Kiến nghị sửa đổi quy trình thanh tra đột xuất
24/01/2019 01:06 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có công văn số 172/LĐTBXH-VP gửi Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV liên quan đến việc thực hiện chính sách BHXH.
Công văn số 470/BDN của Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị: Việc đơn vị để nợ BHXH từ tháng thứ 3 trở đi là dấu hiệu xác định đơn vị vi phạm nghiêm trọng phương thức đóng BHXH; cơ quan BHXH có thể thực hiện thanh tra đột xuất mà không vi phạm Chỉ thị 20. Kiến nghị sử đổi, bổ sung quy trình thanh tra đột xuất trong pháp luật thanh tra đơn giản hơn, để đảm bảo ý nghĩa và sự khác biệt của thanh tra đột xuất (như xem lại quy định phải có người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền hợp pháp mới thực hiện thanh tra được, nếu đơn vị né tránh sẽ không khác thanh tra thông thường).
Về ý kiến này, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Việc sửa đổi, bổ sung quy trình thanh tra do Thanh tra Chính phủ thực hiện hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại Điều 38 Luật Thanh tra, thì một trong các căn cứ để tiến hành thanh tra đột xuất là khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân. Việc thanh tra đột xuất cũng phải tuân thủ đúng quy trình tiến hành một cuộc thanh tra cũng làm giảm đi tính kịp thời trong việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm.
Do đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp thu ý kiến cử tri và sẽ đề nghị Thanh tra Chính phủ ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh các quy định về pháp luật thanh tra cho phù hợp./
PV