Hội đồng Quản lý BHXH Việt Nam: Giám sát việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại Hà Tĩnh

17/04/2019 04:46 AM


Chiều ngày 16/4, Đoàn giám sát Hội đồng Quản lý (HĐQL) BHXH Việt Nam do Uỷ viên Trung ương Đảng, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Thành - Uỷ viên HĐQL làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh về tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT và cải cách hành chính, thực thi công vụ giai đoạn 2016 - 2018.

Tham gia đoàn giám sát còn có Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đình Khương, đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ Công an và BHXH Việt Nam.

Về phía UBND tỉnh Hà Tĩnh có Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh; Giám đốc Công an tỉnh, đại diện Sở LĐ-TB&XH, Tài chính, Y tế, Liên đoàn Lao động tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh và BHXH tỉnh,...

Quang cảnh buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, các đại biểu tham gia đã cùng đánh giá về tình hình thực hiện các chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên địa bàn, làm rõ hơn nguyên nhân dẫn đến bội chi quỹ khám, chữa bệnh BHYT; tình hình nợ đọng BHXH; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; tình trạng doanh nghiệp nợ đọng BHXH …

Báo cáo tại buổi làm việc cho thấy, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp của các Sở, ngành, sự nỗ lực cố gắng của BHXH tỉnh, những năm qua, số đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên địa bàn tỉnh năm sau luôn cao hơn năm trước). Đến cuối năm 2018, tổng số người tham gia BHXH, BHYT là 1.115.285 người, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2017. Tỷ lệ bao phủ BHYT luôn đạt và vượt chỉ tiêu Chính phủ giao. Năm 2016 đạt 82% dân số (vượt 4,5%), năm 2017 đạt 85% (vượt 4,4%) và năm 2018 đạt 88% (vượt 4,2%). Tổng số thu năm 2018 là 2.348 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 103% kế hoạch.

Công tác giải quyết chế độ BHXH và chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng được thực hiện kịp thời, đầy đủ, an toàn và đúng quy định. Các thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH ngày càng được đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho người hưởng. Thực hiện cấp mã số BHXH cho 100% dân số trên địa bàn…

Trong giải quyết TTHC, BHXH tỉnh đã nỗ lực để đảm bảo về thời gian, chất lượng từ khâu tiếp nhận đến trả kết quả. Không có tình trạng để hồ sơ chậm, trả kết quả chậm dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện từ đơn vị sử dụng lao động, người lao động và người dân nói chung. 

BHXH tỉnh cũng tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ. Tích cực triển khai công tác CCHC và tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tạo sự chuyển biến tích cực, chuyển đổi từ tác phong hành chính sang tác phong phục vụ nhân dân được nhân dân, người lao động ghi nhận, tạo niềm tin khi tiếp xúc với cơ quan BHXH để giải quyết chế độ, chính sách. Nghiêm túc thực hiện việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, ý kiến của tổ chức, cá nhân về quy định hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH tỉnh, đảm bảo việc thực hiện các quy định hành chính được công khai, minh bạch, đúng trình tự, đúng thủ tục, thẩm quyền.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan, tình hình thực hiện các chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên địa bàn vẫn còn gặp những khó khăn: Số nợ tuy đã giảm nhưng vẫn chiếm tỷ lệ cao so với số thu (năm 2018, tổng số nợ là 50,1 tỷ đồng - chiếm tỷ lệ 2,2% trên tổng số phải thu); Chất lượng chuyên môn tại các cơ sở KCB trong tỉnh tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu KCB ngày càng cao của nhân dân nên chi phí đa tuyến đi tại các bệnh viện Trung ương và đặc biệt là các bệnh viện trên địa bàn Nghệ An chiếm tỷ lệ cao; Bội chi Quỹ BHYT; số người tham gia BHXH, đặc biệt là BHXH tự nguyện còn thấp…

Thượng tướng Nguyễn Văn Thành phát biểu tại buổi làm việc.

