Gia nhập Công ước số 98 của ILO: Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực lao động
29/05/2019 11:02 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, sáng 29/5, dưới sự điều hành Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể. điều hành nội dung làm việc.
Quang cảnh kỳ họp sáng 29/5. Ảnh quochoi.vn
Thể hiện quyết tâm chính trị của Việt Nam trong hội nhập quốc tế trong lĩnh vực lao động
Công ước số 98 có 16 Điều. Nội dung Công ước tập trung từ Điều 1 đến Điều 6. Từ Điều 7 đến Điều 16 là những quy định về thủ tục. Nội dung của Công ước số 98 bao gồm những tiêu chuẩn về 3 yếu tố đóng vai trò đặc biệt quan trọng để thương lượng tập thể được tiến hành một cách thực chất và hiệu quả trên thực tế, bao gồm: i) người lao động và cán bộ công đoàn phải được bảo vệ trước các hành vi của người sử dụng lao động phân biệt đối xử về việc làm; ii) tổ chức của người lao động không bị can thiệp bởi người sử dụng lao động; iii) Nhà nước phải có những biện pháp về luật pháp và thiết chế để thúc đẩy cho thương lượng tập thể. Cụ thể như sau:
Trình bày báo cáo thẩm tra về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nêu rõ, qua thẩm tra, các ý kiến phát biểu tại phiên họp đều tán thành về sự cần thiết gia nhập Công ước số 98 và cho rằng việc gia nhập Công ước số 98 phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong hội nhập quốc tế về lao động, xã hội, khẳng định quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong quá trình thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với trách nhiệm là quốc gia thành viên ILO, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến tới ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Nhấn mạnh, việc gia nhập Công ước số 98 thể hiện quyết tâm chính trị, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực lao động, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định gia nhập Công ước số 98.
Ủy ban Đối ngoại cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục rà soát, nội luật hóa đảm bảo tính tương thích, phù hợp giữa các nội dung Công ước số 98 với dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Xây dựng đề án triển khai; có lộ trình, có sự phân công, phối hợp triển khai từng công việc cụ thể, cần quan tâm công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước số 98 đến các ngành, các cấp, doanh nghiệp, người dân nhất là các chủ thể chịu tác động trực tiếp như: Hệ thống công đoàn Việt Nam, doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề và người lao động. Xây dựng kế hoạch sớm gia nhập hai Công ước cơ bản còn lại của ILO: Công ước số 87 “về quyền tự do hiệp hội và về việc bảo vệ quyền được tổ chức” và Công ước số 105 “về xóa bỏ lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc”. Đề nghị Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nghiên cứu sớm trình sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn năm 2012 để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các quy định mới được sửa đổi, bổ sung trong Bộ luật Lao động năm 2012.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo thẩm tra tại phiên họp. Ảnh quochoi.vn
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, Công ước số 98 không có quy định trái với Hiến pháp năm 2013. Các ý kiến thẩm tra cho rằng các nguyên tắcvề quyền tổ chức và thương lượng tập thể được quy định trong Công ước số 98 về cơ bản phù hợp pháp luật Việt Nam.
Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ
Thừa Ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo thuyết minh, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung nêu rõ, ngày 12 tháng 04 năm 2019, Chủ tịch nước đã có Tờ trình số 01/TTr-CTN gửi Quốc hội về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Căn cứ quy định của Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Chính phủ xây dựng Báo cáo thuyết minh về việc gia nhập Công ước số 98, theo đó: Trong nền kinh tế thị trường, tiền lương và điều kiện lao động dựa trên thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và tập thể người lao động, do vậy điều quan quan trọng là cần thúc đẩy thương lượng tập thể một cách thực chất và hiệu quả, nhất là thương lượng tập thể về tiền lương, nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
Gia nhập và thực hiện Công ước 98 chính là giải pháp cụ thể nhằm thực hiện chủ trương của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Đồng thời, thực hiện cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trình bày Báo cáo thuyết minh. Ảnh quochoi.vn
Đánh giá tác động của việc gia nhập Công ước số 98, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ, đối với các tác động về chính trị, quốc phòng, an ninh, việc gia nhập Công ước số 98 sẽ góp phần củng cố và tăng cường cơ sở pháp lý để người lao động và người sử dụng lao động tiến hành thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể, tăng cường quan hệ lao động hài hòa, tạo ra môi trường lao động ổn định, có thể dự báo và quản lý được các xung đột giữa người sử dụng lao động và người lao động. Hệ thống thương lượng tập thể minh bạch, hiệu quả góp phần làm cho việc phân chia thu nhập công bằng hơn ở cấp độ xã hội. Đây chính là chức năng quan trọng của quan hệ lao động.
Chính vì vậy, cơ chế thương lượng tập thể hiệu quả có thể làm giảm thiểu các tác động tiêu cực của toàn cầu hóa và hài hòa quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động. Việt Nam cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế căn bản, cam kết thực hiện các nỗ lực một cách liên tục và chắc chắn tiến tới gia nhập các công ước cơ bản còn lại của ILO. Theo Hiệp định CPTPP, Việt Nam cam kết thông qua và duy trì trong luật và trên thực tế những tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản theo Tuyên bố năm 1998 của ILO. Như vậy, có thể thấy, việc gia nhập Công ước số 98 nói riêng và các Công ước cơ bản còn lại của ILO nói chung là việc làm cần thiết trong thời điểm hiện nay, là dấu mốc quan trọng, tăng cường cam kết chính trị của Việt Nam về việc thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ quốc gia thành viên ILO và các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, sẽ có tác động tích cực trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam.
Đối với các tác động về kinh tế - xã hội, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc gia nhập và triển khai thực hiện Công ước số 98 sẽ tạo ra cơ sở pháp lý cho người lao động và người sử dụng lao động thiết lập các tiêu chuẩn lao động khác trong quan hệ lao động. Ví dụ đại diện của người lao động và người sử dụng lao động có thể thương lượng về tiền lương, thời gian làm thêm, thời gian nghỉ phép năm và các chế độ phúc lợi khác… Đây chính là nền tảng cho sự vận hành của thị trường lao động tại Việt Nam phù hợp với quy luật khách quan của kinh tế thị trường, giúp cho sự phát triển đi theo đúng hướng tiến tới xây dựng quan hệ lao động hiện đại ở Việt Nam. Việc gia nhập Công ước 98 khẳng định Việt Nam tôn trọng các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản. Điều này rất quan trọng trong bối cảnh của Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Việc Việt Nam gia nhập và thi hành Công ước số 98 sẽ không làm tăng chi phí xã hội và chi phí triển khai thực hiện.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ, trên cơ sở Tờ trình về việc gia nhập Công ước số 98, Chính phủ trình bày Báo cáo thuyết minh về việc gia nhập Công ước số 98 của ILO, đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định./.
PV
Chi tiết >>
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
BHXH tỉnh Phú Thọ: Tăng cường các giải pháp thực hiện công ...
Tiếp nhận và bổ nhiệm Phó Chánh Văn phòng Hội đồng quản lý ...
(Video) BHXH Việt Nam chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao năng lực ...
Quy định mới trong quản lý hoạt động khoa học và công nghệ ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?