Bài học từ Nhật Bản và Italy về quản lý dân số già hóa

16/11/2023 12:14 PM


Nhật Bản và Italy cách xa nhau về mặt địa lý nhưng có nhiều điểm chung, một trong số đó là vấn đề già hóa dân số. Khoảng 29% trong số 125 triệu dân của Nhật là từ 65 tuổi trở lên, cao nhất thế giới vượt trên cả Ý (24,5%) và Phần Lan (23,6%).

Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Do đối mặt với tình trạng già hóa dân số, Nhật Bản và Italy giống nhau về một số điểm trong hệ thống phúc lợi xã hội. Chi tiêu xã hội của mỗi quốc gia thấp nhất với người trong độ tuổi lao động và cao nhất đối với người cao tuổi. Điều đó có nghĩa là các nước này chi tiêu ít hơn cho trợ cấp gia đình, các ưu đãi trên thị trường lao động và trợ cấp thất nghiệp, trong khi dành nhiều hơn cho lương hưu và chăm sóc sức khỏe. 

Tuy nhiên trong chính sách chăm sóc dài hạn, Nhật Bản và Italy có sự khác biệt đáng kể. Italy vượt xa Nhật Bản và các nước thuộc Liên minh Châu Âu trong việc chi tiêu cho những người được chăm sóc dài hạn. Song, nước này lại dựa vào hệ thống công chi trả bằng tiền mặt, đi kèm với đó là sự phát triển của thị trường chợ đen của những người cung cấp dịch vụ chăm sóc mà đa phần trong số họ là người nhập cư không được bảo vệ về mặt pháp lý. Trong khi đó ở Nhật, từ năm 2000, quốc gia này đã có hệ thống chăm sóc dài hạn quốc gia được chi trả bởi chương trình bảo hiểm bắt buộc nhằm cung cấp các dịch vụ được tiêu chuẩn hóa theo nhu cầu. Vì vậy, trong khi Italy chi trả tiền mặt nhiều nhưng lại cung cấp ít dịch vụ hơn, hệ thống của Nhật Bản lại đảm bảo tốt tiêu chuẩn chăm sóc cho người già. 

Đến năm 2050, nhiều quốc gia lớn ở châu Á và phương Tây dự kiến sẽ phải đối mặt với tình trạng dân số già đi tương tự như Nhật Bản và Italy. Việc nghiên cứu kinh nghiệm của hai quốc gia này sẽ đóng vai trò quan trọng đối với cộng đồng toàn cầu./.

Hoài Liên