Bấp bênh cuộc sống của người cao tuổi nghèo ở Bulgaria

21/12/2022 02:26 PM


“Cô đơn, dễ bị tổn thương và thiếu thốn” là những cụm từ bà Galena Stoyanova, nguyên là luật sư, hiện sinh sống ở Bulgaria mô tả về điều kiện sống của một bộ phận người cao tuổi ở quốc gia này. Năm 2022, theo thống kê của Viện An sinh Xã hội Quốc gia Bulgaria (NSSI), tổng số người cao tuổi Bulgaria đang sống trong cảnh nghèo đói là hơn 306.000 người.

Theo dữ liệu từ Viện An sinh Xã hội Quốc gia Bulgaria (NSSI), năm 2021, tổng số người cao tuổi hưu trí ở Bulgaria khoảng hơn 2 triệu người; mức lương hưu trung bình của họ là 566 BGN/tháng (tương đương khoảng 300 USD/tháng). Tuy nhiên, năm 2022, có tới hơn 590.000 người cao tuổi hưu trí nhận lương hưu trung bình 370 BGN/tháng (200 USD/tháng) hoặc ít hơn.

Trong khi đó, chi phí sinh hoạt ngày càng tăng khiến người cao tuổi hưu trí khó xoay xở kịp, đồng thời, làm trầm trọng thêm tình trạng đói nghèo của một bộ phận người cao tuổi Bulgaria. Theo khảo sát của NSSI, toàn bộ thu nhập của người cao tuổi hưu trí đa phần dành cho các nhu cầu cơ bản của cuộc sống như thực phẩm, hóa đơn hộ gia đình và thuốc men. Một số người hưu trí phải đánh đổi sức khỏe của mình, chỉ dám mua những loại thuốc cần thiết nhất chứ không phải mọi loại thuốc được kê đơn để đối phó với chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.

Dữ liệu của Eurostat cho thấy, trên khắp EU, Bulgaria có tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên đói nghèo cao nhất vào năm 2020, ở mức 25,7% so với mức trung bình 16,5% đối với người trong độ tuổi từ 18- 64 tuổi. Bất ổn chính trị, kinh tế mà Bulgaria phải đối mặt cũng làm trầm trọng tình trạng khó khăn cho tất cả mọi người, bao gồm cả người cao tuổi. Lương hưu tối thiểu không tăng trong nhiều năm. Các biện pháp cải cách lương hưu chưa thực sự hiệu quả.

Về phía các tổ chức phi chính phủ, nổi lên sáng kiến Baba Residence do Yani Taneva khởi xướng. Sáng kiến nhằm hỗ trợ người cao tuổi sinh sống ở những vùng có mật độ dân số thấp bằng cách kết nối họ với thanh niên thành thị. Theo đó, vận động thanh niên thành thị dành ít nhất một tháng để sinh sống, học tập và có thể tiến hành khởi nghiệp tại nông thôn. Đến nay, sáng kiến đã giúp đỡ, hỗ trợ hơn 1.500 công dân cao tuổi tại 36 ngôi làng, mang lại thu nhập cho họ thông qua các hoạt động chợ phiên, thương mại điện tử để mua bán, trao đổi các sản phẩm dệt may truyền thống, phục hồi các ca khúc dân ca có nguy cơ thất truyền, mở rộng hoạt động du lịch gắn liền lịch sử mà người cao tuổi đóng vai trò là hướng dẫn viên… Ngoài ra, Chiến dịch Một phần trăm thay đổi (One Percent Change) thuộc sáng kiến Baba Residence cũng phát huy hiệu quả, kêu gọi thành công cộng đồng chung tay giúp đáp ứng những nhu cầu cơ bản của người cao tuổi hiện sống trong cảnh nghèo đói như lắp đặt khung cửa sổ mới để đối phó với giá rét trong mùa đông; vận động tặng răng giả cho người cao tuổi… và chiến dịch tặng đồ điện tử trong dịp Giáng sinh 2022 sắp tới.

Mặc dù nỗ lực, cố gắng của các tổ chức phi chính phủ, tổ chức từ thiện chắc chắn có tác động đến thực trạng nghèo đói ở người cao tuổi Bulgaria; song, để có được những cải thiện đáng kể và lâu dài, giúp giảm tỷ lệ nghèo đói ở người cao tuổi cần có nhiều chính sách ASXH, chương trình xã hội toàn diện của Chính phủ.

PV