vụ thuế và BHXH.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Quy chế phối hợp công tác giữa hai ngành còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc phối hợp giữa cơ quan BHXH và cơ quan Thuế ở một số địa phương chưa được thường xuyên, thiếu đồng bộ; một số nội dung phối hợp chậm được triển khai như trao đổi mã số thuế, phối hợp kiểm tra, thanh tra; công tác sơ kết, tổng kết, đánh giá thực hiện Quy chế có nơi, có chỗ còn chưa được triển khai hiệu quả… Bên cạnh đó, một số đặc điểm riêng về kỹ thuật trong quản lý của mỗi ngành chậm được xử lý, làm hạn chế hiệu quả phối hợp như: Khác nhau trong phân cấp quản lý thu, trong định nghĩa đơn vị, tổ chức trả thu nhập, đóng BHXH… Thiếu sót trong quản lý của mỗi ngành, cũng là những tồn tại nhất định ảnh hưởng đến hiệu quả phối hợp, như việc tổ chức trả thu nhập lưu giữ tên những cá nhân trả thuế mặc dù những cá nhân đó đã rời khỏi tổ chức từ lâu…
Phóng viên: Hiện tại, ngành Thuế đang quản lý gần 600.000 doanh nghiệp đang đóng thuế, còn số đơn vị tham gia BHXH trên toàn quốc mới chỉ đạt gần 300.000 doanh nghiệp. Một số ý kiến cho rằng như vậy dư địa phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT còn rất lớn. Trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ có những giải pháp gì để sự phối hợp giữa hai ngành ngày càng đạt hiệu quả cao hơn, đặc biệt là trong công tác thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, thưa ông?
Tôi cho rằng, chúng ta cần hiểu đúng hơn về những con số này. Bởi trước hết, số liệu gần 600.000 doanh nghiệp do cơ quan Thuế đang quản lý, theo quy định của Ngành Thuế, đây là các tổ chức trả thu nhập, trong đó có cả đơn vị hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp… trả thu nhập cho người lao động.
Mặt khác, tổ chức trả thu nhập là doanh nghiệp do Ngành Thuế quản lý không đồng nhất với đơn vị là doanh nghiệp do cơ quan BHXH quản lý. Đơn cử một Tổng Công ty có 10 công ty con đóng ở thành phố và các huyện trong một địa bàn tỉnh có thể có một mã số thuế hoặc nhiều mã số thuế; cũng Tổng Công ty này do cơ quan BHXH quản lý về BHXH thì cũng có thể có một hoặc nhiều mã số BHXH. Số lượng mã số quản lý thuế, quản lý BHXH là không đồng nhất, vì vậy con số 600.000 doanh nghiệp đang đóng thuế mà Ngành Thuế quản lý có thể không nhất thiết là 600.000 đầu mối doanh nghiệp tham gia BHXH. có thể có đơn vị đã giải thể, phá sản, đồng thời có nhiều doanh nghiệp mới chưa được cập nhật. Do đó, hiện cơ quan BHXH vẫn đang phối hợp với cơ quan thuế địa phương kiểm tra, đối chiếu để xác định cụ thể từng doanh nghiệp. Tính đến nay, qua rà soát đã xác định được 153.802 đơn vị có lao động trốn đóng, chưa đóng BHXH, thực hiện các nghiệp vụ bắt buộc đóng BHXH đối với 269.484 người.
Trên cơ sở kết quả này, cơ quan BHXH các địa phương đang khẩn trương tiếp tục rà soát, kiểm tra, đối chiếu để xác định các đơn vị còn lại nhằm phát hiện các doanh nghiệp chưa đóng, đóng chưa đủ số lao động theo quy định.
Để công tác phối hợp hai ngành đạt hiệu quả cao hơn, đặc biệt trong phát triển đối tượng tham gia BHXH, thời gian tới, hai Ngành chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như:
Một là, khẩn trương hoàn thành nội dung trao đổi, sử dụng mã số thuế sử dụng trong quản lý thu BHXH. Sử dụng một mã số đối với một tổ chức trả thu nhập/đóng BHXH tạo điều kiện để áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin nhanh chóng, chính xác.
Hai là, kết nối, trao đổi dữ liệu với cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan quản lý lao động. Trên cơ sở dữ liệu Thuế, dữ liệu đăng ký doanh nghiệp và dữ liệu quản lý lao động, cơ quan BHXH xác định các trường hợp trốn đóng, chậm đóng; các trường hợp doanh nghiệp di chuyển, giải thể, phá sản, tước giấy phép…
Ba là, ngành BHXH hoàn thiện ứng dụng công nghệ thông tin ở các cấp, Trung ương và tỉnh, thành phố, quận, huyện nhằm đảm bảo kết nối trao đổi thông tin liên tục, thông suốt.
Bốn là, tổng kết công tác thực hiện Quy chế phối hợp, nhằm đưa ra những đánh giá và đề xuất các phương thức phối hợp hiệu quả, phù hợp với trình độ quản lý cao hơn trong từng giai đoạn nhất định./.
Xin trân trọng cảm ơn Phó Tổng Giám đốc!
PV