Kiến nghị xử phạt đối với trường hợp không trả BHXH vào lương cho người lao động không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc
25/01/2019 05:23 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bộ LĐ-TB&XH vừa có công văn số 173/LĐTBXH-VP gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV liên quan đến việc thực hiện chính sách BHXH.
Theo đó, cử tri TP.HCM đề nghị: Ban hành quy định bổ sung nội dung xử phạt đối với người sử dụng lao động không trả BHXH vào lương cho đối tượng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc; Các biện pháp cưỡng chế khả thi để Thanh tra ngành LĐ-TB&XH tiến hành cưỡng chế số tiền phạt, số tiền buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả khi DN không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; Các biện pháp chế tài, cưỡng chế cụ thể trong những trường hợp đối tượng không chấp hành các quyết định, kết luận của cơ quan thanh tra để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên bị xâm phạm. Bởi, theo quy định của Bộ luật Dân sự, khi đã được các cơ quan nhà nước giải quyết, thì TAND không thụ lý đơn.
Về vấn đề này, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, hành vi người SDLĐ không trả thêm một khoản tiền tương ứng với mức đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc đã được quy định là hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính tại Khoản 10, Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP ngày 10/7/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/3/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Bên cạnh đó, các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được quy định tại Nghị định 166/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính. Việc xử lý đối tượng thanh tra không chấp hành kết luận thanh tra cũng đã được quy định tại Nghị định 33/2013/NĐ-CP.
Đối với trường hợp đối tượng thanh tra không chấp hành quyết định thanh tra, do hiện nay chưa có quy định chế tài xử lý, do đó, Bộ LĐ-TB&XH tiếp thu ý kiến cử tri để đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 88/2015/NĐ-CP.
PV