Kết quả nổi bật của ngành BHXH Việt Nam trong 30 năm xây dựng và phát triển

10/02/2025 08:00 AM


Ngày 16/02/1995, Chính phủ ban hành Nghị định 19/CP thành lập BHXH Việt Nam. Từ đó đến nay, trong 30 năm xây dựng và phát triển, ngành BHXH Việt Nam luôn chủ động, bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các Bộ, ban, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc xây dựng, triển khai, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHTN, BHYT.

Theo đó, BHXH Việt Nam luôn kịp thời đưa ra các giải pháp quản lý, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ và người dân tham gia, thụ hưởng. Vì thế, chính sách BHXH, BHYT ngày càng hoàn thiện, phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng phạm vi bao phủ và quyền lợi người tham gia, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giảm gánh nặng tài chính cho người dân, đặc biệt là người nghèo và vùng sâu vùng xa.

Bên cạnh đó, ngành BHXH tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, tận dụng vai trò “then chốt” từ sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương để triển khai quyết liệt, hiệu quả các chỉ tiêu, kế hoạch được giao.

Chính sách BHXH, BHYT ngày càng hoàn thiện, khẳng định vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội của đất nước

Sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp đã trở thành yếu tố quyết định trong việc triển khai các giải pháp phát triển BHXH, BHYT phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của từng địa phương. BHXH các tỉnh, thành phố đã chủ động phối hợp, tham mưu với các sở, ban, ngành liên quan, ban hành các văn bản chỉ đạo, đưa chỉ tiêu BHXH, BHYT vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đến nay, đã có 63/63 tỉnh, thành phố với 100% các xã đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT; 34/63 tỉnh đưa chỉ tiêu về tỷ lệ bao phủ BHXH, 62/63 tỉnh đưa chỉ tiêu bao phủ BHYT vào chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương; 23/63 tỉnh trích ngân sách hỗ trợ thêm cho người tham gia BHXH tự nguyện (chưa bao gồm lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở), 63/63 tỉnh trích ngân sách hỗ trợ thêm cho người tham gia BHYT…

Nhờ vậy, sau 30 năm tổ chức thực hiện nhiệm vụ, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng truyền thống đoàn kết, cố gắng nỗ lực của tập thể CCVC, NLĐ toàn Ngành qua nhiều thế hệ, ngành BHXH đã đạt được những thành tựu đáng kể, từng bước khẳng định chính sách BHXH, BHYT là hai chính sách mang tính nhân văn, ưu việt của Đảng và Nhà nước ta, giữ vai trò trụ cột chính của hệ thống ASXH quốc gia.

Công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Từ năm 1995 đến nay, BHXH Việt Nam đã liên tục hoàn thiện và tinh gọn bộ máy tổ chức để đáp ứng yêu cầu phát triển qua từng giai đoạn. Hệ thống BHXH hiện nay được tổ chức theo mô hình ngành dọc với ba cấp: Trung ương, tỉnh và huyện, và ngày càng tinh gọn, hiệu quả hơn qua các lần điều chỉnh. Thực hiện yêu cầu mới từ Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về sắp xếp bộ máy hệ thống chính trị, BHXH Việt Nam đã nghiêm túc triển khai chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Mục tiêu là tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả", với nguyên tắc "một cơ quan, đơn vị thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một đơn vị chủ trì và chịu trách nhiệm chính", đồng thời khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực và địa bàn….”

Công tác mở rộng độ bao phủ BHXH, BHTN, BHYT

Kết quả đạt được trong công tác này rất ấn tượng, diện bao phủ BHXH, BHYT, BHTN không ngừng được mở rộng qua từng năm. Số người tham gia BHXH, BHTN ngày càng tăng, cơ bản hoàn thành theo lộ trình tại các Nghị quyết, văn bản của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ đã đề ra; tiệm cận mục tiêu BHYT toàn dân.

Tỷ lệ và số người tham gia BHXH: Tăng từ 2,276 triệu người (năm 1995) lên 16,188 triệu người (năm 2020); đạt 18,418 triệu người (năm 2023) tương ứng 39,25% lực lượng lao động (LLLĐ) trong độ tuổi tham gia BHXH. Đến hết năm 2024, số người tham gia BHXH đạt 20,159 triệu người, chiếm 42,71% LLLĐ trong độ tuổi; vững vàng tiến tới đạt mục tiêu theo lộ trình tại Nghị quyết 28-NQ/TW. Trong đó: số người tham gia BHXH tự nguyện do ngành BHXH Việt Nam tập trung kiên trì, liên tục tuyên truyền, vận động khoảng 2,311 triệu người, đạt khoảng 4,9% LLLĐ trong độ tuổi.

