Phải công khai minh bạch tiền thu giá dịch vụ y tế của bệnh nhân
06/07/2018 12:43 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đây là một trong những ý kiến vừa được đại diện của BHXH Việt Nam đưa ra tại Hội nghị triển khai Thông tư số 15/2018/TT-BYT (Thông tư 15) của Bộ Y tế, tổ chức ngày 5/7, tại Hà Nội. Tham dự Hội nghị có đại diện BHXH Việt Nam và các cơ sở y tế công lập, tư nhân khu vực phía Bắc.
Toàn cảnh Hội nghị.
Thông tư 15 được Bộ Y tế ban hành ngày 30/5/2018 (thay thế Thông tư số 37/2015/TTLT-BYT-BTC) quy định thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các bệnh viện (BV) cùng hạng trên toàn quốc về điều chỉnh giá dịch vụ y tế (DVYT) - đây là điểm đáng chú ý của Thông tư 15. Theo quy định tại Thông tư 15, chính thức từ ngày 15/7/2018 sẽ có 88 DVYT được điều chỉnh về giá, trong đó có 70 dịch vụ được điều chỉnh giảm từ 5% đến 24% gồm 6 giá khám bệnh của 5 hạng BV và Trạm Y tế xã (bình quân giảm 17%), 34 giá ngày giường bệnh của 5 hạng BV và các loại giường (bình quân giảm 6%), 30 dịch vụ kỹ thuật (DVKT) và xét nghiệm (bình quân giảm 24%); có 9 dịch vụ điều chỉnh tăng khoảng 5% gồm giá giường hồi sức tích cực, giường hồi sức cấp cứu. Thông tư cũng bổ sung giá của 9 loại DVKT mới được thanh toán cho bệnh nhân KCB BHYT.
Ngoài ra, Thông tư 15 cũng điều chỉnh 12 dịch vụ theo phương án không kết cấu chi phí thuốc, vật tư tiêu hao đặc thù trong giá dịch vụ do thuốc và các loại vật tư này có nhiều loại và mỗi người bệnh sử dụng khác nhau nên sẽ được BHYT thanh toán theo số lượng thực tế sử dụng và giá đấu thầu. Thông tư này cũng bổ sung và điều chỉnh ghi chú cụ thể một số thuốc, vật tư chưa kết cấu trong giá của 160 DVKT làm cơ sở để cơ quan BHXH thanh toán cho người có thẻ BHYT theo thực tế sử dụng, tăng thêm quyền lợi của người tham gia BHYT.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, việc triển khai Thông tư liên tịch số 37 giữa Bộ Y tế và BHXH hai năm qua nảy sinh một số bất cập trong việc chỉ định các dịch vụ, kê thêm giường bệnh quá định mức, tăng số lượt khám/bàn… Thông tư 37 chỉ đưa ra quy định về giá, mà không có hướng dẫn thanh toán cụ thể, dẫn tới một số vấn đề phát sinh như: Tần suất khám bệnh quy định là 45 lượt/bàn/ngày (8 tiếng làm việc), nhưng thực tế nhu cầu lớn, nếu tính định mức như thế sẽ không bảo đảm. Vì thế, việc ban hành Thông tư 15 có ý nghĩa trong việc kiểm soát việc chỉ định các dịch vụ, hướng dẫn thanh toán cụ thể, bảo đảm cân đối quỹ BHYT.
Cũng theo Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn, qua 6 tháng đầu năm, các tỉnh đang cân đối chi tiêu quỹ BHYT tốt, dao động 50-52% quỹ. Sau khi triển khai Thông tư 15, Bộ này sẽ tiếp tục điều chỉnh Thông tư về giá dịch vụ trên cơ sở hợp nhất các thông tư liên quan phân tuyến kỹ thuật và DVKT; tiến tới chuẩn hóa DVKT, phân hạng kỹ thuật cho phù hợp cùng giá DVYT, giảm từ 17.000 dịch vụ xuống khoảng 3.000 dịch vụ.
