Nhiều mánh lới trục lợi bảo hiểm y tế

26/09/2024 09:16 AM


Tình trạng lạm dụng, trục lợi chính sách BHYT vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức ở cả cơ sở y tế và phía người đi khám chữa bệnh (KCB).

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng vừa khởi tố bổ sung vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Việt Nam về tội gian lận BHYT. Liên quan vụ việc này, ông Trần Văn Sơn, Phó giám đốc BHXH tỉnh Lâm Đồng cho biết, đây là kết quả của cuộc điều tra bắt đầu từ cuối năm 2023.

Theo đó, BHXH tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp cung cấp thông tin cần thiết ngay từ đầu vụ án, nên từ khi khởi tố bổ sung vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Việt Nam (diễn ra từ đầu tháng 9 tới nay), phía Cơ quan Cảnh sát điều tra chưa yêu cầu cơ quan BHXH phối hợp gì thêm.

Cơ quan Công an thi hành lệnh bắt tạm giam đối với bị can Lê Việt Nam, nhân viên Khoa Khám bệnh - Cấp cứu BVĐK tỉnh Lâm Đồng.

Lê Việt Nam từng là nhân viên Khoa Khám bệnh - Cấp cứu (BVĐK tỉnh Lâm Đồng) được xác định là mắt xích mới trong vụ án lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (gian lận, trục lợi BHYT) xảy ra tại BVĐK tỉnh trước đó.

Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra, từ năm 2021 đến 2023, Nam đã câu kết với một số nhân viên, bác sĩ tại BVĐK tỉnh Lâm Đồng kê tăng số lượng hoặc kê thêm loại thuốc, vật tư y tế, trong khi thực tế người bệnh không sử dụng. Các đương sự thực hiện hành vi này nhằm chiếm đoạt thuốc BHYT, sau đó mang đi bán thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.

Quá trình điều tra, củng cố hồ sơ gặp không ít khó khăn, do số lượng tài liệu nhiều và phức tạp; hoạt động chiếm đoạt thuốc BHYT của các đương sự diễn ra tinh vi. Tuy nhiên, với quan điểm quyết tâm đưa vụ việc ra ánh sáng, cơ quan điều tra đã củng cố hồ sơ và tiến hành khởi tố bị can theo quy định của pháp luật, góp phần đảm bảo công tác quản lý quỹ BHYT, thu hồi tài sản thất thoát... 

Vụ án gian lận, trục lợi BHYT được bắt đầu vào ngày 16/12/2023, khi Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Lâm Đồng) tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với BS Lê Văn Nguyên (33 tuổi, Khoa Khám bệnh - Cấp cứu) và DS Hồ Đắc Tuấn (36 tuổi, nhân viên Khoa Dược). Cả 2 đương sự bị điều tra tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Từ tháng 1/2023 cho đến khi bị bắt vào cuối năm 2023, BS Lê Văn Nguyên đã lạm dụng chức vụ để khám bệnh, kê đơn thuốc khống, hoặc kê tăng số lượng thuốc, vật tư y tế nhằm mục đích chiếm đoạt quỹ BHYT.

Quá trình này có sự tham gia, giúp sức của DS Hồ Đắc Tuấn và tới nay phát hiện thêm sự tiếp tay của đương sự Lê Việt Nam. Hành vi gian lận, trục lợi của các đương sự khiến quỹ BHYT tổn thất trong 9 tháng khoảng 900 triệu đồng.

Trước đó, tháng 8/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Vinh (Nghệ An) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 7 bị can là các điều dưỡng, bác sĩ BVĐK Thái An về tội “Gian lận BHYT” quy định tại Điều 215, Bộ luật Hình sự gồm:

Đinh Thị Mỹ Dung (SN 1959), Phó Giám đốc kiêm Trưởng Khoa liên chuyên khoa; Trần Thị Huệ (SN 1988), Trưởng Phòng điều dưỡng; Hoàng Đăng Thanh (SN 1986), Nguyễn Thị Hằng (SN 1991), Đặng Thị Anh Tú (SN 1984), Lê Thị Anh Tâm (SN 1986), Lương Thị Bé (SN 1982). 

Thủ đoạn trục lợi là các đối tượng tham gia BHYT hoặc bảo hiểm thương mại không có bệnh, không có nhu cầu KCB nhưng khi được “cò” móc nối đến BVĐK Thái An nhằm mục đích trục lợi BHYT. Tại cơ quan điều tra, các bác sĩ, điều dưỡng, đối tượng liên quan và đối tượng có hồ sơ trong bệnh án đều khai nhận toàn bộ hành vi tham gia lập khống hồ sơ bệnh án.

Hành vi của các đối tượng trên đã gây thất thoát cho quỹ BHYT, uy tín của bệnh viện, cơ sở KCB.

Cũng trong tháng 8/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, Lệnh bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Phan Thanh Sơn (SN 1983), trú tại tổ dân phố Nguyễn Hữu Tiến, phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên, nguyên Trạm trưởng Trạm Y tế phường Đồng Văn về tội “Giả mạo trong công tác, cấp giấy chứng nhận nghỉ ốm không đúng quy định” cho một số công nhân đang lao động trong các khu công nghiệp trên địa bàn để số người này được hưởng chế độ BHXH…

Thực tế, tình trạng trục lợi BHXH, BHYT đã và đang diễn ra ở nhiều nơi với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp. Việc trục lợi không chỉ dừng ở mua bán, cấp khống giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, làm giả hồ sơ ở không ít phòng khám, qua mắt doanh nghiệp, cơ quan chức năng, mà còn có tình trạng mua bán sổ BHXH, BHYT qua mạng xã hội bằng hình thức nhận ủy quyền;

Tuyển lao động là phụ nữ mang thai, thực hiện đăng ký đóng BHXH nhưng thực tế không làm việc tại đơn vị để trục lợi thông qua việc giải quyết chế độ thai sản khi sinh con, nhiều đối tượng cấu kết với các y, bác sĩ để trục lợi BHYT… 

Theo Tạp chí Lao động và Xã hội