Phát triển vững chắc BHXH, BHYT góp phần đảm bảo an sinh xã hội bền vững
28/12/2018 04:05 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Với vị trí là trụ cột chính, quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội Quốc gia, thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT chính là góp phần bảo đảm quyền được an sinh xã hội của mỗi công dân, vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước - Đó là chia sẻ của Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh với phóng viên Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam, bên thềm năm mới 2019.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh.
PV: Trước hết, xin Phó Tổng Giám đốc cho biết về những kết quả mà ngành BHXH đã đạt được trong năm 2018? Những kết quả đó đã có đóng góp như thế nào vào việc đảm bảo an sinh xã hội cho người dân thời gian qua, thưa Phó Tổng Giám đốc?
Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh:
Xác định mục tiêu: Xây dựng ngành BHXH hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là một trong những chủ đề trọng tâm và xuyên suốt, năm 2018, toàn Ngành BHXH tiếp tục nỗ lực phấn đấu, vượt qua những khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền lợi hợp pháp của người tham gia, hưởng chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
Nhằm từng bước hiện thực hóa mục tiêu “BHXH, BHYT toàn dân” đã được xác định tại Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 và Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Đảng, bằng nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Ước tính đến hết năm 2018, toàn quốc có 14,629 triệu người tham gia BHXH, đạt tỷ lệ 30,2% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động; số người tham gia BH thất nghiệp khoảng 12,539 triệu người đạt tỷ lệ 25,9% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động; số người tham gia BHYT khoảng 82,38 triệu người đạt đạt tỷ lệ 87,7% dân số (vượt 2,31% so với chỉ tiêu được giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016-2020).
Cùng với việc mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT, số thu về Quỹ BHXH, BHYT cũng không ngừng gia tăng với tổng số thu ước đạt trên 329.000 tỷ đồng. Quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT được bảo đảm với gần 180 triệu lượt người được chi trả chi phí khám, chữa bệnh BHYT; trên 10 triệu lượt người được hưởng các chế độ BHXH, BH thất nghiệp với tổng số tiền chi trả lên tới gần 300.000 tỷ đồng.
BHXH Việt Nam chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ban, ngành và chính quyền địa phương quyết liệt tổ chức thực hiện kê khai, lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT trên toàn quốc cho hơn 92 triệu người với trên 24 triệu hộ gia đình. Sau khi rà soát, đến nay đã cơ bản hoàn thiện cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT, quản lý tập trung thống nhất trong cả nước.
Thông qua việc cấp cho mỗi người tham gia một mã số BHXH duy nhất, ngành BHXH thực hiện tập trung cơ sở dữ liệu quản lý thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT toàn quốc, liên thông với cơ sở dữ liệu thành viên hộ gia đình tham gia BHYT, Hệ thống phần mềm giám định BHYT và giải quyết chế độ chính sách. Qua đó, đã góp phần quản lý chặt chẽ, hiệu quả việc sử dụng quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính triệt để thông qua việc ban hành các quy trình, thành phần hồ sơ và thời hạn giải quyết lĩnh vực thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, giao dịch điện tử và tiếp tục thực hiện cải cách trong lĩnh vực giải quyết chế độ chính sách, nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, đem lại sự hài lòng cho tổ chức và cá nhân khi giao dịch với cơ quan BHXH.
PV: Trong năm 2018, ngành BHXH đã hoàn thành rất nhiều nhiệm vụ quan trọng, Phó Tổng Giám đốc cảm thấy hài lòng với nhiệm vụ nào nhất?
