Rượu bia là nguyên nhân trực tiếp của hơn 30 loại bệnh không lây nhiễm

23/04/2019 12:38 PM


Đây là thông tin được chia sẻ tại Hội thảo xây dựng chính sách về phòng, chống tác hại của rượu bia do Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới WHO tổ chức ngày 22/4/2019 tại Hà Nội.

PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, TS. Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam; Ông Bùi Ngọc Chương, Ủy viên thường trực, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hộiđồng chủ trì Hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo Thứ trưởng Bộ Y tế, Nguyễn Trường Sơn cho biết, tại Việt Nam sản lượng rượu, bia và đồ uống có cồn khác được sản xuất gia tăng nhanh qua các năm trong khi thế giới đang giảm dần. Tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức báo động. Bình quân mỗi người Việt Nam tiêu thụ khoảng 6,6 lít cồn/người/năm, tỷ lệ nam giới và thanh thiếu niên sử dụng  rượu, bia đều ở mức cao. Trong đó tỷ lệ nam giới sử dụng rượu bia ở mức có hại là vấn đề đáng báo động. Việc sử dụng rượu, bia không phù hợp gây ảnh hưởng đến sức khỏe và xã hội cho cá nhân người uống cũng như những người xung quanh và cộng đồng.

Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, sử dụng rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của hơn 30 loại bệnh không lây nhiễm và là nguyên nhân của gần 200 loại bệnh tật khác nhau và được xếp vào hàng thứ ba trong số các nguyên nhân dẫn đến tử vong sớm và tàn tật trên thế giới. Sử dụng rượu bia còn tác động nghiêm trọng đến lĩnh vực kinh tế - xã hội như: Bạo lực gia đình, mất trật tự an toàn xã hội, tội phạm, đói nghèo và gánh nặng về kinh tế đối với cá nhân, gia đình và toàn xã hội do liên quan đến các phí tổn về chăm sóc sức khỏe giảm hoặc mất năng suất lao động và giải quyết các hậu quả xã hội khác.

Đồng quan điểm, TS. Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết, tác hại của rượu bia gây ra nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, phình mạch chủ, bệnh đường miệng, sơ gan, viêm gan, viêm tụy cấp và mãn tính. Bên cạnh đó còn gây ra hệ lụy nghiêm trọng của xã hội như tai nạn giao thông, bạo lực.

Bày tỏ quan ngại về việc sử dụng rượu bia tại Việt Nam, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, theo thống kê năm 2016, ở Việt Nam một người trưởng thành tiêu thụ 8,3 lít cồn trong khi đó bình quân tiêu thụ dùng rượu bia ở Tây Thái Bình Dương chỉ là 1,3 lít/năm. “Nếu uống 6 cốc bia trong một dịp/lần sẽ rất nguy hại -  đó là uống rượu bia quá độ. Trong đó 44% người uống rượu bia ở Việt Nam uống quá nhiều; 48% người uống rượu bia trưởng thành là nam giới và tham gia lái xe,…” TS. Kidong Park chia sẻ.

TS Kidong Park cũng đưa ra những khuyến nghị của WHO trong việc phòng chống các tác hại rượu bia như: Cần phải đưa ra những quy định cho việc tiếp cận quảng cáo về rượu bia. Cùng với đó người dân, những người chọn không uống rượu bia cần được bảo vệ trước việc tiếp cận các quảng cáo về rượu bia. Bên cạnh đó cần tăng thuế về đồ uống có còn, hạn chế quảng cáo đồ uống và thực thi hạn chế giờ bán rượu bia đặc biệt cấm uống rượu bia khi tham gia giao thông.

Tại Hội thảo, các chuyên gia của các tổ chức quốc tế  đã đưa ra những khuyến nghị về xây dựng chính sách đối với Việt Nam dựa trên Chiến lược toàn cầu về phòng chống tác hại và lạm dụng rượu, bia; tác động của tiếp thị rượu bia đến việc tiêu dùng của giới trẻ; Một số khó khăn, trở ngại trong việc xây dựng chính sách liên quan đến phòng chống tác hại của rượu, bia; cung cấp các bằng chứng, chia sẻ các bài học kinh nghiệm quốc tế và đưa ra khuyến nghị đối với Việt Nam trong phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn.

Các đại biểu cũng đã thảo luận và thống nhất các hoạt động để triển khai thực hiện Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020./.

PV (t/h)