Tăng cường giám sát; bảo đảm tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau
26/03/2018 04:00 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Phát biểu tại Phiên họp toàn thể Đại hội đồng IPU-138 với chủ đề “Giải pháp chính sách nhằm tăng cường cơ chế toàn cầu về người di cư và tị nạn”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh giải pháp, tăng cường giám sát việc triển khai Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì phát triển bền vững, bảo đảm tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau.
Phiên họp toàn thể Đại hội đồng lần thứ 138 Liên minh Nghị viện Thế giới đã diễn ra sáng 25/3 (giờ địa phương) tại Geneva, Thụy Sĩ với chủ đề “Giải pháp chính sách nhằm tăng cường cơ chế toàn cầu về người di cư và tị nạn”. Chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có bài phát biểu quan trọng tại phiên họp này. Đây là phiên họp đầu tiên của Đại hội đồng IPU-138.
Mở đầu bài phát biểu, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, phiên họp Đại hội đồng lần thứ 138 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều thay đổi làm phát sinh nhiều vấn đề phức tạp mà thế giới đang phải đối mặt, ảnh hưởng đến sự an toàn và cuộc sống của người dân, nhất là người di cư, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
Nhắc lại những nỗ lực chung trong thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, với tinh thần không bỏ ai lại phía sau và với phương châm biến lời nói thành hành động, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh sự cần thiết phải tạo lập khuôn khổ pháp lý đầy đủ, chặt chẽ, góp phần bảo vệ phẩm giá, quyền con người và các quyền tự do cơ bản của những người dân di cư, đồng thời phát huy tối đa những đóng góp của người dân di cư vào quá trình phát triển của mỗi quốc gia, làm giàu thêm không chỉ về kinh tế mà còn về văn hóa, tri thức cho các nước.
Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: "Do vậy, chúng ta đánh giá cao IPU trong nhiều năm qua đã nỗ lực tạo lập các chương trình, tuyên bố, điển hình là Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, Tuyên bố New York của Liên Hợp Quốc tháng 9/2016 và gần đây là Tuyên bố về di cư công bằng và nhân đạo của Đại hội đồng IPU-133 vào tháng 10/2015 để làm cơ sở pháp lý cho các hoạt động này”.
Theo Chủ tịch Quốc hội, IPU với vai trò là tổ chức liên nghị viện lớn nhất thế giới hiện nay cần tiếp tục đóng vai trò đi đầu trong nỗ lực thúc đẩy hợp tác vì phát triển giữa các quốc gia, khuyến khích sự tham gia của Nghị viện các nước thành viên nhằm thúc đẩy các xu hướng tích cực, đại diện và bảo vệ quyền lợi của người dân, đồng thời đóng góp vào việc ứng phó các thách thức, rủi ro, đặc biệt trong vấn đề di cư.
Về phần mình, các Nghị viện cũng cần phải đóng vai trò tích cực trong việc xây dựng môi trường hòa bình an ninh quốc tế, khu vực thông qua việc yêu cầu các chính phủ giải quyết các tranh chấp, xung đột bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc tế vì hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển bền vững.
Tại phiên họp toàn thể, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ, trong tiến trình phát triển đất nước, hội nhập quốc tế, Việt Nam luôn chủ trương nhất quán bảo đảm để mọi người dân đều bình đẳng trước pháp luật và tạo điều kiện cho người dân có quyền di cư, dịch chuyển lao động để phát huy khả năng tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giao lưu, kết nối cộng đồng, bảo đảm phát huy quyền dân chủ, đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Chủ trương này được ghi nhận trong Hiến pháp, trong các văn bản pháp luật liên quan và được bảo đảm thực thi trên thực tế.
Ở cấp độ quốc tế, Việt Nam ủng hộ các hoạt động di cư hợp pháp, nhất là di cư lao động, đồng thời kiên quyết đấu tranh phòng chống di cư trái pháp luật, đặc biệt là buôn bán người và tội phạm xuyên quốc gia, bảo đảm di cư an toàn, bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người di cư trong suốt quá trình di cư, đặc biệt khi xảy ra tình trạng khủng hoảng.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định: “Là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẵn sàng và tích cực tham gia vào các nỗ lực toàn cầu trong giải quyết vấn đề di cư phù hợp với trình độ phát triển, luật pháp quốc gia và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có việc xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên Hợp Quốc, thể hiện tinh thần trách nhiệm của mình trong việc chủ động tham gia cũng như thực hiện cam kết và các chương trình, hoạt động của Liên Hợp Quốc, đặc biệt là Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, đồng thời kiến tạo môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước”.
Nhấn mạnh Việt Nam bày tỏ quan ngại về vấn đề người di cư bất hợp pháp, nhất là tác động tiêu cực của vấn đề này đối với phụ nữ và trẻ em, theo Chủ tịch Quốc hội, để giải quyết những cuộc khủng hoảng di cư, cần phải tăng cường hợp tác ở mức độ toàn cầu, có sự tham gia tích cực và hợp tác chặt chẽ của các quốc gia cũng như các tổ chức quốc tế; đồng thời cho rằng, hòa bình, ổn định là điều kiện tiên quyết cho phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm các quyền cơ bản, hạnh phúc của con người ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới; đó là chìa khoá cho việc giải quyết tận gốc rễ các cuộc khủng hoảng hiện nay.
Để tăng cường cơ chế toàn cầu về vấn đề người di cư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đưa ra một số đề xuất.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cộng đồng quốc tế cần tiếp tục củng cố môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển bền vững, ngăn ngừa các mầm mống xung đột, tranh chấp; thúc đẩy khuôn khổ pháp lý quốc tế phù hợp với các cam kết quốc tế nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của người di cư hợp pháp, phòng chống di cư trái phép, buôn bán người và tội phạm xuyên quốc gia.
Cùng với đó, phát huy vai trò của các Nghị viện và các nghị sĩ trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật, giám sát việc thực thi các chính sách, pháp luật của Chính phủ trong lĩnh vực này; bảo đảm đối xử công bằng, bình đẳng giữa mọi thành phần trong xã hội; không phân biệt đối xử hay kỳ thị, tạo điều kiện để hòa nhập xã hội, giúp những người di cư được hưởng các chính sách y tế, giáo dục, các chính sách an sinh xã hội và được tạo cơ hội tìm kiếm việc làm như người bản địa.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tăng cường giám sát việc triển khai Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì phát triển bền vững, bảo đảm tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau. Trong tiến trình này, vai trò của IPU, của Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế là rất cần thiết trong việc ủng hộ, hỗ trợ các nghị viện thành viên triển khai các giải pháp chính sách trên thực tế.
Theo Chủ tịch Quốc hội, cần tăng cường đối thoại, hợp tác để phòng chống bạo lực cực đoan, chủ nghĩa khủng bố, nghèo đói, bất bình đẳng trong xã hội dẫn đến những cuộc khủng hoảng người di cư như những năm gần đây.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ thúc đẩy các cơ chế hợp tác, quan hệ đối tác giữa các quốc gia với các tổ chức khu vực, quốc tế nhằm tạo nguồn lực, hỗ trợ tối đa các quốc gia chịu ảnh hưởng bởi vấn đề di cư bất hợp pháp nhằm đưa ra các giải pháp bền vững.
Kết thúc bài phát biểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Quốc hội Việt Nam cam kết sẽ luôn là thành viên có trách nhiệm, sẵn sàng cùng IPU và Nghị viện các nước thực hiện các nghị quyết, sáng kiến của IPU góp phần xây dựng hòa bình và phát triển bền vững vì lợi ích của nhân dân các nước trên thế giới./.
Theo TTXVN