Truyền thông về chính sách BHXH và BHYT: Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả
17/04/2018 10:30 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đó là tiêu đề của Hội thảo khoa học do BHXH Việt Nam phối hợp với Trường ĐHKHXH&NV tổ chức sáng 17/4, tại Hà Nội.
Toàn cảnh Hội thảo.
Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam diễn ra một hội thảo khoa học về truyền thông chính sách BHXH và BHYT có sự tham gia của ba giới chuyên môn, bao gồm: Nhà quản lý và điều hành thực thi chính sách BHXH, BHYT; nhà nghiên cứu và đào tạo báo chí – truyền thông và các nhà báo. Hội thảo đã thu hút hơn 30 tham luận bao gồm những vấn đề nổi cộm được phản ánh về việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT hiện nay trên các loại hình truyền thông như báo in, báo điện tử, phát thanh, mạng xã hội…Hội thảo khoa học nhằm đánh giá các phương thức và hiệu quả truyền thông về chính sách BHXH, BHYT hiện nay, cũng như đề xuất các giải pháp phù hợp đáp ứng yêu cầu xã hội.
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Văn Kim, Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội – Nhân văn nhấn mạnh chính sách BHXH, BHYT là hai chính sách nhằm bảo đảm tính công bằng xã hội và cũng là thước đo quan trọng đánh giá trình độ phát triển của xã hội. Để việc thực thi các chính sách nói chung và chính sách BHXH, BHYT nói riêng, công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng, là cầu nối đưa các quy định của pháp luật đến với từng người dân đã đi vào thực tiễn cuộc sống.
Tham gia BHYT HSSV là thể hiện sự trách nhiệm, sẻ chia
Trình bày tham luận “Những điểm mới trong chính sách BHYT cần chú trọng trong thời gian tới” với những kinh nghiệm sâu sắc từ thực tiễn, Phó Trưởng Ban Thực hiện Chính sách BHYT, BHXH Việt Nam Lê Văn Phúc nhấn mạnh: Mặc dù tỷ lệ tham gia BHYT đã tăng nhanh qua các năm, nhưng vẫn còn một số nhóm đối tượng dù đã có sự hỗ trợ mức đóng từ ngân sách nhà nước nhưng tỷ lệ tham gia BHYT mới đạt trên 80% (trong đó có nhóm đối tượng HSSV, đặc biệt là đối tượng sinh viên). Để tiếp tục nâng cao chất lượng KCB BHYT và khuyến khích người dân tham gia BHYT, nhiều chính sách, pháp luật mới về BHYT sẽ được triển khai thực hiện trong thời gian tới, nhóm đối tượng HSSV cũng sẽ được đặc biệt chú trọng nhằm đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội cho nhóm này – ông Phúc khẳng định.
Phó Trưởng Ban Thực hiện Chính sách BHYT, BHXH Việt Nam Lê Văn Phúc trình bày tham luận tại Hội thảo.
Đồng tình với nhận định của ông Lê Văn Phúc, thông qua tham luận “Truyền thông chính sách, pháp luật BHYT, BHXH đến HSSV: Thực trạng và giải pháp”, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Dương Ngọc Ánh bổ sung thêm: Với lực lượng chiếm gần ¼ dân số cả nước, việc thực hiện BHYT đến HSSV có ý nghĩa quan trọng để hướng tới bao phủ BHYT toàn dân. Đối với lực lượng sinh viên – những người chuẩn bị gia nhập thị trường lao động, việc thực hiện BHXH sẽ góp phần bảo vệ người lao động khi không may gặp rủi ro. Truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHYT đến HSSV không chỉ giúp các em có được kiến thức pháp luật về BHXH, BHYT để tự bảo vệ mình mà hơn thế nữa, chính các em còn trở thành những chủ thể tham gia vào công tác truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHYT đến toàn xã hội.
Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Dương Ngọc Ánh khẳng định tham gia BHYT HSSV là thể hiện sự trách nhiệm, sẻ chia.
Ứng dụng phương pháp truyền thông mới trong công tác BHXH, BHYT
Chia sẻ quan điểm dưới góc nhìn ứng dụng phương tiện truyền thông mới ở Việt Nam với công tác BHXH, BHYT, Tiến sỹ Nguyễn Sơn Minh, Giảng viên Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐHKHXH&NV đưa ra những khuyến nghị: Trong bối cảnh kỹ thuật số trên nền tảng mạng Internet và mạng viễn thông di dộng, cần thử nghiệm và chấp nhận tư duy mới trong tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách mềm dẻo, linh hoạt với phương châm: “Người dân thích đọc, nghe, xem sản phẩm truyền thông trước khi lồng ghép thông điệp tuyên truyền”, ưu tiên tính thời sự và cập nhật của thông tin chính sách, pháp luật. Tích cực nghiên cứu và áp dụng các sản phẩm truyền thông mới trên các phương tiện truyền thông mới như TVC quảng cáo, viral video, truyền thông đa phương tiện…trong công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT hiện nay.
Th.S Trần Ngọc Hà, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội báo Pháp luật Việt Nam.
Đề xuất về mô hình “truyền thông tham gia” (participatory communication), Tiến sỹ Đỗ Anh Đức, Trường ĐH KHXH&NV nhận định, trong bối cảnh hiện nay, mô hình truyền thông này là phù hợp trong lĩnh vực BHXH, BHYT thông qua đánh giá, nhận định thực trạng hoạt động truyền thông. Khác với mô hình truyền thông khác, mô hình “truyền thông tham gia” đề cao sự chủ động của con người, tạo mọi điều kiện và tự khuyến khích bản thân vì cuộc sống tốt đẹp hơn. Mô hình này cũng phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể như Hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh và phát huy thế mạnh, đặc trưng văn hóa của từng địa phương. Trong mô hình “tham gia”, người dân chủ động thiết kế hoạt động truyền thông và giao tiếp với nhau, họ là chủ thể của hình thức truyền thông được tổ chức như một buổi sinh hoạt tập thể, hay trò chơi, người làm truyền thông đóng vai trò dẫn dắt và cung cấp những gợi ý để các cá nhân tự tìm kiếm kiến thức, câu trả lời cho những vấn đề họ đặt ra…
Tiến sỹ Đỗ Anh Đức, Trường ĐH KHXH&NV trình bày tham luận.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu cũng được nghe tham luận: “Tuyên truyền chính sách BHXH và BHYT trong hệ thống báo chí của Đảng và quan điểm chỉ đạo của Ban Tuyên giáo” của TS. Đoàn Văn Báu, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công tác Tuyên giáo, Ban Tuyên giáo Trung ương và tham luận “Tiếp cận thông tin về BHXH và BHYT của nhà báo trên báo Pháp luật Việt Nam” do Th.S Trần Ngọc Hà, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội báo Pháp luật Việt Nam trình bày.
Hội thảo đã tạo ra một không gian đối thoại đa chiều nhằm tăng cường hiểu biết và nâng cao năng lực lẫn nhau góp phần đạt được các mục tiêu truyền thông về chính sách BHXH, BHYT trong thời gian tới. Trong đó, phấn đấu đến năm 2020 có 50% số người lao động tham gia BHXH; 35% số người lao động tham gia BH thất nghiệp và trên 90% dân số tham gia BHYT…/.
AT