Thủ tướng nghe chuyên gia hiến kế phát triển đất nước
04/03/2019 05:29 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
“Trong bối cảnh đất nước còn gặp nhiều khó khăn, mới là nước thu nhập trung bình thấp, còn kém so với nhiều nước, thời cơ đến không nhiều, do đó, yêu cầu đặt ra là có khát vọng phát triển, nếu không muốn tụt hậu xa hơn”, Thủ tướng Chính phủ chia sẻ tại cuộc làm việc với các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học góp ý, hiến kế về định hướng chiến lược, tầm nhìn cho giai đoạn sắp tới của đất nước vừa tổ chức.
Đây được xem là cuộc làm việc đầu tiên của Thủ tướng, Trưởng Tiểu ban Kinh tế - Xã hội chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng với các chuyên gia, nhà khoa học để nghe ý kiến đóng góp về Chiến lược 10 năm, văn kiện đang được Tiểu ban tích cực xây dựng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (ảnh minh hoạ, nguồn internet)
Tại buổi làm việc, các đại biểu nhận định trong thời gian 10 năm tới, tình hình thế giới sẽ biến động khó lường, đặc biệt là sự tác động từ cuộc cách mạng 4.0. Chính vì vậy, tư duy chiến lược định hướng phát triển kinh tế phải được nhìn tổng thể và đúng hướng. Vấn đề quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. Muốn phát triển kinh tế phải thay đổi công tác quản lý nhà nước, phải thực hiện nền hành chính công phục vụ. Đối với các bộ, ngành và địa phương phải thực hiện phân cấp quản lý và nhấn mạnh vai trò người đứng đầu. Tránh tình trạng một đầu việc nhưng có rất nhiều đơn vị quản lý như hiện nay.
Các chuyên gia đưa ra góp ý về nguy cơ mà đất nước đối diện, các mục tiêu 10 năm tới, các động lực tăng trưởng mới, những dư địa để đạt tốc độ tăng trưởng cao (trên 7%). Về chỉ tiêu, một số ý kiến cho rằng cần linh hoạt, không quá gò bó và rà soát lại các chỉ tiêu không còn phù hợp, trong đó, cần tập trung vào chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người.
Các chuyên gia cũng góp ý về chính sách phát triển kinh tế, trọng dụng nhân tài, nhất trí về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân đối với sự phát triển kinh tế đất nước, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn đã thực hiện nhiều công trình lớn, hiện đại và tạo động lực phát triển của các tỉnh, vùng kinh tế và quốc gia. Do đó, trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển.
Đánh giá cao các ý kiến của chuyên gia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong bối cảnh đất nước còn gặp nhiều khó khăn, là nước thu nhập trung bình thấp, còn kém so với nhiều nước, thời cơ đến không nhiều, do đó, yêu cầu đặt ra là có khát vọng phát triển. “Khát vọng nào cũng có cơ sở khoa học nhưng chúng ta cần cố gắng để vào dịp 100 năm thành lập Đảng, 100 năm thành lập nước, đất nước có sự chuyển biến căn bản, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Nếu không, chúng ta sẽ tiếp tục tụt hậu xa hơn. Khát vọng này cần đi liền với thể chế phát triển, bao gồm pháp luật, chính sách, bộ máy…”, Thủ tướng nêu rõ.
Mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục góp ý bằng hình thức trực tiếp hay bằng văn bản, Thủ tướng cho biết sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc làm việc để nghe thêm các ý kiến về văn kiện mà Tiểu ban Kinh tế - Xã hội đang xây dựng./.
PV