WHO: Tăng cường các dịch vụ sức khỏe cho dân tị nạn và dân di cư

23/12/2021 02:54 PM


Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố hai nghiên cứu nhằm mục đích chỉ ra các xu hướng, thách thức còn tồn tại trong việc giúp nhóm dân tị nạn và dân di cư tiếp cận với hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn diện hơn.

WHO mới đây đã xuất bản hai nghiên cứu đa quốc gia mang tên “Thống kê khả năng đáp ứng của hệ thống y tế đối với nhu cầu sức khỏe của dân tị nạn và dân di cư” và “Tổng quan tài liệu: Nhu cầu sức khỏe chung của dân tị nạn và dân di cư”.

Mục đích nghiên cứu là giúp các quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới xây dựng một hệ thống sức khỏe bền vững, có đủ khả năng đáp ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe lấy con người làm trung tâm, bao gồm cả dân tị nạn và dân di cư.

Trước thực tế đe dọa chất lượng sức khỏe của nhóm dân tị nạn và dân di cư trên diện rộng, WHO cho rằng, những chính sách quốc gia, chính sách địa phương cần được hoạch định rõ ràng, đảm bảo hệ thống y tế quốc gia có thể đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhóm dân số yếu thế này.

Những kế hoạch và chiến lược đưa ra cũng nên được cân nhắc cẩn thận, bao gồm việc xem xét những cản trở cơ bản mà dân tị nạn và dân di cư luôn gặp phải như rào cản ngôn ngữ, kỳ thị sắc tộc và những vấn đề sức khỏe đặc biệt của họ.

Ở nghiên cứu “Thống kê khả năng đáp ứng của hệ thống y tế đối với nhu cầu sức khỏe của dân tị nạn và dân di cư”, WHO đã cung cấp một cái nhìn tổng quan về các mức độ chăm sóc sức khỏe mà nhóm dân số này có thể tiếp cận được ở 18 quốc gia sở hữu lượng dân tị nạn và di cư đông nhất. Nghiên cứu cũng xác định 4 mô hình chăm sóc rộng, khỏe phổ biến, nhằm đáp ứng các xu hướng di cư và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhóm dân số yếu thế này.

Hình minh họa (nguồn: Internet)

Cụ thể gồm:

Thứ nhất là các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đại chúng: Ở loại hình này, nhiều quốc gia cho phép nhóm người tị nạn và di cư tiếp cận một cách nhanh chóng hệ thống y tế công như người dân bản địa, trong khi chính quyền những nước khác sẽ có thể bắt buộc nhóm tị nạn và di cư chờ đợi dài ngày trước khi họ có thể tiếp cận với các dịch vụ y tế đại chúng thông thường.

Thứ hai là các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chuyên biệt: Những dịch vụ này nhắm tới đối tượng là những người tị nạn và di cư là chủ yếu, phục vụ nhóm dân số yếu thế khi khi họ gặp cản trở trong việc tiếp cận với các dịch vụ y tế công.

Thứ ba là các dịch vụ tạm thời ban đầu: Dịch vụ này chủ yếu giúp người tị nạn và di cư trong một số công việc giấy tờ và hướng dẫn họ các thủ tục để tiếp cận các dịch vụ y tế chính chuyên khác.

Thứ tư là các dịch vụ giới hạn khác được tài trợ chủ yếu từ các nhân tố phi chính phủ như các NGOs, quỹ từ thiện, các tổ chức quốc tế... nhằm cung cấp một số dịch vụ y tế cơ bản nhất cho nhóm dân tị nạn và di cư.

Nghiên cứu thứ hai mang tên “Tổng quan tài liệu: Nhu cầu sức khỏe chung của dân tị nạn và dân di cư” dựa trên những tài liệu xám (tài liệu chưa được công bố) và các nghiên cứu trong ngành khác với mục đích khai thác sự khác nhau giữa nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhóm dân tị nạn và di cư với nhóm công dân tại nước sở tại.

Nghiên cứu này bao quát nhiều khía cạnh trong y tế như sức khỏe trẻ em, tình dục, sinh sản, sức khỏe tinh thần, các bệnh mãn tính, truyền nhiễm, răng miệng, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi và người khuyết tật.

Đặc biệt, nghiên cứu này đi sâu vào đánh giá các thách thức, rào cản ngăn nhóm người tị nạn và dân di cư khỏi việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trọn đời. Ngoài ra, nghiên cứu cũng xem xét và lựa chọn ra cách thức chăm sóc sức khỏe hiệu quả nhất đối với nhóm dân di cư và tị nạn phù hợp với những nhạy cảm, khác biệt về mặt văn hóa và ngôn ngữ nhằm tránh việc kỳ thị, phân biệt đối xử với nhóm người này.

Hai nghiên cứu trên là một trong số những nỗ lực của WHO trong việc phát triển chính sách “Sức khỏe của dân tị nạn và dân di cư: Tiêu chuẩn năng lực toàn cầu của nhân viên y tế”. Trong tương lai, WHO sẽ tập trung đưa ra nhiều nghiên cứu chính sách và các hành động cụ thể, nhằm gia tăng tính chuyên môn của các nhân viên y tế trong việc phục vụ nhóm dân di cư và tị nạn này một cách hiệu quả nhất.

Thực tế cho thấy, những năm gần đây, ở hầu hết các quốc gia, các nhóm dân di cư có giấy tờ không được chính phủ cung cấp đầy đủ quyền lợi chăm sóc sức khỏe y tế như công dân của nước đó. Nhìn chung, tình trạng sức khỏe của nhóm dân tị nạn và di cư đang ở mức không đạt tiêu chuẩn, ngay cả ở những quốc gia hợp pháp hóa quyền tiếp cận các dịch vụ sức khỏe công cộng của họ.

Đa phần các nhóm dân số di cư và tị nạn đều đang phải đối mặt với những khó khăn trong việc chăm sóc sức khỏe, tiếp cận hệ thống y tế của nước sở tại do những bất đồng ngôn ngữ và phân biệt kỳ thị. Xu hướng này càng trở nên trầm trọng hơn do tác động kéo dài của đại dịch Covid-19. Bên cạnh khó khăn trong tiếp cận xét nghiệm, tiêm chủng, khám chữa bệnh tại các trại tị nạn, Covid-19 còn đẩy nhóm dân yếu thế này vào bế tắc khi nhiều chính phủ tranh thủ, lợi dụng Covid-19 để gia tăng các biện pháp mạnh mẽ nhằm chặn dòng dân tị nạn và dân di cư vào nước mình.

PV