Tất cả những nhiệm vụ mà Ngành BHXH đang thực hiện đều hướng tới một mục tiêu chung nhất, đó là đảm bảo tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia BHXH, BHYT. Chính vì vậy, ngay trong chủ đề năm 2018 của chúng tôi, “vì sự hài lòng của người tham gia BHXH, BHYT” được đặt là một mệnh đề chính yếu. Mọi hoạt động của Ngành phải lấy mệnh đề trọng yếu này làm trung tâm. Đến thời điểm này, tôi có thể vui mừng thông báo rằng, chúng tôi đang thực hiện tốt mục tiêu này. Điều đó được minh chứng bằng những con số rất cụ thể: Chỉ trong năm 2018, Quỹ BHXH, BHYT đã bảo đảm quyền lợi cho gần 180 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT; trên 10 triệu lượt người được hưởng các chế độ BHXH, BH thất nghiệp với tổng số tiền chi trả lên tới gần 300.000 tỷ đồng. Đặc biệt, chính sách BHXH, BHYT đã bảo đảm cuộc sống cho gần 03 triệu người nghỉ hưu cũng như tạo cơ hội được chăm sóc y tế cho hàng triệu người mắc các bệnh nan y, chi phí điều trị y tế của mỗi người lên tới hàng trăm triệu đồng, thậm chí là hàng tỷ đồng mỗi năm.
PV: Vậy trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, ngành BHXH còn gặp những khó khăn, vướng mắc như thế nào, thưa Phó Tổng Giám đốc?
Để đạt được những kết quả nêu trên, bên cạnh những thuận lợi, Ngành BHXH cũng còn gặp không ít khó khăn, thách thức, có thể kể đến như:
Việc thực hiện các mục tiêu phát triển đối tượng đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW đề ra (có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia BH thất nghiệp) còn hết sức khó khăn. Trong bối cảnh hiện nay, nguyên nhân chính là do tình trạng một số doanh nghiệp cố tình trốn tránh trách nhiệm tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động bằng việc không thực hiện khai báo lao động hoặc không khai báo đầy đủ; một số doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh hoặc giải thể, phá sản hoặc dừng hoạt động, bên cạnh đó số người hưởng BHXH một lần tiếp tục tăng làm giảm tỷ lệ bao phủ BHXH.
Cấp ủy đảng, chính quyền địa phương một số tỉnh, thành phố chưa quyết liệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn, dẫn đến việc phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể còn chưa chặt chẽ trong tổ chức thực hiện. Một số địa phương chưa phối hợp tốt với cơ quan tài chính, cơ quan quản lý đối tượng trong việc chuyển tiền đóng BHYT cho các đối tượng được NSNN đóng, hỗ trợ đóng.
Việc tổ chức thanh tra chuyên ngành đóng và kiểm tra thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tại các doanh nghiệp đã bộc lộ những hạn chế, bất cập trong quy trình, quy định xử lý kết luận sau thanh tra, kiểm tra..., nhiều sai phạm trong lĩnh vực chi BHXH, BHYT, BH thất nghiệp chưa được các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, xử lý kịp thời với nhiều lý do nhưng cơ quan BHXH chưa được giao nhiệm vụ thanh tra lĩnh vực chi BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Việc phối hợp chia sẻ thông tin giữa cơ quan BHXH với các cơ quan liên quan về quản lý doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu; các đối tượng được thanh tra, kiểm tra đôi khi còn có biểu hiện cản trở, không hợp tác.
Tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ ốm đau, thai sản, quỹ BH thất nghiệp, quỹ BHYT còn có diễn biến phức tạp, BHXH Việt Nam đã phối hợp với các bộ, ban, ngành, cơ quan chức năng dùng mọi biện pháp kiên quyết xử lý để giảm thiểu tình trạng trên, đảm bảo quyền lợi của người tham gia, người thụ hưởng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
PV: Xin Phó Tổng Giám đốc cho biết, mục tiêu trong năm 2019 của ngành BHXH? Những nhiệm vụ trọng tâm nào mà ngành BHXH sẽ thực hiện trong năm 2019 để hoàn thành các mục tiêu đó, thưa Phó Tổng Giám đốc?
