Phấn đấu đến năm 2020, mỗi người dân phải có một thẻ an sinh
16/01/2019 12:32 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Phấn đấu đến năm 2020, mỗi người dân phải có một thẻ an sinh xã hội, xóa 4,6% là người cao tuổi chưa có BHYT là hai yêu cầu Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết công tác trợ giúp xã hội năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ năm 2019 của Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH).
Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung phát biểu tại hội nghị.
Khẳng định Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm vấn đề an sinh xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, chủ trương này được thể hiện trong hiến pháp, trong tất cả các chủ trương, nghị quyết của Đảng, đảm bảo cho mỗi người ở đối tượng cần bảo trợ, xã hội chăm lo thì được chăm lo với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau.
Đây là trách nhiệm của cả xã hội, trong đó trách nhiệm của Bộ LĐ-TB&XH. Theo đó, các chủ trương chính sách với các đối tượng bảo trợ và phúc lợi xã hội đến đúng, đủ, kịp thời với người thụ hưởng.
Báo cáo công tác trợ giúp xã hội năm 2018, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi cho biết thực hiện nhiệm vụ công tác năm, trong công tác chỉ đạo, điều hành, Cục Bảo trợ xã hội đã hoàn thành các nhiệm vụ công tác của Bộ giao trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Báo cáo Công tác trợ giúp đột xuất, hỗ trợ sau thiên tai, ục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho biết, năm 2018, cả nước đã xảy ra 9 cơn bão, 5 áp thấp nhiệt đới, 18 trận lũ quét, sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng tại các tỉnh Lai Châu, Yên Bái, Sơn La, Thanh Hóa và một số tỉnh Trung bộ. Thiên tai đã làm 224 người chết và mất tích; 1.987 nhà bị đổ, sập, trôi; 112.998 nhà bị ngập, hư hỏng và di dời khẩn cấp. Tổng thiệt hại ước tính trên 7.000 tỷ đồng.
Tính đến ngày 9/01/2019, Thủ tướng Chính phủ đã hỗ trợ 5.705,655 tấn gạo cứu đói cho 42.756 hộ, 194.220 nhân khẩu bị ảnh hưởng bởi thiên tai năm 2018.
Về trợ cấp xã hội hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội, theo số liệu địa phương, đến nay cả nước đã thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng và cấp thẻ BHYT cho 2.863.318 người, trong đó: 42.734 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; 1.634.367 người cao tuổi; 1.012.623 người khuyết tật đang hưởng trợ cấp và 172.844 đối tượng khác.
Công tác chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội thông qua cơ quan Bưu điện đã được 60 tỉnh, thành phố thực hiện (03 tỉnh, thành phố TP Hồ Chí Minh, Cao Bằng, Nam Định đã xây dựng kế hoạch, chuẩn bị triển khai thực hiện).
Cùng với đó, trợ giúp và phục hồi chức năng cho nạn nhân bom mìn; trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng; Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng… cũng đạt nhiều kết quả tốt.
Năm 2018, chính sách trợ giúp xã hội đã đạt được nhiều kết quả khả quan, bảo đảm định mức trợ cấp cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Số lượng đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội ngày càng tăng, việc tiếp cận chính sách bảo trợ xã hội của đối tượng được thuận lợi, bao phủ toàn dân.
Kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giao cho Cục Bảo trợ xã hội là đơn vị đề xuất, phấn đấu đến năm 2020 mỗi người dân phải có một thẻ an sinh xã hội. Cùng với đó, sắp xếp lại bộ máy theo hướng chuyên nghiệp hóa và tinh nhuệ hóa lực lượng; tăng cường kiểm tra chính sách, chống trục lợi.
Cũng trong năm 2019, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý, hiện còn 4,6% là người cao tuổi chưa có BHYT, trong đó, chủ yếu rơi vào 1 số tỉnh, địa phương có tiềm lực kinh tế. Bộ trưởng gợi ý, nghiên cứu bài học của Bắc Giang, TP HCM, và một số đơn vị, đã phủ toàn bộ BHYT cho người cao tuổi.
“Phấn đấu bằng mọi giá làm việc với các địa phương, bằng nhiều giải pháp để đến 2020 xóa được con số 4,6% này không? Tôi nghĩ hoàn toàn có thể làm được, sẽ tăng thêm khoảng 1% lực lượng Việt Nam có BHYT. Nhưng quan trọng hơn cả, là người già có BHYT”, Bộ trưởng nói.
PV