COVID-19

WHO: Xem xét để Việt Nam trở thành trung tâm chuyển giao công nghệ vắc-xin Covid-19 theo công nghệ mRNA

21/05/2021 02:02 PM


Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam- TS Kidong Park cho biết: Văn phòng trụ sở của WHO đang xem xét để Việt Nam trở thành trung tâm chuyển giao công nghệ vắc-xin Covid-19 theo công nghệ mRNA. Nếu Việt Nam được lựa chọn, điều này sẽ góp phần vào việc sản xuất vắc-xin Covid-19 mRAN ở Việt Nam cũng như trong khu vực.

Theo TS. Kidong Park, WHO là đồng sáng lập của COVAX Facility- chương trình cam kết đến cuối năm 2021 sẽ cung cấp vắc-xin Covid-19 cho 20% dân số của các quốc gia tham gia cơ chế này, trong đó có Việt Nam.

Ngoài ra, WHO và các đối tác đang tìm cách mở rộng năng lực sản xuất vắc-xin Covid-19 của các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình (LMIC) và mở rộng quy mô sản xuất nhằm tăng cường khả năng tiếp cận toàn cầu đối với các công cụ quan trọng này nhằm kiểm soát đại dịch.

“Để thực hiện ý tưởng này, WHO đang tìm kiếm sự quan tâm từ các nhà sản xuất sản phẩm y tế, ưu tiên từ các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, là nơi có thể trở thành trung tâm mARN Covid-19 tập hợp công nghệ thực hành sản xuất tốt và sản xuất các lô thí điểm để thử nghiệm lâm sàng; và chuyển giao bí quyết và công nghệ thích hợp cho các nhà sản xuất có sẵn hoặc mới thiết lập tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình để cho phép các nhà sản xuất này phát triển và sản xuất vắc-xin Covid-19 mARN”, đại diện WHO chia sẻ.

Ảnh minh hoạ (nguồn: Internet)

Trong những tuần tới, WHO sẽ đưa ra một lời kêu gọi khác để tìm kiếm sự quan tâm từ các nhà sản xuất trong các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình quan tâm đến việc tiếp nhận công nghệ được phát triển từ một hoặc nhiều trung tâm chuyển giao công nghệ. “Một nhà sản xuất vắc-xin tại Việt Nam đã bày tỏ mong muốn trở thành trung tâm chuyển giao công nghệ vắc-xin Covid-19 theo công nghệ mRNA và đang được văn phòng trụ sở của WHO xem xét. Dự kiến, Việt Nam cũng sẽ áp dụng công nghệ mRNA để sản xuất vắc-xin Covid-19 trên quy mô lớn nếu được WHO chấp thuận", TS. Kidong Rark cho biết.

WHO cũng đã và đang tư vấn kỹ thuật để xây dựng các hướng dẫn và chiến lược xét nghiệm quốc gia tại Việt Nam. Đồng thời đã cung cấp các vật tư xét nghiệm phòng thí nghiệm bao gồm bộ dụng cụ lấy mẫu và sinh phẩm cho phương pháp xét nghiệm RT-PCR, và cam kết tiếp tục cung cấp các hỗ trợ này.

Đánh giá các biện pháp Việt Nam đang thực hiện đối phó với làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam khẳng định: WHO hy vọng và tin tưởng rằng Việt Nam có thể ngăn chặn các đợt bùng phát hiện nay thông qua cách tiếp cận toàn chính phủ và toàn xã hội.

“Chúng tôi đang theo dõi rất chặt chẽ tình hình dịch bệnh đang bùng phát ở Việt Nam. Dịch bệnh đã và đang tiến triển nhanh và có tính chất phức tạp. Một vài tuần tới rất quan trọng trong việc kiểm soát các ổ dịch. Với công tác truy vết và xét nghiệm triệt để, dự đoán sẽ có thêm nhiều ca mắc được phát hiện và có thể có thêm tỉnh/thành phố sẽ báo cáo các ca bệnh. Có nguy cơ rất cao các ca bệnh trong cộng đồng sẽ tiếp tục được phát hiện trong những ngày tới và có thể trong nhóm những người cách ly như F1”, TS. Kidong Park nhận định.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng chỉ ra rằng: Việt Nam đã tăng cường các biện pháp ứng phó- được chứng minh là có hiệu quả trong các đợt dịch bùng phát vừa qua. Các biện pháp này được điều chỉnh hàng ngày theo diễn tiến của tình hình dịch bệnh. “Chúng tôi hy vọng và tin tưởng rằng Việt Nam có thể ngăn chặn các đợt bùng phát hiện nay thông qua cách tiếp cận toàn chính phủ và toàn xã hội”, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam nhấn mạnh.

PV