Quyết tâm cao nhất để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội cho cả giai đoạn
23/05/2022 03:48 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 23/5, sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã nghe Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.
Trong bài phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 3, đối với tình hình những tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho những tháng còn lại của năm 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Quốc hội bám sát các yêu cầu, mục tiêu, giải pháp tại các Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội, phòng, chống dịch COVID-19 năm 2022, về các khung kế hoạch 5 năm 2021-2025, về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội…; có đánh giá sát, đúng những kết quả quan trọng đã đạt được, những bất cập, hạn chế, yếu kém, chỉ rõ những khó khăn, thách thức phải vượt qua và hiến kế, đề xuất những giải pháp thiết thực, hiệu quả để hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế-xã hội, tài chính, ngân sách năm 2022, tạo tiền đề để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội cho cả giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt cao
Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV sáng 23/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đã trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, 7/12 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch năm 2021. Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt cao hơn so với số đã báo cáo Quốc hội. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 1,84% (số đã báo cáo Quốc hội khoảng 4%); bội chi ngân sách Nhà nước là 3,41% GDP (số đã báo cáo Quốc hội là 4% GDP); kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 22,6% (số đã báo cáo Quốc hội là tăng 10,7%)...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên Khai mạc. Ảnh: TTXVN
Về kết quả đạt được những tháng đầu năm 2022, Phó Thủ tướng cho biết, tới nay, Việt Nam là một trong sáu quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới, được quốc tế đánh giá cao. Nhờ đó, số ca mắc mới, chuyển nặng, tử vong giảm sâu từ cuối tháng 3/2022. Việc dịch bệnh cơ bản được kiểm soát đã củng cố niềm tin, sự an toàn của người dân, doanh nghiệp, góp phần quan trọng cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,1%. Thị trường tiền tệ, tỷ giá, lãi suất ổn định; dư nợ tín dụng đến cuối tháng 4 tăng 7,18% so với cuối năm 2021. Tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I đạt 5,03%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 và 2021…
Ngoài ra, công tác chăm lo, bảo đảm đời sống nhân dân được chú trọng. Tính cả năm 2021 và 4 tháng đầu năm 2022, Chính phủ đã hỗ trợ cho trên 49,6 triệu lượt người lao động, 728,4 nghìn lượt người sử dụng lao động với tổng kinh phí trên 81,6 nghìn tỷ đồng. Cùng với việc tập trung cao triển khai các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, ngành Y tế vẫn nỗ lực bảo đảm thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chất lượng giáo dục tiếp tục được duy trì, công tác dạy học được tổ chức triển khai linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh; tới nay, học sinh, sinh viên cả nước đã trở lại học tập trực tiếp.
Các hoạt động văn hóa, xã hội dần sôi động trở lại; những giá trị văn hóa, đạo đức xã hội, truyền thống gia đình tốt đẹp, gương người tốt, việc tốt tiếp tục được nhân rộng, phát huy. Thể dục, thể thao được quan tâm đầu tư, công tác chuẩn bị và tổ chức SEA Games 31 được thực hiện chu đáo, an toàn, thành công…
Phó Thủ tướng nhận định, việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, nhất là mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6% - 6,5% là thách thức rất lớn. Chính phủ quyết tâm tiếp tục xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả; đồng thời yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục nắm chắc tình hình, quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội.
Tiếp tục tăng cường công tác dự báo và phân tích
Tại phiên khai mạc, cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022, trình bày Báo cáo thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ đánh giá bổ sung hiệu quả thực chất của các chính sách, giải pháp ngắn hạn đã thực hiện và tác động lan tỏa của những chính sách, giải pháp dài hạn đã được ban hành, đặc biệt trong những tháng cuối năm 2021 để hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, trong thời gian tới, cần tiếp tục quan tâm tăng cường công tác dự báo và phân tích các diễn biến do các yếu tố địa chính trị và thương mại quốc tế, thường xuyên đánh giá đầy đủ các vướng mắc, rủi ro bên ngoài, các hạn chế nội tại của nền kinh tế, từ đó cảnh báo và chuẩn bị các phương án dự phòng để điều chỉnh phù hợp, linh hoạt, tránh gây bất ổn cho nền kinh tế.
Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh một số trọng tâm ưu tiên trong điều hành kinh tế vĩ mô như: Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương “cần tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn, điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ và tài khóa”; triển khai nhanh, khẩn trương và hiệu quả Nghị quyết số 43/2022/QH15 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022 và 2023, là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại cuối năm đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Chính phủ sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến Danh mục dự án sử dụng nguồn vốn của Chương trình.
Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ 3.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn chỉnh, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ số tăng thu ngân sách trung ương năm 2021; tăng cường quản lý, giám sát đối với thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, ban hành điều kiện, tiêu chí quản lý phát hành trái phiếu doanh nghiệp cùng với việc có giải pháp ổn định thị trường, tăng niềm tin của nhà đầu tư; rà soát khả năng chi trả của các tổ chức phát hành có trái phiếu đến hạn trong thời gian tới, có biện pháp để bảo đảm phương án trả nợ cho nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Các vấn đề sốt đất ảo, rủi ro từ thị trường bất động sản, nguy cơ nợ xấu mới phát sinh cũng cần được quan tâm và có biện pháp quản lý, xử lý kịp thời…
Tạo chuyển biến về chất lượng, trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri
Về kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đã có 3.393 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó một số lĩnh vực tiếp tục được nhiều cử tri quan tâm như: Y tế; Lao động, Thương binh và Xã hội; Nông nghiệp, nông thôn; Nội vụ; Giao thông, vận tải; Tài nguyên và Môi trường… Đến nay, 100% kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri. Trong đó, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đã trả lời 110/110 kiến nghị. Cử tri tin tưởng và đánh giá cao việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa nội dung về công tác dân nguyện vào xem xét định kỳ tại phiên họp hằng tháng, tạo nền nếp và chuyển biến về chất lượng, trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri.
Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đã giải quyết và trả lời 3.217/3.217 kiến nghị.
Nhìn chung, các kiến nghị của cử tri đã được Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương tập trung nghiên cứu giải quyết, thể hiện trách nhiệm cao trong quản lý nhà nước. Nhiều kiến nghị của cử tri được giải quyết đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc góp phần ổn định và cải thiện đời sống của Nhân dân.
Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã giải quyết, trả lời 41/41 kiến nghị; trong đó, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã trả lời về quy định tổ chức phiên tòa trực tuyến; việc tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp nâng cao chất lượng xét xử...
Bên cạnh những kết quả đạt được, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho rằng, việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri vẫn còn một số hạn chế như: một số quyền lợi hợp pháp của người dân đã được quy định nhưng việc tổ chức triển khai chưa hiệu quả nên người dân chưa được thụ hưởng; một số kiến nghị cử tri chưa được giải quyết do một số Bộ, ngành chưa kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn, không thống nhất về quan điểm khi nghiên cứu giải quyết; kiến nghị cử tri mặc dù đã được Bộ, ngành chỉ đạo giải quyết nhưng thiếu kiểm tra, đôn đốc nên chưa được giải quyết dứt điểm…
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?