GDP đạt mức cao, chất lượng nền kinh tế tiếp tục được cải thiện
28/12/2018 02:23 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, trong buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội quý IV và năm 2018, ngày 27/12. Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã thông báo một số vấn đề cơ bản về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam trong năm 2018 và những rủi ro, thách thức trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chủ trì họp báo.
Theo đó, kinh tế - xã hội nước ta năm 2018 tiếp tục khởi sắc với tăng trưởng GDP đạt mức cao nhất trong 11 năm qua với mức tăng 7,08%. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Sản xuất nông nghiệp đạt kết quả khá; công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ thị trường tiếp tục tăng cao, giữ vững vai trò là động lực tăng trưởng. Thực hiện vốn đầu tư phát triển hiệu quả hơn với nhiều năng lực sản xuất mới được bổ sung cho nền kinh tế. Môi trường kinh doanh đang ngày càng cải thiện. Tiêu dùng tăng cao, xuất khẩu và thu hút khách du lịch quốc tế đạt khá.
Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm, quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành là hơn 5,53 triệu tỷ đồng. GDP bình quân đầu người khoảng 58,5 triệu đồng, tương đương 2.587 USD. Mức này tăng 198 USD so với năm 2017. Xét về góc độ sử dụng GDP, tiêu dùng cuối cùng tăng gần 7,2% so với 2017, tích luỹ tài sản hơn 8,2%; xuất khẩu hàng hoá tăng 14,3%...
GDP Việt Nam đạt mức cao so với các năm trước đây.
Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt hơn 244,7 tỷ USD, tăng gần 14% so với 2017. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) vẫn chiếm gần 70% kim ngạch xuất khẩu, hơn 175,5 tỷ USD, trong khi khối trong nước đạt 69,2 tỷ USD.
Ở chiều ngược lại, cả năm Việt Nam nhập khẩu hơn 237,5 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ. Tính chung năm 2018 Việt Nam đạt thặng dư thương mại 7,2 tỷ USD, trong đó khu vực trong nước nhập siêu 25,6 tỷ và khu vực đầu tư nước ngoài (gồm dầu thô) xuất siêu 32,8 tỷ USD.
“Chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện”, ông Nguyễn Bích Lâm nhận xét.
Người đứng đầu GSO phân tích, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP là 43,5%, cao hơn nhiều mức bình quân gần 33,6% giai đoạn 2011 – 2015. Năng suất lao động tăng gần 6% so với 2017 và tính theo giá hiện hành đạt 102 triệu đồng (gần 4.512 USD) một người. Hiệu quả đầu tư được cải thiện với nhiều năng lực sản xuất mới bổ sung cho nền kinh tế. Chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (hệ số ICOR) giảm từ mức 6,42 năm 2016 xuống 6,11 năm 2017 và 5,97 năm 2018, bình quân giai đoạn 2016-2018 hệ số ICOR ở mức 6,17, thấp hơn so với hệ số 6,25 của giai đoạn 2011-2015.
Tại buổi họp báo, đại diện Tổng cục Thống kê đã giải đáp các câu hỏi của các phóng viên, nhà báo liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội nước ta trong quý IV và năm 2018, đồng thời đưa ra những phân tích, dự báo về tình hình kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Toàn cảnh buổi họp báo.
Liên quan đến câu hỏi về những con số kỷ lục năm 2018, ông Nguyễn Bích Lâm cho hay, tăng trưởng kinh tế tăng cao nhất 11 năm qua, tăng trưởng ở cả 3 khu vực: nông, lâm nghiệp thuỷ sản, công nghiệp và dịch vụ. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 15,5 triệu khách, tăng gần 20%. Kỳ tích trong công nghiệp chế biến chế tạo tạo động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế. Xuất khẩu đạt kỷ lục 244,7 tỷ USD. Lần đầu tiên giải ngân đạt hơn 19 tỷ USD. “Chúng tôi lạc quan sau 30 năm thu hút FDI, Chính phủ đã có chính sách sàng lọc những dự án không có hàm lượng công nghệ”, ông Lâm nói.
Năm 2019 có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Dự báo kinh tế thế giới trong năm 2019 vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Để hoàn thành tốt mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 đã được Quốc hội thông qua (GDP tăng 6,6%-6,8%, tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%-8%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%), ông Nguyễn Bích Lâm khuyến nghị, các cấp, các ngành và địa phương phải nhận thức đúng và đầy đủ những khó khăn, thách thức phía trước để kịp thời có các giải pháp khắc phục ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2019.
Cũng theo ông Nguyễn Bích Lâm, trong điều kiện tự do hoá thương mại, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, năm 2019 cần tập trung vào nhóm giải pháp: rà soát bổ sung thể chế, cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh đang là rào cản cho các DN; rà soát các thủ tục liên quan tới giải thể, phá sản DN nhanh, hiệu quả. Chính phủ cũng cần đổi mới phương thức thu hút FDI, tập trung thu hút các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ công nghệ nguồn, công nghệ cao và ngăn chặn công nghệ lạc hậu vào Việt Nam./.
Quyết Thắng