Năm 2016 tổng số tiền nợ BHXH trên địa bàn tỉnh là 41,576 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 2,5% số phải thu), năm 2017 là 47,6 (chiếm tỷ lệ 2,4%) và năm 2018 là 50,1 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 2,2% trên tổng số phải thu). Trong đó, có 384 đơn vị nợ từ 3- 6 tháng với 22,4 tỉ đồng; 226 đơn vị nợ từ 6 -12 tháng; 120 đơn vị nợ từ 12- 24 tháng và 59 đơn vị nợ trên 24 tháng. Đặc biệt, có 255 đơn vị ngừng hoạt động với số tiền nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp khoảng 18,7 tỉ đồng.

Đánh giá của cơ quan BHXH cho thấy, nguyên nhân của tình trạng trên là do nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thực sự gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, hoạt động cầm chừng, chậm thanh quyết toán; nhận thức về trách nhiệm và quyền lợi tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ của chủ DN còn hạn chế, nhất là khu vực ngoài quốc doanh;…

Theo Đại tá Phạm Hữu Thao - Phó Cục trưởng Cục TCCB (Bộ Công an), trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn còn tình trạng tình trạng nhiều đơn vị chưa tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT. Thống kê đến tháng 12/2018 còn 2.643/5.572 doanh nghiệp chưa tham gia BHXH - đây là con số lớn với trên 45.000 lao động chưa tham gia BHXH, BHYT. Số người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp (trên 6.837 người- chiếm 1,7% lực lượng lao động); tình trạng xin nhận trợ cấp BHXH 1 lần ở mức cao (năm 2017 là 4.799 người; 2018 là 5.554 người) ảnh hưởng đến đời sống người lao động khi về già cũng như ảnh hưởng đến an sinh và góp phần vào mất cân đối quỹ BHXH trong dài hạn; nhóm đối tượng cùng tham gia BHXH, BHYT mới chiếm 10% trên tổng số lao động địa phương. Đáng chú ý, dù năm 2018 Hà Tĩnh đã tiến hành thanh kiểm tra nhiều đơn vị sử dụng lao động nhưng vẫn còn hơn 1/2 số doanh nghiệp chưa tham gia BHXH, BH thất nghiệp và số tiền nợ BHXH ở mức cao so với bình quân chung toàn quốc.

Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đình Khương phát biểu tại buổi làm việc.

Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đình Khương đánh giá cao việc Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Đơn cử như: Hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho đối tượng nông- lâm- ngư- diêm nghiệp, hỗ trợ người dân mua thẻ BHYT, ngân sách tỉnh không nợ đóng BHYT... Qua đó, đối tượng tham gia BHXH, BHYT luôn tăng mạnh. Tuy nhiên, qua theo dõi cho thấy, đối tượng tăng của Hà Tĩnh không bền vững, mức tham gia BHXH thấp hơn mức bình quân chung cả nước,...

Giải trình về số lao động chưa tham gia BHXH, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh Võ Xuân Linh cho biết: Đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 83.521 lao động làm việc trong 5.058 doanh nghiệp; Ngành Lao động đã có nhiều giải pháp mạnh mẽ nên số lao động tham gia BHXH ngày càng tăng. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, số lao động chưa tham gia BHXH đã được tham gia, tăng từ 5-7%. Năm 2019, Ngành Lao động đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch để dần có giải pháp mạnh mẽ gia tăng người lao động tham gia BHXH, qua đó, chấn chỉnh được trên 55 soanh nghiệp thực hiện nghiêm túc vấn đề tiền lương, tiền công đóng BHXH cho người lao động.

Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Đức khẳng định, cơ quan Thuế và BHXH luôn phối hợp tốt trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Năm 2018, qua thanh kiểm tra giám sát 910 doanh nghiệp, Cục Thuế rà soát có thêm 14.635 người tham gia BHXH. Theo ông Nguyễn Văn Đức, công tác thu BHXH là rất khó vì nhiều doanh nghiệp nhỏ lẻ và hoạt động manh mún. Thời gian tới, hai Ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ để đảm bảo quyền lợi của người lao động trên địa bàn.

