Brazil: Cải cách lương hưu và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

29/08/2022 04:44 PM


Dân số già của Brazil đã tăng lên đáng kể trong những thập kỷ gần đây. Người Brazil trên 60 tuổi đã tăng từ 5% dân số trong những năm 1970 lên 15% vào năm 2018 và dự kiến sẽ đạt hơn 25% vào năm 2050. Nhìn chung, Brazil được dự đoán là quốc gia có dân số cao tuổi lớn thứ 4 thế giới, sau Ấn Độ, Trung Quốc và Hoa Kỳ vào năm 2050.

Với xu hướng nhân khẩu học như vậy, tình trạng đói nghèo ở người cao tuổi Brazil được các chuyên gia nhận định là một thách thức vừa lâu dài, vừa cấp bách, cần Chính phủ và xã hội chung tay giải quyết. Giải quyết tốt vấn đề này, giúp hệ thống lương hưu và chăm sóc sức khỏe công của Brazil được củng cố, góp phần bảo đảm ASXH cho người dân, trong đó có đối tượng người cao tuổi.

Hình minh họa (nguồn: Internet)

Brazil được ghi nhận là một trong những quốc gia trên thế giới thành công trong việc nâng cao mức sống cho người cao tuổi trong những thập kỷ gần đây. Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, Brazil thành lập Hệ thống Y tế Thống nhất (SUS) vào năm 1988, đảm bảo độ bao phủ BHYT miễn phí cho người cao tuổi. Hệ thống lương hưu trong những năm 1980 đã bắt đầu có một số cải cách, hướng đến hỗ trợ người cao tuổi chống lại đói nghèo.

Tuy nhiên, tình trạng dân số già của Brazil trong những năm gần đây, cùng với thị trường lao động bị thu hẹp, đặt ra thách thức với Chính phủ Brazil. Nếu không các biện pháp cải cách hiệu quả, đến năm 2050, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự kiến ngân sách chi tiêu cho lương hưu và chăm sóc sức khỏe sẽ tương đương 40% GDP của Brazil. Các chương trình hưu trí của Brazil cũng đang dần kém hiệu quả, do chỉ có khoảng 46% dân số trong độ tuổi lao động đóng góp thuế các loại và tuổi nghỉ hưu của người Brazil khá thấp, 48 tuổi đối với lao động nữ và 53 đối với lao động nam.

Do đó, tăng tỷ lệ người tham gia thị trường lao động là giải pháp cần thiết để “cứu vãn” hệ thống lương hưu và chăm sóc sức khỏe Nhân dân, trong đó có người cao tuổi. Một trong những nhóm đối tượng tiềm năng là lao động nữ, vì hiện tỷ lệ tham gia thị trường lao động của lao động nữ Brazil nhóm tuổi 15-64 là 62%, con số này ở lao động nam là 80%. Các chuyên gia ước tính, nếu cải thiện được tỷ lệ tham gia thị trường lao động của lao động nữ, có thể giúp Brazil tiết kiệm 2,2% GDP ngân sách chi tiêu cho lương hưu vào năm 2050.

Hình minh họa (nguồn: Internet)

Bên cạnh đó, việc khuyến khích những người nghỉ hưu sớm tiếp tục làm việc cũng rất quan trọng. Hiện lao động Brazil ở độ tuổi 55-64 có tỷ lệ tham gia thị trường lao động là 56% vào năm 2014, so với 81% ở nhóm tuổi 25-54. Nếu giảm được khoảng cách này xuống 50%, có thể giúp Brazil tiết kiệm 1,3% GDP cho quỹ hưu trí vào năm 2050. Nâng tuổi nghỉ hưu lên trên 60 tuổi cũng có thể tính đến, nhằm tăng cường sự tham gia của lao động và củng cố hệ thống lương hưu quốc gia.

Chăm sóc sức khỏe đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại tình trạng đói nghèo của người cao tuổi Brazil. Bởi chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe tính theo tỷ lệ phần trăm GDP được dự báo sẽ tăng hơn gấp đôi từ 4,6% năm 2015 lên 9,5% GDP vào năm 2050, dẫn đến căng thẳng về tài khóa và đe dọa hệ thống chăm sóc sức khỏe dành cho người cao tuổi. Tuy nhiên, giống như hệ thống lương hưu, Brazil cần phải thực hiện các cải cách để hỗ trợ bền vững cho người cao tuổi trong tương lai. Một số cải cách được khuyến nghị là “tập trung phòng, chống các bệnh mãn tính, không lây nhiễm mà con người dễ mắc phải khi về già”, “tăng cường tuyên truyền lối sống lành mạnh”, “đàm phán lại giá dược phẩm, vật tư y tế”…

Brazil đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc chống lại tình trạng đói nghèo của người cao tuổi trong những thập kỷ gần đây. Để bảo vệ những thành quả này, Chính phủ cần thúc đẩy cải cách, đảm bảo chế độ hưu trí vẫn là “cầu nối” giữa các cơ quan chức năng với người cao tuổi, để họ có thể yên tâm an dưỡng tuổi già sau thời gian cống hiến. Brazil rõ ràng đã nỗ lực, cố gắng bao phủ ASXH cho người dân, trong đó có người cao tuổi- điều này rất khó khăn, song sẽ thực hiện được một khi Chính phủ và cả xã hội Brazil sẵn sàng.

PV