Bảo hiểm y tế - chính sách ưu việt, vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe người dân
01/07/2025 09:26 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân là nhiệm vụ trọng yếu, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Trong đó, chính sách BHYT đã và đang khẳng định vai trò là một trong những trụ cột vững chắc của hệ thống an sinh xã hội, góp phần hiện thực hóa mục tiêu công bằng, hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe toàn dân.
BHYT – bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe toàn dân
Những năm qua, dưới sự quan tâm, định hướng đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, chính sách BHYT không ngừng được mở rộng, hoàn thiện. Qua thời gian, chính sách BHYT ngày càng khẳng định rõ vai trò trong bảo vệ sức khỏe Nhân dân, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững.
(Ảnh minh họa)
Chính sách BHYT thể hiện tính ưu việt qua độ bao phủ ngày càng rộng, quyền lợi ngày càng mở rộng và các nỗ lực cải cách nhằm thích ứng với yêu cầu phát triển đất nước. Đa số người dân và doanh nghiệp đã chủ động tham gia, xem BHYT không chỉ là quyền lợi thiết thân mà còn là trách nhiệm xã hội.
Tỷ lệ bao phủ BHYT tăng đều qua các năm: từ 46,1% dân số năm 2008 lên 74,87% năm 2015, và đến cuối năm 2024 đã đạt 94,29%, tương đương hơn 95,5 triệu người tham gia.
Hệ thống cơ sở khám chữa bệnh (KCB) BHYT ngày càng được mở rộng với gần 13.000 cơ sở trên toàn quốc, bao gồm hơn 2.800 cơ sở KCB và gần 10.000 trạm y tế xã, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận dịch vụ y tế, nhất là tại tuyến cơ sở. 15 năm qua (từ năm 2009 đến 2024), đã có hơn 2.120 triệu lượt người KCB BHYT. Riêng năm 2024 ghi nhận 183,6 triệu lượt KCB, gần gấp đôi so với năm 2009, cho thấy sự tin tưởng của người dân đối với chính sách BHYT.
Tuyến y tế cơ sở gồm tuyến huyện và xã chiếm tới 95% tổng số cơ sở KCB BHYT, với khoảng 75% tổng lượt khám và 34% tổng chi phí KCB giai đoạn 2018–2023, cho thấy vai trò thiết yếu của hệ thống y tế cơ sở trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, đặc biệt tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Những câu chuyện từ cuộc sống – Minh chứng cho giá trị của chính sách BHYT
Chính sách BHYT được xây dựng trên nguyên tắc chia sẻ cộng đồng, không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức và bảo đảm thực hiện, lấy phúc lợi xã hội và sức khỏe Nhân dân làm mục tiêu cốt lõi. Đây là nền tảng hình thành nên một hệ thống an sinh bền vững và công bằng, nơi rủi ro được san sẻ giữa người khỏe và người bệnh, người trẻ và người già, người thu nhập cao và người thu nhập thấp. BHYT không chỉ góp phần quan trọng vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe toàn dân mà còn thể hiện rõ giá trị nhân văn qua những câu chuyện thực tế đầy ý nghĩa:
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho rằng “Tham gia BHYT là cách đầu tư cho sức khỏe vô cùng thông minh”. Cuối tháng 3/2025, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đột ngột khởi phát cơn nhồi máu cơ tim. Nhờ được cấp cứu kịp thời tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM và sự đồng hành của thẻ BHYT, anh đã vượt qua cơn nguy kịch. Nửa tháng sau, anh tiếp tục nhập viện để đặt stent nhánh động mạch còn lại, phòng ngừa tái phát. Đặc biệt, nhờ có BHYT hỗ trợ, anh được chi trả khoảng 100 triệu đồng trong tổng chi phí hai lần nằm viện. Trở về từ lằn ranh sinh tử, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chia sẻ: "Trải qua hai lần nằm viện, được điều trị bằng phương pháp hiện đại và tận hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao với chi phí rất hợp lý, tôi mới thật sự thấm thía giá trị của tấm thẻ BHYT, vừa cần thiết, vừa vô cùng hữu ích". Anh cũng bày tỏ sự bất ngờ khi được điều trị tại một bệnh viện chuyên sâu như Tâm Anh với dịch vụ cao cấp nhưng chi phí lại hợp lý nhờ có BHYT.