Các thành viên tham gia Đoàn giám sát cũng chỉ rõ một số bất cập trong thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Từ năm 2016 đến nay chi phí KCB BHYT trên địa bàn bị bội chi. Chất lượng chuyên môn tại các cơ sở KCB trong tỉnh tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu KCB ngày càng cao của nhân dân nên chi phí đa tuyến đi tại các bệnh viện Trung ương và đặc biệt là các bệnh viện trên địa bàn Nghệ An chiếm tỷ lệ cao: Năm 2016 là 352 tỉ đồng,  năm 2017 là 455 tỉ, năm 2018 là 473 (chiếm tỷ lệ 48% - 53 - 37% so với quỹ KCB). Một số cơ sở KCB chỉ định sử dụng dịch vụ y tế, thuốc cho người bệnh BHYT còn rộng rãi, chưa thực sự hợp lý; chi phí bình quân một đợt điều trị (ngoại trú, nội trú), tỷ lệ bệnh nhân vào điều trị nội trú tại một số bệnh viện còn cao hơn bình quân chung của các bệnh viện cùng hạng, cùng tuyến trên toàn quốc.

Ông Lê Hùng Sơn - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (BHXH Việt Nam) cho biết, năm 2018, quỹ KCB BHYT tại Hà Tĩnh vượt dự toán Thủ tướng Chính phủ giao 129 tỉ đồng, nhưng thực tế so với nguồn thu từ thẻ BHYT thì vượt tới 511 tỉ đồng - tương đương năm 2017 (khoảng 57- 58%). Năm 2018 Thủ tướng giao dự toán cho tỉnh đã lấy 382 tỉ từ nguồn dự phòng để hỗ trợ tỉnh nhưng Hà Tĩnh vẫn vượt.

Ông Đàm Hiếu Trung - Phó Giám đốc Trung tâm Giám định và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc (BHXH Việt Nam) chỉ rõ một số nguyên nhân gây bội chi quỹ BHYT tại Hà Tĩnh như: Tiền giường chi cao gấp 1,6 lần; chẩn đoán hình ảnh 1,24 lần, chỉ định nội trú cao. Bên cạnh đó, tỉ lệ sử dụng thuốc chế phẩm y học cổ truyền cao - chiếm 12,2% thuốc, gấp 9 lần tỷ lệ chung toàn quốc; công tác đấu thầu vật tư y tế có một số vật tư mức giá trúng thầu cao so với toàn quốc,...

Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đình Khương, tình hình vượt quỹ KCB BHYT tại Hà Tĩnh vẫn ở mức cao và chỉ đạo BHXH tỉnh phải thường xuyên báo cáo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh về những vấn đề khó khăn cũng như việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT để tìm giải pháp tháo gỡ; đồng thời, tăng cường công tác quản lý Quỹ BHYT, công tác kiểm tra giám sát cần được thực hiện một cách quyết liệt hơn, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT khi đi KCB BHYT.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh khẳng định tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện các chính sách BHXH, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ban ngành, các cấp chính quyền địa phương thực hiện BHXH, BHYT.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng phân tích các đặc điểm riêng của Hà Tĩnh trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT và cho rằng, còn nhiều kẽ hở dẫn đến bội chi BHYT, việc trốn tránh thực hiện BHXH ở các doanh nghiệp. Chủ tịch UBND tỉnh đề xuất, phải làm rõ trách nhiệm của Bộ Y tế và giao trách nhiệm cho các địa phương trong thực hiện BHYT. Về phía tỉnh, sẽ tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đoàn giám sát, tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo để đạt được các chỉ tiêu đề ra, góp phần nâng cao tỷ lệ người tham gia BHXH, BHYT.

Kết luận hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh thời gian vừa qua. Đồng thời, yêu cầu BHXH Hà Tĩnh cần phân tích, làm rõ nguyên nhân hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp để có giải pháp tháo gỡ kịp thời; phải có giải pháp cụ thể, thiết thực để thực hiện tốt quản lý sử dụng quỹ BHYT; thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp các giải pháp nhằm đẩy nhanh diện bao phủ BHXH; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường quản lý nhà nước, đẩy mạnh sự phối hợp giữa các ngành chức năng trong việc quản lý quỹ KCB BHYT. Cùng với đó, BHXH tỉnh thường xuyên nắm chắc tình hình, chủ động tham mưu hình thức, giải pháp giải quyết các vấn đề tồn đọng; chú trọng công tác CCHC, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, hướng tới thực hiện chỉ tiêu 3 giảm: Giảm chi phí, giảm thời gian và giảm TTHC.

Thượng tướng Nguyễn Văn Thành đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ và quyết liệt nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn./.

PV