“Đã đến lúc cùng hành động để chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030”
20/03/2019 09:43 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Là chủ đề Ngày Thế giới phòng chống lao năm 2019 của Việt Nam nhằm thực hiện cam kết sẽ chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung. Đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững.
Có BHYT, bệnh nhân lao sẽ yên tâm hơn trong điều trị. (Ảnh minh họa; Nguồn ảnh: Internet)
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh lao vẫn là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên thế giới. Cứ mỗi ngày, lại có thêm 4.500 người chết bởi bệnh lao và gần 30.000 người mắc bệnh. Những nỗ lực toàn cầu để chống lại bệnh lao đã cứu sống khoảng 54 triệu người kể từ năm 2000 và giúp giảm tỷ lệ tử vong do lao xuống còn 42%.
Mặc dù có nhiều nỗ lực, nhưng Việt Nam hiện vẫn nằm trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới: Đứng thứ 16 về số người mắc lao cao (giảm 4 bậc so với 5 năm trước) và đứng thứ 15 gánh nặng lao kháng đa thuốc. Trong đó, 64% bệnh nhân lao thường và 98% bệnh nhân lao kháng thuốc phải tiêu tốn trên 20% thu nhập của cả hộ gia đình trong một năm do mắc lao. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động.
Nhằm thực hiện cam kết sẽ chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, chủ đề Ngày Thế giới phòng chống lao năm 2019 của Việt Nam là “Đã đến lúc cùng hành động để chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030” với mục đích là thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân nhằm thực hiện thành công mục tiêu này.
Đồng thời, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người về bệnh lao và các biện pháp phòng chống lao. Góp phần giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người mắc lao; tăng cường công tác dự phòng, chẩn đoán, phát hiện, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị người mắc lao.
Với người mắc bệnh lao, tập trung tuyên truyền bệnh lao có thể chữa được, nhưng không được chủ quan, bởi số người chết do lao chủ yếu là những người chưa được phát hiện và điều trị theo đúng hướng dẫn của Chương trình chống lao Quốc gia. Bên cạnh Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao - PASTB hỗ trợ nguồn kinh phí cho người bệnh mắc lao, thì mỗi bệnh nhân nên trang bị cho mình tấm thẻ BHYT để yên tâm điều trị bệnh./.
PV