Bảo đảm an ninh lao động - Mục tiêu tối thượng
17/03/2018 11:11 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trước sự kiện xảy ra mới đây tại Khu CN Bàu Xéo, Trảng Bom, Đồng Nai, lãnh đạo Công ty Texwell Vina rời khỏi Việt Nam trong khi vẫn nợ lương tháng 01/2018 của toàn bộ công nhân với số tiền 13,7 tỷ đồng, nợ cơ quan BHXH 17,5 tỷ đồng. Đây không phải là lần đầu tiên chủ doanh nghiệp bỏ trốn để lại những hệ lụy không nhỏ đối với công tác an sinh xã hội nhưng dường như công tác quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp FDI chưa tìm được những giải pháp hữu hiệu khi kịch bản vẫn lặp đi lặp lại: Chủ doanh nghiệp bỏ trốn, mang theo ít nhất 03 món nợ: Thuế, lương công nhân và BHXH.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet).
Thực tế trên đã diễn ra nhiều năm và thường xảy ra ở doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động. Cứ mỗi khi doanh nghiệp gặp khó khăn, phá sản và bỏ về nước là hàng trăm, hàng nghìn lao động khốn khổ khi bị nợ lương, nợ BHXH và mất việc làm. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay cả nước có hàng trăm doanh nghiệp FDI làm ăn thua lỗ, phá sản và bỏ trốn về nước, để lại những khoản nợ thuế, nợ BHXH, lương công nhân và nợ ngân hàng lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Trước đó, tình trạng chủ doanh nghiệp FDI bỏ trốn với số nợ để lại khá khổng lồ đã diễn ra từ nhiều năm trước. Đơn cử, đầu năm 2017, công ty cổ phần Thép Quatron 100% vốn FDI do làm ăn thua lỗ đã bỏ trốn để lại khoản nợ lên đến 100 tỷ đồng và hàng trăm công nhân mất việc.
Công ty TNHH Ado Vina trước khi bỏ trốn nợ 4 tháng lương công nhân, 3 năm đóng BHXH với số tiền lên đến 1,4 tỷ đồng, một số ngân hàng nước ngoài hơn 1 triệu USD và một hãng bảo hiểm tài chính khác gần 90 tỷ đồng.
Tương tự, tháng 2/2016, công ty Công nghiệp bảo trì dịch vụ tổng hợp ngoài khơi Amanda, 100% vốn FDI, cũng bị phá sản, để lại một khoản nợ hơn 100 tỷ đồng bao gồm lương công nhân, BHXH, nợ ngân hàng và các công ty tài chính.
Hầu hết những trường hợp làm ăn thua lỗ, bỏ trốn về nước đều không được cơ quan chức năng phát hiện kịp thời, chỉ khi thời hạn nộp thuế, báo cáo thường kỳ, nợ BHXH quá lâu, bị nhắc nhở bằng công văn nhưng không có phản hồi, cơ quan chức năng xuống kiểm tra mới phát hiện doanh nghiệp đã dừng hoạt động và bỏ trốn.
Hệ lụy các doanh nghiệp FDI bỏ trốn để lại ảnh hưởng lớn đến vấn đề an sinh xã hội. Trong đó, vấn đề nổi cộm là việc sắp xếp công việc cho hàng nghìn công nhân. Ngoài ra, hầu hết các doanh nghiệp này vẫn còn nợ lương, chiếm dụng tiền BHXH của người lao động trong một thời gian dài nên khi chấm dứt hoạt động, người lao động không được thanh toán BHXH, không có thu nhập trong thời gian tìm việc khác, chưa kể làm xấu môi trường đầu tư của Việt Nam.
Hiện nay, với những trường hợp chủ doanh nghiệp bỏ trốn về nước, cơ quan thuế chỉ có cách gửi thông báo cho Đại sứ quán tại Việt Nam yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện trách nhiệm nộp thuế. Tuy nhiên, việc này vô cùng khó khăn để đòi được tiền thuế cũng như buộc doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình với người lao động. Bên cạnh đó, khi bỏ trốn, tài sản của những doanh nghiệp này để lại hầu như không còn giá trị nhiều, những tài sản có giá trị đã được doanh nghiệp bán thu vốn về trước đó.
