Năm 2020: Triển khai hệ thống thông tin quản lý hộ tịch trong cả nước
29/04/2018 10:14 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 26/4, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết Dự án “Thí điểm thiết lập Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch” với sự tham gia của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, BHXH Việt Nam và 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ảnh: VGP
Báo cáo của Bộ Tư pháp cho biết: Sau 2 năm tích cực xây dựng và triển khai, đến nay Dự án đã được Bộ Tư pháp triển khai thành công, bảo đảm đúng tiến độ, vượt tất cả các chỉ tiêu đề ra và đạt được nhiều kết quả nổi bật được xã hội ghi nhận.
Cụ thể, đã triển khai Hệ thống tại 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, vượt kế hoạch 20 địa phương so với mục tiêu đề ra ban đầu, đáp ứng yêu cầu mở rộng cấp số định danh cá nhân cho trẻ em đăng ký khai sinh của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 13/3/2017; cung cấp đầy đủ các nghiệp vụ về đăng ký hộ tịch, hỗ trợ giải quyết hàng triệu lượt thủ tục hành chính, góp phần tăng cường cải cách hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân. Hệ thống được triển khai một cách đồng bộ, thống nhất từ Trung ương (Bộ Tư pháp) tới địa phương, giúp cơ quan quản lý hộ tịch có thể thống kê, theo dõi, kiểm tra trực tiếp dữ liệu của các cơ quan đăng ký hộ tịch cấp dưới thuộc phạm vi đơn vị mình quản lý; thông tin nhân thân về công dân được tích hợp, chia sẻ giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham gia sử dụng Hệ thống, bảo đảm thông tin đăng ký hộ tịch của công dân được quản lý tập trung, tránh thực hiện trùng lặp các sự kiện đăng ký hộ tịch, từng bước đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…
Theo mục tiêu của Đề án, trong giai đoạn tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan phát triển các kết quả của Dự án cũng như hoàn thiện các vấn đề còn tồn tại.
Theo đó, tiếp tục mở rộng phạm vi triển khai Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch cho các địa phương đã đáp ứng được các điều kiện triển khai; nghiên cứu đề xuất các cấp có thẩm quyền ban hành mới hoặc sửa đổi các văn bản pháp lý có liên quan nhằm tháo gỡ các khó khăn còn tồn tại về cơ chế, pháp lý để triển khai Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch cũng như xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch toàn quốc được hiệu quả; hướng dẫn các địa phương việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực hộ tịch; thí điểm triển khai chia sẻ dữ liệu về thông tin nhân thân, mối quan hệ giữa các công dân trên Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với một số Cơ sở dữ liệu chuyên ngành của ngành tư pháp trong các lĩnh vực như quốc tịch, lý lịch tư pháp, con nuôi, thi hành án dân sự… nhằm thống nhất, đồng bộ thông tin công dân giữa các Cơ sở dữ liệu và không phải nhập lại thông tin khi cần…
Để hoàn thành nhiệm vụ đến năm 2020 triển khai Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch trên phạm vi cả nước, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đề nghị các cơ quan phải xác định đây là trách nhiệm chung của cả Trung ương và địa phương, đặc biệt vai trò của chính quyền địa phương là vô cùng quan trọng để Dự án triển khai hiệu quả. Bộ Tư pháp và các bộ, ngành hữu quan sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các vấn đề về chuyên môn và nghiệp vụ để hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương. Đối với các địa phương, cần đặc biệt chú ý tới việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng và tập trung cập nhật thông tin hộ tịch lịch sử. Các cơ quan cũng cần tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin, hoàn thiện quy định pháp luật để bảo đảm tính tương thích, tránh chồng chéo./.
Theo VGP