Chế độ hỗ trợ người có công với cách mạng đang định cư ở nước ngoài
25/07/2018 10:07 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 102/2018/NĐ-CP quy định chế độ hỗ trợ và một số chế độ đãi ngộ khác đối với người Việt Nam có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài.
Ảnh minh họa
Theo đó, đối tượng áp dụng gồm người đã có quyết định công nhận là người có công với cách mạng thuộc diện hưởng chế độ trợ cấp, phụ cấp hằng tháng (bao gồm cả thân nhân của liệt sỹ được hưởng trợ cấp hằng tháng) theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng, đang định cư ở nước ngoài nhưng bị dừng hưởng chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hằng tháng do hoạch định biên giới Quốc gia. Đối với người tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đang định cư ở nước ngoài, sẽ gồm các đối tượng quân nhân, công nhân viên quốc phòng tham gia kháng chiến chống Pháp nhập ngũ hoặc tuyển dụng vào Quân đội trước ngày 20/7/1954 đã phục viên (giải ngũ, thôi việc) từ ngày 31/12/1960 trở về trước; Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhập ngũ, tuyển dụng từ ngày 30/4/1975 trở về trước đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước ngày 1/4/2000 (bao gồm cả đối tượng đi học tập, lao động hợp tác quốc tế đang định cư ở nước ngoài); Dân quân tập trung ở miền Bắc, trực tiếp làm nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trong khoảng thời gian từ tháng 8/1964 đến ngày 27/1/1973 (đối với dân quân tập trung thuộc các xã giáp ranh bên bờ Bắc sông Bến Hải trên vĩ tuyến 17 và các xã nằm trong khu phi quân sự trong khoảng thời gian từ tháng 7/1954 đến ngày 30/4/1975); Du kích tập trung (bao gồm cả lực lượng mật) tham gia hoạt động cách mạng, chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại các chiến trường B, C, K từ tháng 7/1954 đến ngày 30/4/1975. Các đối tượng cũng nằm trong diện hỗ trợ gồm cán bộ dân chính đảng ở miền Nam tham gia hoạt động cách mạng, chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại các chiến trường B, C, K từ tháng 7/1954 đến ngày 30/4/1975; Thanh niên xung phong tham gia kháng chiến trong khoảng thời gian từ tháng 7/1950 đến ngày 30/4/1975 (bao gồm cả thanh niên xung phong cơ sở miền Nam tham gia kháng chiến trong khoảng thời gian từ tháng 3/1965 đến ngày 30/4/1975). Đối với người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài, các đối tượng gồm quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, nhập ngũ, tuyển dụng vào quân đội, công an, cơ yếu sau ngày 30/4/1975, trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở biên giới phía Bắc trong khoảng thời gian từ tháng 2/1979 đến ngày 31/12/1988, biên giới Tây Nam từ tháng 5/1975 đến ngày 7/1/1979, truy quét Ful rô từ tháng 5/1975 đến tháng 12/1992, thuộc địa bàn các huyện biên giới, các tỉnh Tây Nguyên và các huyện tiếp giáp huyện biên giới có xảy ra chiến sự (bao gồm cả các huyện đảo biên giới và khu vực Hoàng Sa, Trường Sa, DK 1); hoặc tham gia làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia từ tháng 1/1979 đến ngày 31/8/1989, hoặc giúp bạn Lào từ tháng 5/1975 đến ngày 31/12/1988, đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước ngày 1/4/2000 hoặc chuyển ngành sau đó thôi việc trước ngày 1/1/1995 (bao gồm cả đối tượng đi học tập, lao động hợp tác quốc tế đang định cư ở nước ngoài)
Nghị định 102/2018/NĐ-CP cũng quy định chế độ hỗ trợ và một số chế độ đãi ngộ đối với một số đối tượng khác. Về thời gian tính hưởng chế độ, đối tượng là quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như quân nhân là tổng thời gian công tác thực tế trong quân đội, công an, cơ yếu (trừ thời gian đi lao động hợp tác quốc tế). Các đối tượng còn lại là thời gian trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong khoảng thời gian và địa bàn quy định. Trường hợp, một người có thời gian tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế và tham gia dân công hỏa tuyến thuộc các nhóm đối tượng khác nhau theo quy định hoặc có thời gian công tác gián đoạn thì được cộng dồn; trừ thời gian đã được tính hưởng chế độ trợ cấp một lần hoặc hàng tháng theo quy định tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định của Chính phủ. Thời gian tính hưởng chế độ hỗ trợ một lần nếu có tháng lẻ thì đủ 6 tháng trở lên được tính bằng một năm, dưới 6 tháng được tính bằng 1/2 năm. Nghị định có hiệu lực thi hành từ 5/9/2018./.
PV