5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW: Nghị quyết đi vào cuộc sống thiết thực, hiệu quả
23/07/2018 02:56 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sau chặng đường 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 – 2020 để thấy Nghị quyết đã đi vào thực tiễn đời sống xã hội, mang lại nhiều đổi thay cả về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và người dân đối với chính sách này.
Định hướng trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội...
Với định hướng này rõ ràng đã khẳng định được vai trò quan trọng của BHXH, BHYT hiện nay. Tại Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020 do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW hơn 5 năm qua đã đem lại nhiều chuyển biến tích cực và nhiều thành quả ý nghĩa, góp phần quan trọng tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
Từ dấu mốc quan trọng của sự ra đời Nghị quyết, trên thực tế, sau 5 năm hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT từng bước được hoàn thiện phù hợp với điều kiện phát triển KT-XH đất nước, tạo thuận lợi cho NLĐ và nhân dân tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT. Nhận thức của các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên, người dân, NLĐ được nâng lên rõ rệt. Nhiều cấp ủy, chính quyền đã nâng cao trách nhiệm của mình trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, vận động nhân dân; chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch công tác BHXH, BHYT. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính sách BHXH, BHYT đã đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tích cực. Mức độ hài lòng của nhân dân về chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, về thủ tục đăng ký tham gia và thanh toán các loại hình bảo hiểm từng bước được nâng lên. Số người tham gia BHXH, BHYT liên tục tăng, trong đó số người tham gia BHYT đã vượt chỉ tiêu đề ra...
Nghị quyết số 21-NQ/TW đã đi vào cuộc sống thiết thực, hiệu quả.
Đặc biệt, vai trò của ngành BHXH là không nhỏ trong thời gian qua. Theo Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, một trong những mục tiêu lớn của Nghị quyết 21 đặt ra là xây dựng hệ thống BHXH hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả. Mục tiêu này đặt ra trách nhiệm rất lớn cho cơ quan BHXH với vai trò là tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Vì vậy, thời gian qua, ngành đã tập trung, quyết liệt chỉ đạo việc tổ chức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ chính trị được giao, đổi mới phương thức hoạt động, từng bước xây dựng ngành BHXH hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân, đơn vị. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin được xác định là yếu tố then chốt, đi trước đón đầu. Ngành BHXH đang xây dựng và sở hữu những hệ thống thông tin lớn như: Hệ thống thông tin giám định BHYT, Hệ thống cấp số định danh và quản lý BHYT hộ gia đình, Hệ thống quản lý chi trả, xét duyệt các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam để tiếp nhận các yêu cầu giao dịch điện tử, khai thác thông tin, dữ liệu về BHXH, BHYT của tổ chức, cá nhân... Bên cạnh đó, hiện nay, BHXH Việt Nam đã cung cấp được 14 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; Hệ thống thông tin giám định kết nối hầu hết với cơ sở khám, chữa bệnh trên phạm vi toàn quốc; đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành hệ thống công nghệ thông tin, Trung tâm Dịch vụ khách hàng, phục vụ tư vấn, giải đáp cho người dân, người lao động...
Phục vụ nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm quyền lợi
Để Nghị quyết 21 có sức lan tỏa, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội thì sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự vào cuộc của hệ thống chính trị các cấp có vai trò hết sức quan trọng. Thực tế cho thấy, nơi nào, địa phương nào có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt thì đều đạt kết quả tốt. Ngoài ra cần phải phát triển hệ thống BHXH đồng bộ với phát triển các dịch vụ xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT.
Đặc biệt, để đạt được mục tiêu mà Nghị quyết số 21 đặt ra, phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia BHTN và mới đây nhất là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng độ bao phủ BHYT đến năm 2020 phải đạt 90% dân số, thì vẫn còn khoảng cách đầy khó khăn đối với ngành BHXH nói riêng và cả hệ thống chính trị nói chung. Trong đó, giải pháp trước mắt là nhanh chóng xóa bỏ những điểm hạn chế, bất cập hiện nay. Những hạn chế được đưa ra đó là diện bao phủ BHXH còn thấp so với tiềm năng (cả nước mới có khoảng 25,8% lực lượng lao động tham gia BHXH, 22% tham gia BHTN). Một số tỉnh, nhất là vùng Tây Nam Bộ có tỷ lệ bao phủ BHYT thấp so với mặt bằng chung cả nước. Mặt khác, hệ thống chính sách pháp luật về BHXH, BHYT còn một số hạn chế, chưa phù hợp với thực tiễn, chưa đồng bộ với các chính sách khác. Quỹ BHXH chưa được đầu tư đa dạng, chưa tận dụng khả năng sinh lời. Tình trạng nợ, trốn BHXH, BHYT xảy ra ở nhiều địa phương. Số doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm còn nhiều, số nợ đọng cao nhưng chưa có biện pháp thu hồi, xử lý thích đáng. Việc quán triệt Nghị quyết ở một số nơi chưa sâu rộng, còn hình thức, công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan liên quan với BHXH chưa đáp ứng yêu cầu...
Khắc phục hạn chế đó, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho rằng, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách phải được tiến hành thường xuyên, chủ động và kịp thời làm thay đổi nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, người dân khi tham gia BHXH, BHYT. Ngoài ra, phải phát triển hệ thống BHXH đồng bộ với phát triển các dịch vụ xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tham gia và thụ hưởng chế độ bảo hiểm. Việc đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống BHXH phải theo hướng phục vụ nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm quyền lợi và sự hài lòng của đơn vị, người tham gia.
Theo NB&CL