Tại Hội nghị tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT năm 2022 - đây là chương trình phối hợp giữa BHXH Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức, bà Vũ Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên, đã mở đầu bằng câu chuyện cá nhân đầy thuyết phục. Cách đây 6 tháng, bà phải phẫu thuật u tuyến giáp và được quỹ BHYT hỗ trợ 80% chi phí điều trị, tương đương gần 70 triệu đồng. Từ trải nghiệm của bản thân, bà Hương khẳng định sự cần thiết của BHYT và kêu gọi các thành viên liên minh tham gia để bảo vệ chính mình trước rủi ro ốm đau, bệnh tật. Bà nhấn mạnh: "Với bản thân tôi là người có điều kiện kinh tế tạm ổn, trải qua biến cố trên giường bệnh thấy việc tham gia BHYT hết sức cần thiết, chi phí bỏ ra không nhiều chỉ hơn 1 triệu đồng/1 thẻ nhưng chi phí cho một lần điều trị có thể lên tới cả chục triệu đồng, thậm chí là cả tỷ đồng. Chính sách BHYT đã đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe toàn dân, nhất là những người yếu thế trong xã hội được tiếp cận dịch vụ y tế cao, không lo gánh nặng chi phí y tế khi chẳng may bệnh tật, hoạn nạn, điều này đã thể hiện tính nhân văn, chia sẻ, giá trị thiết thực của chính sách lớn của Đảng và Nhà nước đến gần hơn với người dân".
Ông Trần Doãn Thuần (xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc, Nam Định) nhận thấy lợi ích của chính sách BHYT và đã định kỳ suốt 13 năm đăng ký tham gia. Dù cuộc sống mưu sinh bằng nghề bán nước rồi xe ôm không mấy dư dả, ông vẫn luôn ý thức tầm quan trọng của việc duy trì thẻ BHYT. Ông cẩn thận cất giữ 13 chiếc thẻ BHYT cũ, xem chúng như những kỷ vật minh chứng cho sự phòng bị chu đáo của mình trước những lúc ngã bệnh. Cùng với ứng dụng công nghệ thông tin của Hệ thống BHXH Việt Nam, thẻ của ông có giá trị từ năm này qua năm sau, dữ liệu về quá trình tham gia BHYT được ghi nhận trên hệ thống máy tính, cập nhật thường xuyên trên phần mềm Vss-ID.
Năm 2017, ông Thuần được chẩn đoán mắc bệnh hẹp động mạch vành và tiểu đường. Chiếc thẻ BHYT đã phát huy tác dụng mạnh mẽ trong cuộc đời ông. Chỉ riêng 17 ngày nằm điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, ông Thuần đã được Quỹ BHYT chi trả 72 triệu đồng tiền viện phí và thuốc men. Sau lần đó, ông đã được đặt 5 stent và phải đi khám, nhận thuốc định kỳ hàng tháng. Với chi phí thuốc khoảng 2 triệu đồng/tháng khi không còn khả năng lao động, BHYT đã giúp giảm bớt gánh nặng tài chính khổng lồ cho gia đình ông. Ông Thuần xúc động chia sẻ: "Thực sự một thời gian dài tham gia BHYT đối với tôi không uổng chút nào, nhất là khi tuổi cao sức yếu, không còn làm được gì ra tiền lại mang bệnh trong người. Có tấm thẻ BHYT bên người, vợ con bớt khổ đi nhiều vì bệnh tình của tôi".
Những câu chuyện trên là minh chứng sống động cho thấy chính sách BHYT như một "tấm lá chắn" vững chắc, mang lại sự an tâm và bảo vệ sức khỏe cho hàng triệu người dân Việt Nam.
Quỹ BHYT – nguồn tài chính quan trọng chăm sóc sức khỏe Nhân dân
Song song với việc tăng tỷ lệ bao phủ BHYT và chất lượng dịch vụ KCB BHYT, quỹ BHYT được bảo toàn, tăng trưởng bền vững qua các năm trong điều kiện các nguồn lực có hạn. Kiểm soát chi, chống trục lợi, gian lận quỹ được tăng cường; tối ưu hoá trong sử dụng nguồn quỹ BHYT, cân đối được thu chi và đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.
Trong 15 năm qua, quỹ BHYT đã chi trả gần 1 triệu tỷ đồng cho KCB BHYT. Năm 2024, số chi KCB BHYT từ quỹ BHYT gần 143 nghìn tỷ đồng, gấp 9 lần so với năm 2009. Quỹ BHYT đã thực sự trở thành nguồn tài chính quan trọng, góp phần chăm lo sức khỏe Nhân dân.
Cùng với đó, mức chi trả BHYT và Danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật được quỹ BHYT chi trả ngày càng được mở rộng, đáp ứng nhu cầu KCB của người bệnh BHYT. Nhiều loại thuốc điều trị ung thư, thiết bị, vật tư y tế đắt tiền như stent, khớp nhân tạo được BHYT chi trả hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Mức chi trả BHYT cũng được nâng cao: Luật BHYT năm 2014 đã tăng mức chi BHYT cho người thuộc hộ gia đình người nghèo, người thuộc diện bảo trợ xã hội được BHYT thanh toán 100%; người cận nghèo được chi trả 95% lên 100%. Năm 2023, mức chi trung bình cho người hưu trí là 6,3 triệu đồng/người và cho nhóm bảo trợ xã hội là 5 triệu đồng/người – gấp nhiều lần mức đóng.
