Khai mạc Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
07/10/2024 09:18 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 7/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 38.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Phiên họp thứ 38 có ý nghĩa rất quan trọng để rà soát những công việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV. Dự kiến, phiên họp sẽ diễn ra trong 5 ngày với 21 nội dung quan trọng.
Thứ nhất, công tác lập pháp tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm, với thời lượng lớn tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến với 8 dự án luật, 2 dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám. Thông thường, tại phiên họp sát kỳ họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung xem xét các nội dung về kinh tế - ngân sách nhà nước và một số ít nội dung cấp bách. Nhưng do khối lượng công tác lập pháp Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ Tám rất lớn, do đó, đến phiên họp tháng 10 này vẫn còn khá nhiều dự án luật, dự thảo nghị quyết Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Trong đó, có 5 dự án luật trình xin ý kiến gồm: dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; dự án Luật Công nghiệp công nghệ số; dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); dự án Luật Dữ liệu.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến lần hai đối với dự án Luật Nhà giáo. Đối với Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) đến nay các cơ quan chưa chuẩn bị kịp hồ sơ nên trước mắt chưa bố trí trong chương trình kỳ họp này, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Tại Kỳ họp thứ Tám tới, sẽ có 2 dự án Luật, 2 dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Tám theo quy trình một kỳ họp. Đây là những dự án luật hết sức quan trọng, gồm: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm cơ chế xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án hình sự; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng.
Thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến đối với các Báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, công tác dân nguyện trình Quốc hội. Đây là báo cáo quan trọng trình bày trước Quốc hội trong phiên khai mạc và được phát thanh, truyền hình trực tiếp. Do đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu tham gia ý kiến kỹ lưỡng, cụ thể, làm cơ sở cho Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ban Dân nguyện nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội bảo đảm ngắn gọn, thực chất, sát thực tiễn, đánh giá được tổng thể về tình hình kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách của đất nước trong một năm qua cũng như thể hiện một cách đầy đủ, trung thực, khách quan ý kiến, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân cả nước.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về 3 vấn đề quan trọng trình Quốc hội, gồm: chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035; chủ trương điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; công tác nhân sự.
Thứ tư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến lần cuối về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Tám. Theo đó, sẽ rà soát lại lần cuối toàn bộ những vấn đề liên quan đến việc tổ chức kỳ họp, từ công tác chuẩn bị nội dung, chương trình kỳ họp đến cách thức tổ chức, công tác bảo đảm, an ninh...
Đồng thời, xem xét, quyết định theo thẩm quyền về: Việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách trung ương năm 2024; việc bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2024 của Văn phòng Trung ương Đảng; xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xem xét báo cáo công tác dân nguyện tháng 9.2024 theo thông lệ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét, cho ý kiến bằng văn bản đối với một số báo cáo để các cơ quan chỉnh lý hoàn thiện, sớm gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội.
Đây là giai đoạn “nước rút” để hoàn tất các nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Tám sẽ khai mạc vào ngày 21/10 tới đây. Lưu ý, thời gian từ nay đến khai mạc Kỳ họp thứ Tám không còn nhiều, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trình, đặc biệt là Chính phủ, nỗ lực, đẩy nhanh hết tốc lực để hoàn chỉnh hồ sơ tài liệu, sớm gửi đến các đại biểu Quốc hội theo quy định, bảo đảm công tác chuẩn bị thật sự kỹ lưỡng, để kỳ họp diễn ra thành công tốt đẹp.
Phạm Chính
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?