Kinh nghiệm của Nhật Bản trong xây dựng chính sách BHYT ứng phó với già hoá dân số
13/03/2019 10:11 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tại Việt Nam nhu cầu chăm sóc sức khoẻ và tốc độ già hoá dân số đang gia tăng nhanh chóng, đòi hỏi việc xây dựng các chính sách y tế, an sinh xã hội cần phải được đổi mới để đáp ứng yêu cầu. Trong đó, việc học hỏi kinh nghiệm thành công từ các nước là điều rất cần thiết.
Vì vậy, ngày 12/3, tại Hà Nội, Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và Cơ quan Phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tổ chức hội thảo “Chính sách BHYT trong mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và ứng phó với già hóa dân số”.
Cần đổi mới chính sách y tế để chăm sóc người cao tuổi được tốt hơn (Ảnh minh hoạ)
Tại Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn chia sẻ, hiện nay, Việt Nam đã thực hiện rất tốt mục tiêu bao phủ BHYT, với khoảng 83 triệu người tham gia BHYT, đạt tỉ lệ 88% trong năm 2018. Đồng thời, Chính phủ cũng đặt mục tiêu đến năm 2020 nâng tỷ lệ này lên 90%. Tuy nhiên, giống như nhiều nước khác, Việt Nam cũng không tránh khỏi xu thế già hóa dân số. Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam hiện là 76,6 tuổi, cao hơn mức trung bình của thế giới (72 tuổi). Năm 2016, cơ quan BHXH đã cấp thẻ BHYT cho 8,8 triệu người cao tuổi; năm 2017 là 9,8 triệu người và năm 2018 là trên 11 triệu người.
“Tỷ lệ người cao tuổi trên tổng số người tham gia BHYT chiếm khoảng 11% và tỷ lệ này đang tăng dần qua các năm”- Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn đánh giá.
Chung quan điểm, GS.Taichi ONO- Viên Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản cho biết, tốc độ già hoá dân số của Việt Nam đang diễn ra nhanh hơn nhiều so với các nước. Năm 2015, số người ở độ tuổi 65 trở lên mới chiếm 6,7% dân số nhưng con số này đến năm 2040 được dự báo là sẽ chiếm 17% dân số và đến năm 2060 là 26,2% dân số.
“Điều này cho thấy, chỉ một thời gian ngắn nữa, Việt Nam cũng sẽ giống như Nhật Bản hiện nay khi tỷ lệ người cao tuổi cao và cần một hệ thống chăm sóc, hỗ trợ chuyên biệt. Hệ thống này cần xây dựng trên nền tảng là chính sách BHYT với độ bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân”- GS.ONO gợi mở.
GS.ONO cũng cho biết, từ những năm 90 Nhật Bản đã phát triển chính sách chăm sóc người cao tuổi đảm bảo sử dụng các dịch vụ cho mọi nhu cầu của đối tượng này; tập trung vào những biện pháp phòng ngừa và khuyến khích các chuyên gia và mọi công dân, bao gồm cả chính người cao tuổi tham gia. Hiện nay, Chính phủ Nhật Bản đang xúc tiến nhiều biện pháp để mở rộng “Hệ thống chăm sóc dựa vào cộng đồng” trên khắp cả nước; trong đó, người cao tuổi vừa là người hưởng các dịch vụ vừa là người cung cấp dịch vụ trong khả năng của mình cho các đối tượng khác. Ngoài việc được chữa trị tại bệnh viện, người cao tuổi còn được chăm sóc, hỗ trợ tại gia đình và có các câu lạc bộ, hội nhóm để những người cao tuổi giúp đỡ, giao lưu với nhau.
Để có nguồn lực thực hiện được điều đó, theo giáo sư Kenji Shimazaki- Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản, ngay từ năm 1961, Nhật Bản đã hoàn thành mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân với nguồn lực từ BHYT xã hội. Đây là loại hình bảo hiểm bắt buộc với công dân Nhật Bản, nếu không tham gia sẽ có chế tài xử phạt nặng. Bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân không đồng nghĩa với việc tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 100% mà còn dựa vào những dịch vụ y tế mà người dân được thụ hưởng. Tuy nhiên, tham gia BHYT là điều kiện cần để mọi người dân có thể tiếp cận nhiều nhất các dịch vụ với chi phí hợp lý, phù hợp nhất.
GS.Kenji Shimazaki cũng chia sẻ, xã hội phát triển thì nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân sẽ ngày càng tăng lên. Trong đó, nhu cầu chăm sóc y tế dài hạn là cao nhất do già hoá dân số nên cần thiết phải cung cấp hệ thống dịch vụ y tế hiệu quả hơn. Điều này, phải bắt đầu từ đổi mới chính sách BHYT tại mỗi quốc gia để người dân có thể tiếp cận các dịch vụ tốt, thuận lợi, toàn diện hơn với các cơ chế, khuyến khích loại hình chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, dịch vụ y tế tại gia đình...
Từ chia sẻ của các chuyên gia đến từ Nhật Bản, ông Lê Văn Khảm - Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho rằng, nhu cầu chăm sóc sức khoẻ toàn dân và già hoá dân số đang đặt ra những đòi hỏi cấp thiết trong thay đổi chính sách y tế ở Việt Nam. Hiện, Bộ Y tế đang chủ trì xây dựng sửa đổi Luật BHYT hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân và bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân. Đây là một mục tiêu lớn nhưng đáng để nỗ lực bởi khi thành công sẽ mang lại đời sống ổn định tốt hơn cho người dân; góp phần vào công cuộc phát triển, hội nhập của đất nước./.
Phạm Chính