Tỷ lệ và số người tham gia BHTN (bắt đầu triển khai từ năm 2009): Năm 2009, có 5,993 nghìn người tham gia BHTN, chiếm 13,3% LLLĐ trong độ tuổi. Năm 2016 có 11,060 triệu người tham gia, chiếm 20,8% LLLĐ trong độ tuổi. Năm 2023 đạt 14,791 triệu người, chiếm 31,5%% LLLĐ trong độ tuổi, tăng 1,45 triệu người so với năm 2020. Đến hết năm 2024, số người tham gia BHTN đạt 16,133 triệu người, chiếm 34,18% lực lượng lao động trong độ tuổi; vững vàng tiến tới đạt mục tiêu theo lộ trình tại Nghị quyết 28-NQ/TW.

Tỷ lệ và số người tham gia BHYT: Vào năm 1995, số người tham gia BHYT chỉ là 7,1 triệu người, chiếm 9,6% dân số; năm 2002, sau khi hợp nhất bộ máy tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, số người tham gia BHYT là 13,03 triệu, chiếm 16,5% dân số. Qua hơn 20 năm thực hiện nhiều giải pháp, BHXH Việt Nam đã tiệm cận mục tiêu BHYT toàn dân; đến cuối năm 2023, số người tham gia BHYT đã đạt 93,628 triệu người, tăng 80 triệu người so với năm 2002 và tăng 5,28 triệu người so với năm 2020.  Đến hết năm 2024, số người tham gia BHYT đạt 95,523 triệu người, chiếm 94,29% dân số và cơ bản đã đạt mục tiêu tại Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương: Tỉ lệ tham gia BHYT đạt 95% dân số vào năm 2025. Trong đó: Số người tự đóng một phần và toàn phần do ngành BHXH Việt Nam tập trung tuyên truyền, vận động liên tục, bền bỉ trong suốt thời gian qua là 48,201 triệu người, khoảng 47,6% dân số.

Diện bao phủ BHXH, BHYT ngày càng mở rộng, bảo đảm quyền lợi người tham gia (Ảnh minh họa)

Công tác bảo đảm quyền lợi người tham gia

Giải quyết chế độ BHXH hằng tháng: Năm 1995, toàn ngành đã giải quyết cho 976 người hưởng chế độ BHXH hằng tháng, năm 2024 khoảng 113 nghìn người, tương đương mức tăng gần 116 lần so với năm 1995. Tính đến cuối năm 2024, tổng số người đang hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng đạt hơn 3,3 triệu người.

Giải quyết chế độ BHTN: Năm 2010, ngành đã tiếp nhận để chi trả cho khoảng 150 nghìn người có quyết định hưởng TCTN. Năm 2024, con số này tăng lên trên 900 nghìn người, tương ứng mức tăng 6 lần so với năm 2010. Từ năm 2010 đến hết năm 2024, tổng số người có quyết định hưởng TCTN được chi trả đạt gần 10,7 triệu người, với trung bình hơn 700 nghìn người mỗi năm.

Trong suốt 30 năm hoạt động, công tác chi trả các chế độ BHXH, BHTN luôn được ngành BHXH Việt Nam coi là nhiệm vụ trọng tâm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống NLĐ và góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Ngành không ngừng nỗ lực để chi trả các chế độ đầy đủ, kịp thời, đồng thời đổi mới phương thức chi trả, ứng dụng CNTT và cải cách hành chính.

Về khám chữa bệnh (KCB) BHYT: Số lượt người có thẻ BHYT đi KCB tăng liên tục qua các năm. Trong 15 năm qua, đã có trên 2.120 triệu lượt người KCB BHYT. Năm 2024, số lượt KCB BHYT đạt 183,6 triệu, tăng gần gấp đôi so với năm 2009.

mức chi trả BHYT và Danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật được quỹ BHYT chi trả ngày càng được mở rộng, đáp ứng nhu cầu KCB của người bệnh BHYT. Quỹ BHYT đã thực sự mang ý nghĩa chia sẻ rất lớn, giữa người khoẻ và người có bệnh, người đóng cao và người đóng thấp.

