Các tổ chức quốc tế hỗ trợ Việt Nam phòng chống tác hại thuốc lá
28/06/2018 05:10 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều ngày 26/6/2018, tại Hà Nội, Bộ Y tế, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) đã tổ chức buổi họp nhóm kỹ thuật đối với các tổ chức quốc tế phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam.
Cuộc họp có sự tham dự có bà Kenlly Henning- Giám đốc phụ trách các chương trình sức khỏe toàn cầu Quỹ Bloomberg Philanthropies, các chuyên gia đến từ tổ chức Heath Bridge, Liên minh phòng chống THTL, Đại học Chicago, Tổ chức Vital Strategie; tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, …và các đối tác phát triển tại Việt Nam.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh - Giám đốc Quỹ Phòng chống THTL cho biết, hiện Việt Nam đã xây dựng được mạng lưới PCTHTL ở khắp 63 tỉnh thành. Đến nay, 63 tỉnh, thành phố đã thực hiện môi trường không khói thuốc theo quy định của Luật. Bên cạnh đó có 4 thành phố (Hạ Long, Huế, Nha Trang và Hội An) triển khai hoạt động xây dựng môi trường du lịch không khói thuốc lá.
Đã có khoảng 1.200 trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông trong toàn quốc thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc trong khuôn viên trường học; Gần 130 trường cao đẳng và đại học trong toàn quốc thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá tại khu vực trong nhà. Điển hình, các thành phố du lịch đang xây dựng du lịch không khói thuốc gồm: Hạ Long, Hội An, Huế, Nha Trang, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng... với 236 nhà hàng và 51 khách sạn thực hiện môi trường không khói thuốc.
Công cuộc phòng chống tác hại thuốc lá nhận được sự ủng hộ từ các cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, … đến các Bộ, ngành và các tổ chức chính trị xã hội như Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Hội phụ nữ, Hội Nông dân, TW Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh…
Kết quả Điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (GATS 2015) do Tổng Cục thống kê phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa kỳ công bố năm 2016 cũng cho thấy so với năm 2010 tỷ lệ hút thuốc trong nam giới Việt Nam có xu hướng giảm (từ 47,4% xuống 45,3%). Mặc dù vậy, theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê đây vẫn còn là một tỷ lệ cao người hút thuốc ở người trưởng thành cần phải giảm hơn nữa. Công tác PC THTL cũng gặp phải những khó khăn trong công tác giám sát, kiểm tra, xử phạt, tăng thuế thuốc lá, tư vấn cai nghiện….
Tại cuộc họp các chuyên gia đã cùng nhau thảo luận về tình hình thực thi Luật PCTHTL ở Việt Nam trong đó có vấn đề tăng thuế và giá của các sản phẩm thuốc lá; Vấn đề thanh tra, xử phạt vi phạm quy định thực hiện môi trường không thuốc lá; Tính bền vững của Chương trình PCTHTL và Kế hoạch phối hợp cùng Chiến lược PCTHTL của Việt Nam trong thời gian tới.
Tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5/2018) do Bộ Y tế vừa mới tổ chức, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tại Việt Nam, số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích, mà một trong những nguyên nhân là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao. Công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: Tỷ lệ hút thuốc lá điếu của nam giới khu vực thành thị năm giảm, tỷ lệ hút thuốc lá trong nam giới trưởng thành giảm khoảng, tỷ lệ hút thuốc thụ động giảm rõ rệt như tại nơi làm việc giảm 13,3%, tại nhà giảm 13,2%, trên phương tiện giao thông công cộng giảm 15%, trong trường đại học cao đẳng giảm 16,4%. Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác phòng chống tác hại thuốc lá gặp nhiều khó khăn bởi thuốc lá là sản phẩm gây nghiện.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng chỉ ra cùng với các tổn thất về sức khoẻ, sử dụng thuốc lá cũng gây ra các gánh nặng về kinh tế không chỉ cho người sử dụng mà còn cho cả gia đình họ và xã hội.
TA