Bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức xâm hại, bạo hành

19/04/2019 04:07 PM


Trước tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em đang diễn biến ngày càng phức tạp, nghiêm trọng, các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần xây dựng Chương trình quốc gia phòng chống bạo lực trẻ em, trong đó mục tiêu cao nhất là bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức xâm hại, bạo hành.

Thông tin này được đưa ra tại Hội thảo Xây dựng kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với UNICEF vừa tổ chức.

Đẩy mạnh truyền thông, trang bị các kiến thức, kỹ năng phòng tránh bạo lực gia đình, học đường. Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Theo báo cáo tại hội thảo, năm 2018 cả nước xảy ra 1.547 vụ xâm hại trẻ em, trong đó có 1.293 em bị xâm hại tình dục. Nơi xảy ra nhiều vụ án xâm hại trẻ em nhất là Hà Nội (88 vụ) và TP.Hồ Chí Minh (77 vụ). Có 68,4% trẻ em Việt Nam từng bị cha mẹ, người chăm sóc bạo lực tại nhà.

Bạo lực trẻ em ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất, nhận thức và tình cảm của trẻ, gây ra những vấn đề về sức khỏe tâm thần, trẻ có nguy cơ bỏ học, có kết quả học tập kém, có hoạt động tình dục sớm, phải làm cha mẹ ở tuổi vị thành niên, có các vấn đề về hành vi như trở nên hung hãn hoặc phạm tội khi đã trưởng thành. Bạo lực trẻ em cũng gây thiệt hại lớn cho xã hội và phát triển đất nước.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, công tác bảo vệ trẻ em nói chung, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em nói riêng tại Việt Nam vẫn còn những thách thức. Tính chất của các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em có chiều hướng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Trẻ em bị bạo lực, xâm hại ở nhiều độ tuổi, do nhiều đối tượng gây ra, trong đó có cả chính người thân trong gia đình như bố đẻ, giáo viên, bạn bè trong trường học.

Trong khi đó, công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, nhà trường chưa được quan tâm đúng mức. Các thành viên trong gia đình, giáo viên, học sinh chưa biết rõ các kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực gia đình, học đường. Các quy định pháp luật, chính sách cụ thể liên quan đến bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em vẫn đang trong quá trình rà soát, nghiên cứu, kiến nghị hoàn thiện.

Các chuyên gia cũng cho rằng, vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em là vấn nạn toàn cầu, có xu hướng gia tăng trong bối cảnh mạng xã hội ngày càng được nhiều người sử dụng. Thông tin tố cáo nhiều hơn, nhưng mạng xã hội cũng đưa lại những thông tin có nhiều tác động xấu đến trẻ em làm giảm hiệu quả việc phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Nhằm mục tiêu bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức xâm hại, bạo hành, tổ chức Unicef khuyến nghị Việt Nam xây dựng Chương trình quốc gia phòng chống bạo lực trẻ em cụ thể ở các nội dung: Cải thiện hệ thống luật pháp; tăng cường nguồn nhân lực; tăng cường các dịch vụ bảo vệ trẻ em; đẩy mạnh các dịch vụ tư pháp thân thiện với trẻ em; truyền thông thay đổi hành vi và các chuẩn mực xã hội; tăng cường quan hệ đôi tác công tư. Trong đó, mục tiêu cao nhất của Chương trình quốc gia là bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức xâm hại, bạo hành. Yêu cầu phải có các mục tiêu cụ thể chia theo giai đoạn trước mắt và tầm nhìn đến 2030 phù hợp với các chương trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững; có khung giám sát, đánh giá và có tính toán ngân sách thực hiện./.

PV