Tạo nguồn lực phát triển từ nhân lực di cư
17/04/2025 04:26 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trước thềm Hội nghị mùa xuân thường niên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới tại thủ đô Washington (Mỹ), IMF vừa công bố báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới cho thấy số người di cư và tị nạn toàn cầu đã tăng gần gấp đôi trong 30 năm qua, gây ra bất ổn xã hội ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, IMF khuyến cáo việc quản lý hiệu quả người tị nạn có thể mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho các quốc gia tiếp nhận.
Hiện nay, tổng số người di cư và tị nạn toàn cầu đạt 304 triệu người. Báo cáo của IMF nêu rõ, gần 40% số người di cư và 75% người tị nạn đang sinh sống tại các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển. Đáng lo ngại, năm 2024 đã có gần 9.000 người thiệt mạng trên khắp thế giới.
Ông Ugochi Daniels, Phó Giám đốc Tổ chức di cư quốc tế (IOM) nhấn mạnh: “Những cái chết đáng tiếc này có thể ngăn ngừa được”. Theo IOM, số người di cư thiệt mạng và mất tích thực tế có thể cao hơn nhiều do nhiều người thiệt mạng không được ghi nhận vì không có giấy tờ. Châu Á, châu Phi và châu Âu đều ghi nhận số người di cư thiệt mạng kỷ lục trong năm 2024.
Theo IOM, tuyến đường Địa Trung Hải từ Bắc Phi đến Italy nguy hiểm nhất với người di cư, với gần 22.000 người trong đó có khoảng 3.500 trẻ em đã thiệt mạng hoặc mất tích trong 10 năm qua. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ước tính trung bình 8 trong số 10 trẻ em và thanh thiếu niên di chuyển qua tuyến trung tâm Địa Trung Hải phải chịu sự bóc lột, bao gồm bạo lực, lạm dụng, bóc lột tình dục, lao động cưỡng bức, tảo hôn và giam cầm. Tổ chức này cảnh báo, nhiều em không được bảo đảm các quyền cơ bản nhất của trẻ em do phải di cư.
Những người di cư xin tị nạn chờ lên xe buýt tại một trạm kiểm soát ở Eagle Pass, Texas, Mỹ. (Ảnh Tân Hoa Xã)
Thực trạng trên đòi hỏi cộng đồng quốc tế nỗ lực hợp tác ngăn chặn tình trạng di cư trái phép. Tại Italy, chính phủ của Thủ tướng Giorgia Meloni đã đạt được các thỏa thuận với Tunisia và Libya - hai quốc gia có nhiều người di cư tới Italy, theo đó Italy sẽ cung cấp nguồn tài chính, đổi lại hai nước này hỗ trợ ngăn chặn người di cư bất hợp pháp. Theo Bộ Nội vụ Italy, 11.805 người di cư đã đến bờ biển của nước này trong quý đầu năm nay, trong đó có 1.588 trẻ vị thành niên không có người đi cùng.
IMF cảnh báo những thay đổi trong chính sách về di cư và tị nạn có thể tạo ra tác động đáng kể, không chỉ đối với người di cư mà còn đối với các nền kinh tế tiếp nhận. Mặc dù tỷ lệ người di cư hiện chỉ chiếm khoảng 2% dân số ở các nước phát triển, nhưng có thể gây ra chi phí ngắn hạn, nhất là khi sự hội nhập thị trường lao động gặp khó khăn hoặc có sự chênh lệch lớn về kỹ năng. Tuy nhiên, IMF nhấn mạnh trong dài hạn, việc tiếp nhận di cư và người tị nạn nếu được quản lý hiệu quả có thể mang lại nhiều lợi ích kinh tế-xã hội cho các quốc gia tiếp nhận.
Đức là một trong những bài học thành công về xử lý người di cư. Trọng tâm trong chính sách di cư của Chính phủ Đức hiện nay là tăng cường nhập cư lao động lành nghề, kiểm soát chặt chẽ tình trạng di cư bất hợp pháp và chống buôn người một cách quyết liệt.
Bộ trưởng Nội vụ Liên bang Đức Nancy Faeser cho biết, từ năm 2021, nhập cư lao động lành nghề vào Đức đã tăng 77%. Trong 2 năm qua, số lượng người tị nạn giảm 50%, số người bị hồi hương tăng 55%, số lượt người bị từ chối tiếp nhận thông qua hoạt động kiểm soát biên giới nội địa là 50.000 lượt. Chính phủ Đức cung cấp nhiều khóa học hội nhập cho người nhập cư với số lượng người tham gia tăng 2,5 lần so với năm 2021.
Chính phủ liên bang Đức đã ban hành Luật về nhập cư lao động lành nghề để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho lao động lành nghề từ nước ngoài. Luật quốc tịch được cải cách toàn diện, tạo điều kiện cho lao động có tay nghề nước ngoài định cư lâu dài tại Đức và nhập tịch cho những người đã sống ở Đức trong thời gian dài, hòa nhập tốt vào xã hội.
Tình trạng di cư bất hợp pháp xuất phát từ nhiều nguyên nhân sâu xa như đói nghèo, xung đột vũ trang và mâu thuẫn sắc tộc. Tuy nhiên, với chính sách quản lý phù hợp, các quốc gia có thể chuyển hóa người di cư thành nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Để giải quyết căn cơ vấn đề di cư, cộng đồng quốc tế cần tăng cường hợp tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế và bảo đảm hòa bình, ổn định tại các quốc gia đang phát triển.
Tú Linh (Theo Nhandan.vn)
Chi tiết >>
Video: HĐQL BHXH họp thường kỳ quý I/2025 quyết ...
Video: Kỷ niệm 30 năm thành lập ngành BHXH Việt ...
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Lịch tiếp công dân của Lãnh đạo BHXH Việt Nam tháng 4/2025
Đề xuất mô hình tổ chức phù hợp với tính chất đặc thù của ...
Hệ thống BHXH Việt Nam: Phát huy tinh thần trách nhiệm, tâm ...
Cảnh báo: Giả mạo Bộ Tài chính để lừa đảo
BHXH Việt Nam giao chỉ tiêu phát triển người tham gia, giảm ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?