Tình trạng doanh nghiệp FDI bỏ trốn đã diễn ra từ nhiều năm nay và đều đã được báo chí phản ánh khi nhà đầu tư có dấu hiệu tẩu tán tài sản và bỏ trốn. Tuy nhiên, sự cảnh báo của báo giới tới cơ quan chức năng ít có tác dụng do các địa phương lo ngại ảnh hưởng tới môi trường đầu tư. Đến khi xảy ra chuyện, chủ đầu tư về nước an toàn còn lao động thì mất trắng. Để giải quyết vấn đề, UBND các tỉnh có doanh nghiệp bỏ trốn cũng đã chủ động liên hệ với Tổng lãnh sự quán các nước có doanh nghiệp bỏ trốn tại Việt Nam để hỗ trợ yêu cầu chủ doanh nghiệp sớm quay trở lại giải quyết hậu quả. Thậm chí, đã có ý kiến đề nghị Interpol hỗ trợ để buộc các ông chủ nợ này trở lại Việt Nam. Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp nợ BHXH, nợ lương của người lao động là quan hệ dân sự. Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với hầu hết các quốc gia chỉ áp dụng cho các tội phạm hình sự, vì vậy không thể dẫn độ chủ doanh nghiệp bỏ trốn về Việt Nam để xử lý. Thực tế cho thấy biện pháp thuyết phục rồi kêu gọi chủ đầu tư trở lại đã được áp dụng nhưng hoàn toàn không có kết quả. Xuất phát từ thực trạng này, tại Dự thảo Nghị định quy định về quản lý thu nợ BHXH, BHYT, BHTN và bảo đảm quyền lợi của người lao động đang được các cơ quan chức năng trình Chính phủ đã đưa ra các quy định nhằm bảo đảm quyền lợi BHXH cho người lao động tại các doanh nghiệp có chủ bỏ trốn: Cơ quan BHXH xác nhận thời gian đóng BHXH, BHTN trên sổ BHXH của người lao động đến thời điểm đơn vị đã đóng BHXH, BHTN để giải quyết quyền lợi cho người lao động; Trường hợp thu hồi được khoản nợ khi thực hiện thanh lý tài sản của đơn vị thì cơ quan BHXH xác nhận bổ sung thời gian đóng BHXH, BHTN trên sổ BHXH để giải quyết chế độ cho người lao động. Như vậy, nếu với quy định tại dự thảo này, trong trường hợp tài sản của Công ty Texwell Vina không còn đủ để trả nợ BHXH, người lao động sẽ bị mất 06 tháng đóng BHXH do đơn vị nợ BHXH từ tháng 8/2017 đến nay.
Trong 02 vụ chủ đầu tư bỏ trốn tại Đồng Nai và TP. HCM mới đây, trong cách xử lý hậu quả có được cải thiện nhờ hỗ trợ của Chính phủ tạm ứng ngân sách trả nợ, sau đó sẽ thanh lý tài sản của doanh nghiệp để thu hồi lại. Nói là vậy nhưng ai cũng hiểu, doanh nghiệp làm gì có tài sản mà thu hồi. Như thế đồng nghĩa với việc tiền thuế của dân được mang ra gánh nợ cho những nhà đầu tư "chụp giật". Giải pháp này chỉ là xử lý tình huống và về lâu dài sẽ không thể thực hiện khi mà danh sách các doanh nghiệp bỏ trốn ngày càng dài với số nợ ngày càng lớn, hơn thế nữa việc làm này sẽ tạo ra tiền lệ xấu trong xử lý sai phạm, bất bình đẳng đối với doanh nghiệp trong nước khi gặp khó khăn. Về lâu dài, cần phải giám sát chặt chẽ việc thực hiện pháp luật tại các công ty đầu tư nước ngoài trong quá trình hoạt động, nhất là thực hiện pháp luật lao động. Khi có sai phạm, các doanh nghiệp này phải bị xử lý nghiêm theo pháp luật. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần sớm có chính sách, chế tài cụ thể để kiểm soát các doanh nghiệp FDI, nhất là năng lực tài chính của nhà đầu tư. Các địa phương khi tiếp nhận đầu tư, việc xác minh về nhà đầu tư phải được thực hiện kỹ càng, bởi lẽ chúng ta kêu gọi đầu tư để giải quyết việc làm, phát triển kinh tế - xã hội chứ không phải để ôm lại một mớ nợ hỗn độn, ngổn ngang mà nhà đầu tư để lại, nguy hại hơn là tình trạng mất an ninh lao động, làm xấu đi hình ảnh môi trường đầu tư của Việt Nam trong khi chúng ta đã nỗ lực rất nhiều để nâng cao năng lực cạnh tranh môi trường đầu tư quốc gia./.
ThS. Dương Ngọc Ánh