Đại diện BHXH Việt Nam, Phó Trưởng ban Phụ trách Ban thực hiện chính sách BHYT Lê Văn Phúc đề nghị, Bộ Y tế ban hành và công khai định mức kinh tế kỹ thuật để cơ sở KCB biết và thực hiện.
Đại diện BHXH Việt Nam phát biểu tại Hội nghị, Phó Trưởng ban Phụ trách Ban thực hiện chính sách BHYT Lê Văn Phúc nhấn mạnh, Thông tư 15 đang đưa giá DVYT về giá trị đích thực. Để thực hiện tốt Thông tư 15, ông Lê Văn Phúc đề nghị Bộ Y tế ban hành và công khai định mức kinh tế kỹ thuật để cơ sở KCB biết và thực hiện; với những cơ sở KCB sử dụng không hết định mức kinh tế kỹ thuật, Bộ Y tế cần có biện pháp xử lý, đáp ứng yêu cầu bảo đảm chất lượng điều trị, giúp cơ sở KCB nâng cao chất lượng cung cấp DVYT.
Một nội dung rất quan trọng mà đại diện BHXH Việt Nam đề nghị Bộ Y tế cần phải công khai minh bạch tiền thu giá DVYT của bệnh nhân và phải có chế tài xử lý đối với các trường hợp thu thêm của người bệnh những chi phí đã kết cấu trong giá DVYT. Đơn cử cho vấn đề này, ông Lê Văn Phúc cho biết, tại khu vực phía Bắc, nhất là tại một số BV tuyến Trung ương vẫn xảy ra tình trạng thu thêm của người bệnh, kể cả các chi phí đã được kết cấu trong giá DVYT, chủ yếu bởi hai nguyên nhân: Một là không giải thích rõ, thứ hai là thu thêm những khoản không được thu, trong đó có lấy lý do là tự chủ bệnh viện. “Nếu tình trạng này tiếp diễn, thì chỉ số về chi tiêu tiền túi của người bệnh sẽ tăng lên, thay vì giảm đi như kế hoạch mà Bộ Y tế đã đặt ra”, ông Lê Văn Phúc chia sẻ.
Theo ông Lê Văn Phúc, thời gian tới, khi triển khai Thông tư 15, BHXH Việt Nam và Bộ Y tế sẽ thành lập một số đoàn đi kiểm tra thực tế. Về phía địa phương, yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Y tế thành lập các đoàn giám sát việc thực hiện tại các BV, đặc biệt là trong vấn đề kê thêm giường, chỉ định bệnh nhân vào điều trị nội trú... Bởi thực tế thời gian qua cho thấy, có BV chỉ định tới 20-30% bệnh nhân đến khám vào điều trị nội trú, trong khi ở BV cùng loại khác, tỷ lệ này chỉ chiếm khoảng 10%...
Chia sẻ một số lưu ý trong quá trình triển khai Thông tư 15, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế Nguyễn Nam Liên cho biết, khi triển khai Thông tư 15, các cơ sở có số lượt khám bệnh tăng cần phải thực hiện ngay các giải pháp như tăng số bàn khám, điều tiết nhân lực cho phòng khám vào các giờ cao điểm để bảo đảm bác sĩ có thời gian khám, tư vấn cho người bệnh. Bên cạnh đó, tăng cường điều trị ngoại trú, điều trị ban ngày, chỉ định người bệnh điều trị nội trú theo đúng quy định, chống nhiễm khuẩn giảm số ngày điều trị nội trú. Thực hiện chỉ định các DVKT theo đúng quy định về chuyên môn y tế.
Đặc biệt, với các cơ sở y tế quá tải cần báo cáo UBND cấp tỉnh giao tăng số lượng người làm việc; thực hiện chuyển người bệnh sang cơ sở y tế khác và chỉ trong trường hợp thực sự quá tải mới được kê thêm giường để không nằm ghép. “Cơ sở KCB nào chỉ định điều trị nội trú, chỉ định sử dụng dịch vụ quá mức cần thiết sẽ bị xử lý nghiêm”, ông Nguyễn Nam Liên nhấn mạnh./.
PV