Công tác cải cách TTHC, ứng dụng CNTT, đẩy mạnh chuyển đổi số

Ngành BHXH chú trọng đẩy mạnh cải cách TTHC, thường xuyên rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm tối đa quy trình, thủ tục, giấy tờ, hồ sơ, biểu mẫu, thời gian thực hiện; ứng dụng hiệu quả công nghệ số, sửa đổi quy trình nghiệp vụ TTHC nhằm cắt giảm chi phí, tạo thuận lợi tối đa phục vụ người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan BHXH. Số lượng thủ tục, giấy tờ, biểu mẫu, hồ sơ, thời gian thực hiện được cắt giảm tối đa, đẩy mạnh giao dịch điện tử (người dân, doanh nghiệp có thể tương tác, giao dịch với cơ quan BHXH 24/7 nhanh nhất, cải cách, thuận lợi nhất). Từ 263 thủ tục năm 2009, ngành đã giảm 238 thủ tục, xuống còn 25 thủ tục (năm 2024, tương đương giảm 90,5%). BHXH Việt Nam đã đẩy mạnh chi trả các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức và trợ cấp BHTN qua tài khoản ngân hàng. Hiện nay, 100% người hưởng các chế độ này và trên 80% người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng tại khu vực đô thị đã được chi trả qua tài khoản ngân hàng.

BHXH Việt Nam đã và đang đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong các lĩnh vực công tác nhằm thực hiện Chính phủ số, bảo đảm ASXH, giảm thời gian và chi phí giao dịch. Ngành đã triển khai nhiều phần mềm quan trọng như quản lý thu, sổ thẻ, xét duyệt chính sách, giám định BHYT, giao dịch điện tử, giúp tối ưu hóa quy trình và nâng cao hiệu quả quản lý. Trong thực hiện Đề án 06, BHXH Việt Nam đã kết nối CSDL quốc gia về dân cư, xác thực hơn 99,8 triệu nhân khẩu, triển khai CCCD gắn chip, VNeID thay thế thẻ BHYT giấy, giúp đơn giản hóa thủ tục KCB, tiết kiệm chi phí. Đặc biệt, 100% cơ sở KCB BHYT đã áp dụng CCCD gắn chip/VNeID, giúp giảm thời gian làm thủ tục còn 6-15 giây. BHXH Việt Nam cũng tích hợp nhiều DVC trực tuyến như gia hạn thẻ BHYT, đăng ký khai sinh, khai tử, trợ cấp mai táng, hưởng BHXH một lần... Ứng dụng VssID được nâng cấp liên tục, hỗ trợ NLĐ giám sát quá trình đóng BHXH, đăng nhập qua VNeID.

Công tác cải cách TTHC, ứng dụng CNTT, chuyển đổi số được đẩy mạnh, phục vụ người tham gia, thụ hưởng chính sách ngày càng tốt hơn (Ảnh minh họa)

Công tác truyền thông

Công tác truyền thông được BHXH Việt Nam triển khai bài bản, chuyên nghiệp, giúp người dân tiếp cận chính sách BHXH, BHTN, BHYT một cách dễ dàng. Nội dung truyền thông liên tục đổi mới, nhấn mạnh lợi ích, tính nhân văn của chính sách, đặc biệt là BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình. Hình thức truyền thông đa dạng, kết hợp trực tiếp và trực tuyến, tận dụng mạng xã hội, báo điện tử, video, tọa đàm trực tuyến, Infographics. BHXH Việt Nam cũng đẩy mạnh phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và báo chí để lan tỏa thông tin. Các kênh trực tuyến như Cổng Thông tin điện tử, Facebook, Zalo, YouTube thu hút hàng chục nghìn người theo dõi, giúp truyền tải thông tin nhanh chóng, hiệu quả.

Công tác hỗ trợ, giải đáp, tư vấn được triển khai qua Hệ thống hỗ trợ đa kênh (Tổng đài 1900.9068, Chatbot, Cổng thông tin điện tử, fanpage, email), tiếp nhận gần 4,5 triệu lượt hỗ trợ từ 9/2020 - 9/2024, trung bình hơn 1 triệu lượt/năm. Từ 2021, BHXH Việt Nam tổ chức 38 hội nghị đối thoại, giải quyết khó khăn cho hơn 8.500 doanh nghiệp và NLĐ. Chương trình "Không để ai bị bỏ lại phía sau" (2020-2024) đã trao tặng hơn 35.000 sổ BHXH, 412.000 thẻ BHYT và 10.000 suất quà Tết cho người dân khó khăn, góp phần nâng cao an sinh xã hội.