Đặc biệt, quy định về thông tuyến KCB BHYT đã tạo thuận lợi rất lớn cho người tham gia BHYT. Từ năm 2016, người tham gia BHYT có thể đến bất kỳ bệnh viện tuyến huyện nào để KCB và từ năm 2021, điều trị nội trú tại bất kỳ bệnh viện tuyến tỉnh nào trong cả nước đều được hưởng quyền lợi như đúng tuyến. Đặc biệt, theo Luật BHYT năm 2024 quy định mở rộng với một số trường hợp trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... người bệnh được lên thẳng cơ sở KCB cấp chuyên sâu.
Cải cách thủ tục – Tăng tiện ích, tạo thuận lợi cho người tham gia
Bên cạnh việc không ngừng nâng cao quyền lợi KCB BHYT, thời gian qua, người tham gia BHYT còn được thụ hưởng nhiều tiện ích thiết thực thông qua cải cách thủ tục hành chính (TTHC), chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 của Chính phủ. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được BHXH Việt Nam ưu tiên thực hiện nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân, phục vụ tốt người tham gia BHYT, đồng thời tăng cường quản lý, phòng chống trục lợi, đảm bảo sử dụng hiệu quả quỹ BHYT.
Theo đó, số lượng thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu, giấy tờ và thời gian xử lý đã được BHXH Việt Nam tinh giản mạnh mẽ; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng giao dịch điện tử, cho phép người dân, doanh nghiệp tương tác trực tuyến với cơ quan BHXH 24/7. Từ 114 thủ tục năm 2015, đến nay chỉ còn 25 thủ tục hành chính, 100% trong số đó được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4, giúp người dân thực hiện các giao dịch nhanh chóng, tiện lợi, minh bạch.
Thực hiện Đề án 06, Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về bảo hiểm do BHXH Việt Nam chủ trì xây dựng đã được tích hợp, kết nối với CSDL quốc gia về dân cư và các bộ, ngành liên quan. Đến nay, đã xác thực khoảng 100,2 triệu thông tin công dân, trong đó có khoảng 89,6 triệu người đang tham gia, thụ hưởng các chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Đây là nền tảng quan trọng cho công tác quản lý và cải cách TTHC trong lĩnh vực bảo hiểm.
Đáng chú ý, 100% cơ sở KCB BHYT (12.851 cơ sở trên toàn quốc) đã triển khai KCB bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chip, góp phần rút ngắn thời gian làm thủ tục, nâng cao chất lượng phục vụ, đồng thời giúp kiểm soát, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT. Việc dùng CCCD thay thế thẻ BHYT không chỉ tạo thuận lợi cho người bệnh không lo quên, mất thẻ mà còn đảm bảo bảo mật thông tin, tiết kiệm thời gian cho cơ sở KCB và góp phần phòng, chống trục lợi quỹ BHYT.
Từ tháng 7/2022, BHXH Việt Nam tích hợp, cung cấp dịch vụ công (DVC) gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình có giảm trừ mức đóng trên Cổng DVC BHXH Việt Nam và Cổng DVC quốc gia. Hiện nay, DVC này đã được tích hợp chung vào DVC "Đăng ký đóng, cấp thẻ BHYT đối với người chỉ tham gia BHYT" và liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi.
Song song đó, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đang phối hợp xây dựng, triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử cho mỗi người dân, góp phần phục vụ tốt hơn cho công tác chuyên môn tại các cơ sở y tế và quản lý chi phí KCB BHYT. Đồng thời, việc liên thông dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe cũng đã hỗ trợ hiệu quả dịch vụ công trực tuyến trong cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe.
Những kết quả tích cực này tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của chính sách BHYT trong đời sống xã hội và sự nghiệp chăm sóc sức khỏe Nhân dân. BHYT không chỉ là chính sách ưu việt mà còn là trụ cột vững chắc của hệ thống an sinh xã hội quốc gia. Để hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân, trong thời gian tới cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội – để BHYT thực sự trở thành “tấm thẻ vàng” bảo vệ sức khỏe mỗi người dân./.
Thái Dương
Chi tiết >>
Những điểm mới của chính sách BHXH tự nguyện theo ...
Những đối tượng mới tham gia BHXH bắt buộc theo ...
Video Đại hội đại biểu Đảng bộ BHXH Việt Nam lần ...
BHXH khu vực I: Phát động cuộc thi, tổ chức tọa đàm, tặng ...
BHXH Khu vực XI: Đồng hành, bảo đảm quyền lợi của người ...
Đảm bảo tốt nhất quyền lợi người tham gia, thụ hưởng BHXH, ...
Chính phủ ban hành Nghị định về giao dịch điện tử trong ...
BHXH Việt Nam: Sẵn sàng triển khai nhiệm vụ phục vụ chính ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?