Với những mục tiêu phát triển đã được quán triệt thực hiện trong Nghị quyết 28-NQ/TW: mở rộng diện bao phủ BHXH đến các năm 2021, 2025, 2030, tương ứng phải đạt bao phủ 35%, 45%, 60% lực lượng lao động tham gia BHXH, trong đó, yêu cầu phát triển BHXH tự nguyện với mục tiêu phải đạt từ 1%, 2,5%, 5% lực lượng lao động trong độ tuổi; với BH thất nghiệp phải đạt 28%, 35%; 45% lực lượng lao động tương ứng đến các năm 2021, 2025, 2030. Diện bao phủ BHYT tuy đạt được kết quả khả quan, nhưng yêu cầu duy trì sự tham gia bền vững vẫn cần có những giải pháp mới. Bên cạnh đó là yêu cầu ngày một phức tạp hơn với công tác quản lý quỹ khám, chữa bệnh BHYT trong bối cảnh thực tiễn ngày một phát sinh nhiều áp lực khi thực hiện triệt để hơn lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế. Công tác tổ chức thực hiện BHXH, BHYT cần có những bước chuyển mạnh mẽ hơn và năm 2019 sẽ đóng vai trò là năm bản lề, triển khai các biện pháp, từng bước đạt được mục tiêu vào năm 2021.
Ngày 17/12/2018, BHXH Việt Nam phát động phong trào thi đua thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW giai đoạn 2018 -2030 với chủ đề “Quyết tâm cao, nỗ lực lơn, hành động quyết liệt, thực hiện hiệu quả cải cách chính sách BHXH”. Căn cứ nhiệm vụ được giao, toàn Ngành xác định cụ thể nhiệm vụ, chỉ tiêu, biện pháp thực hiện phù hợp. BHXH các tỉnh, thành phố phát huy hiệu quả vai trò tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, tăng cường vai trò của các cấp ủy, chính quyền địa phương với phát triển BHXH, BHYT. Đặc biệt, tích cực tham mưu để cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu phát triển BHXH nhất là triển khai các nhóm giải pháp thực hiện được quán triệt tại Nghị quyết 28-NQ/TW của Trung ương 7 về cải cách chính sách BHXH phù hợp với thực tế tại địa bàn. Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 102/NQ-CP ngày 03/8/2018 của Chính phủ về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH; giao chỉ tiêu và lộ trình tăng số người tham gia BHXH với từng địa bàn quận, huyện, thị xã.
Công tác truyền thông tiếp tục phải được đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả phù hợp với tình hình mới. Hướng tới mục tiêu an sinh bền vững, cần truyền thông để người lao động nhận thức rõ lợi ích của việc tham gia BHXH dài lâu, hạn chế BHXH một lần. Truyền thông phải đi trước một bước, tác động bền bỉ dài lâu, tập trung làm rõ quyền lợi, trách nhiệm thực hiện theo quy định của pháp luật, vì sức khỏe, cuộc sống của bản thân, gia đình và người lao động, an sinh xã hội; để các đối tượng hiểu, biết, tự giác chấp hành. Truyền thông để cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị nhận thức và thực hiện tốt trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện chính sách BHXH, BHYT theo đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Truyền thông để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nhận thức được trọng trách phục vụ đối tượng, tránh gây phiền hà, tạo niềm tin, thu hút hướng dẫn người tham gia ngày càng đông đảo.
Song song với việc thực hiện công tác mang tính thường xuyên, thu đúng, thu đủ, thanh, kiểm tra, giảm nợ đọng, từng cán bộ cơ quan BHXH cơ sở phải nêu cao tinh thần trách nhiệm phục vụ, nâng cao sự hài lòng của người dân. Phải nhận thức rõ, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa nhưng yếu tố con người vẫn đóng vai trò quyết định; quá trình giải quyết thủ tục hành chính cần có sự linh hoạt, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp, từng bước, từng ngày tạo và nâng cao niềm tin về cơ quan BHXH cũng như chính sách, pháp luật BHXH của Đảng, Nhà nước vì mục tiêu bảo đảm An sinh xã hội bền vững./.
PV: Trân trọng cảm ơn Phó Tổng Giám đốc!
PV (thực hiện)