Công tác quản lý tài chính, tài sản, kế toán

Công tác quản lý tài chính, tài sản và kế toán của BHXH Việt Nam được thực hiện theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm và hiệu quả, chống lãng phí. Việc sử dụng kinh phí phục vụ kịp thời cho nhiệm vụ thu, chi, giải quyết chính sách, phát triển người tham gia BHXH, BHTN, BHYT được thực hiện phù hợp với đặc thù tổ chức quản lý, hoạt động của ngành BHXH Việt Nam. BHXH Việt Nam đã hoàn thành việc sắp xếp, xử lý nhà đất và chuẩn hóa dữ liệu tài sản theo quy định, cải thiện cơ sở vật chất và bảo đảm tiêu chuẩn trong đầu tư, mua sắm. Công tác kế toán tuân thủ Luật Kế toán và các quy định, tổ chức bộ máy kế toán từ Trung ương đến cấp huyện để theo dõi thu, chi quỹ BHXH, BHYT, BHTN. Từ năm 2020, BHXH Việt Nam kết nối thanh toán điện tử với ngân hàng, tạo thuận lợi cho người nộp và thụ hưởng, nâng cao giám sát quỹ. Từ 2024, thực hiện lệnh chi điện tử giúp chi trả nhanh chóng, chính xác, quản lý chặt chẽ quỹ BHXH.

Công tác thanh tra, kiểm tra

Từ năm 1995 đến hết năm 2024, lực lượng thanh tra, kiểm tra Ngành BHXH Việt Nam đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 340.142 đơn vị; kết quả cụ thể: Yêu cầu truy thu 1.903.506 triệu đồng tiền đóng BHXH, BHTN, BHYT; kiến nghị thu hồi 151.033 triệu đồng về quỹ BHXH, 24.320 triệu đồng về quỹ BHTN và 1.493.650 triệu đồng về quỹ BHYT. Đồng thời, đã ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành 7.086 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về đóng BHXH, BHTN, BHYT với tổng số tiền xử phạt là 289.294 triệu đồng.

Từ năm 2016, với chức năng thanh tra chuyên ngành, công tác thanh tra, kiểm tra của Ngành đã đạt hiệu quả cao hơn. Trong giai đoạn 2016-2024, toàn ngành đã tổ chức 128.433 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 199.847 đơn vị; qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện, kiến nghị truy thu đối với hơn 624.000 lao động chưa đóng, đóng thiếu thời gian, thiếu mức đóng; kiến nghị truy thu, thu hồi về quỹ BHXH, BHYT, BHTN hơn 23 nghìn tỷ đồng. Các đơn vị được thanh tra, kiểm tra đã thực hiện khắc phục trên 18 nghìn tỷ đồng, góp phần đáng kể vào việc giảm tỉ lệ chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN trong thời gian qua.

Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế

Trong 30 năm qua, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của BHXH Việt Nam luôn bám sát chỉ đạo của Chính phủ, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm theo chiến lược phát triển ngành. Nhờ đó, BHXH Việt Nam đạt nhiều thành tựu quan trọng.

Thứ nhất, ngành đã xây dựng khung pháp lý đối ngoại thông qua việc ban hành Quy chế quản lý hoạt động đối ngoại, đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả. Thứ hai, BHXH Việt Nam tích cực tham gia hợp tác đa phương, là thành viên chính thức của Hiệp hội ASXH ASEAN (ASSA) và Hiệp hội ASXH quốc tế (ISSA), đóng góp vào các diễn đàn ASXH toàn cầu.

Về hợp tác song phương, BHXH Việt Nam đẩy mạnh quan hệ với cơ quan ASXH các nước, tham gia đàm phán các điều ước quốc tế nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động trong và ngoài nước, đồng thời nâng cao chất lượng chính sách BHXH, BHYT.

Bên cạnh đó, ngành chú trọng hoạt động thông tin đối ngoại, ứng dụng công nghệ để phát triển các kênh truyền thông đa phương tiện, đa ngôn ngữ, tạo kênh đối thoại với doanh nghiệp FDI. Ngoài ra, công tác đào tạo quốc tế được đẩy mạnh, giúp nâng cao năng lực cán bộ, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Nhờ cách tiếp cận linh hoạt và sáng tạo, BHXH Việt Nam không chỉ khẳng định vị thế trong cộng đồng ASXH thế giới mà còn mở rộng hợp tác quốc tế, góp phần thúc đẩy cải cách và phát triển ngành.

Có thể thấy, trong 30 năm xây dựng và phát triển ngành BHXH Việt Nam đã đạt được các kết quả ấn tượng, không ngừng đổi mới để đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp; khẳng định vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội của chính sách BHXH, BHTN, BHYT. Những kết quả đạt được từ mở rộng diện bao phủ, cải cách thủ tục hành chính đến ứng dụng công nghệ số là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực bền bỉ của Ngành. Trong bối cảnh mới, với thách thức và cơ hội đan xen, ngành BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững sứ mệnh, nâng cao chất lượng phục vụ, hướng đến mục tiêu bảo đảm an sinh bền vững cho mọi người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.

Phạm Chính