Trên 2,8 triệu đối tượng bảo trợ xã hội được cấp thẻ BHYT
25/03/2019 03:34 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội, năm 2018, cả nước đã thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng và cấp thẻ BHYT cho 2.863.318 người, trong đó: 42.734 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; 1.634.367 người cao tuổi; 1.012.623 người khuyết tật đang hưởng trợ cấp và 172.844 đối tượng khác.
Tặng thẻ BHYT cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An.
Cũng trong năm 2018, Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ cấp gạo cứu đói tổng số 7.826,400 tấn gạo cho 64.979 hộ/260.889 nhân khẩu do bị ảnh hưởng bởi thiên tai; trình Thủ tướng Chính phủ xuất cấp trên 1.200 tỷ đồng để cứu trợ dân sinh, khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu sau các trận thiên tai lớn; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 7 quyết định hỗ trợ gạo cứu đói trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất với tổng số gạo cứu trợ là 11.848,293 tấn gạo cho 255.625 hộ, 796.425 lượt người dân thiếu đói thuộc 18 tỉnh; trình ban hành 08 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 9.833,340 tấn gạo cứu đói giáp hạt đầu năm 2018 cho 623.803 nhân khẩu thuộc 17 tỉnh.
Năm 2019 và những năm tiếp theo, Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội sẽ triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực bảo trợ xã hội, y tế xã hội với các định hướng lớn như: Bảo đảm nguyên tắc thực thi chính sách trợ giúp xã hội công bằng, minh bạch, đúng đối tượng, kịp thời và hiệu quả; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội; huy động gia đình đối tượng có điều kiện kinh tế đóng góp kinh phí chăm sóc và phục hồi cho đối tượng tại cơ sở trợ giúp xã hội và tại cộng đồng.
Đổi mới cơ chế và phương thức quản lý, vận hành các cơ sở trợ giúp xã hội từ nuôi dưỡng đối tượng sang cung cấp các dịch vụ phòng ngừa, trợ giúp, chăm sóc nuôi dưỡng đối tượng tại gia đình, cộng đồng; đưa đối tượng vào cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc, nuôi dưỡng trong trường hợp đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp hoặc đặc biệt khó khăn.
Sử dụng phương pháp tiếp cận xây dựng chính sách trợ giúp xã hội dựa trên nhân tố lấy người dân làm trung tâm, bảo đảm quyền con người; đa tầng, linh hoạt và dựa trên mức sống tối thiểu của người dân; tiếp cận theo phương pháp vòng đời; không chồng chéo.
Tiếp tục hoàn thiện các chính sách trợ giúp xã hội, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết chính sách an sinh xã hội cho người dân, nghiên cứu xây dựng kế hoạch cấp số an sinh xã hội, thẻ an sinh xã hội điện tử cho người dân. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực trợ giúp xã hội, đổi mới toàn diện các cơ sở y tế để nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, điều dưỡng, khám bệnh, chữa bệnh, chỉnh hình và phục hồi chức năng./.
PV