Ấn Độ: Nỗ lực tạo ra một hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng đạt tiêu chuẩn, có mức giá hợp lý

26/10/2021 08:56 AM


Mặc dù là một nền kinh tế lớn của thế giới, chi phí cho sức khỏe cộng đồng của Ấn Độ vẫn đang ở mức rất thấp. Đối với nhóm dân số nghèo ở quốc gia này, việc không mua BHYT đã khiến họ phải đối mặt với những hậu quả khôn lường.

Ấn Độ là một quốc gia đầy tiềm lực khi dân số lên tới xấp xỉ 1,4 tỷ người, xếp thứ hai trên thế giới. Mặc dù là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, sự bất bình đẳng về thu nhập bên trong Ấn Độ đã trở nên trầm trọng hơn trong những năm gần đây, khiến tỷ lệ người dân được tiếp cận với an sinh xã hội bị phân hóa mạnh mẽ.

Theo một khảo sát do Văn phòng Khảo sát quốc gia (NSO) Ấn Độ thực hiện, chỉ khoảng 14,1% người dân nông thôn so với 19,1% người dân thành thị của nước này được hưởng các hình thức BHYT, bao gồm cả BHYT chính phủ và tư nhân. Cuộc khảo sát cũng ghi nhận, trong số 20% những gia đình giàu nhất ở Ấn Độ, có tới 31,9% hộ gia đình ở vùng nông thôn và 22,4% hộ gia đình ở vùng thành thị chịu nhập viện khi mắc bệnh.

Một khảo sát khác từ trang India Spend cũng cho thấy, Ấn Độ là quốc gia dành ít chi phí cho sức khỏe cộng đồng nhất trong khối các quốc gia đang phát triển (BRICS). Các khoản chi cho chăm sóc sức khỏe cộng đồng chỉ chiếm vỏn vẹn 1,2% GDP của đất nước.

Trên thực tế, trước khi chứng kiến sự tàn phá nặng nề của đại dịch Covid-19 lên toàn bộ hệ thống y tế, Thủ tướng Modi và nội các đã giới thiệu một kế hoạch BHYT mà ông cho là lớn nhất thế giới, nhắm tới việc hơn 107 triệu người- tương đương với 40% dân số nghèo của Ấn Độ sẽ được hưởng BHYT.

Theo kế hoạch BHYT này, mỗi gia đình sẽ được chu cấp lên tới 500.000 rúp-pi (xấp xỉ 150 triệu đồng) cho các ca phẫu thuật y tế. Tuy nhiên, chính sách này được cho là chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Chi phí y tế tăng cao và lạm phát y tế cũng trở thành một nhân tố then chốt góp phần đẩy những nhóm thu nhập thấp ở Ấn Độ tới nguy cơ thiếu sự chăm sóc sức khỏe ở mức độ tiêu chuẩn.

Ảnh minh hoạ (nguồn: Internet)

Ở quốc gia này, hơn một nửa các cơ sở chăm sóc sức khỏe là các BV tư nhân (51,9% ở nông thôn và 61,4% ở thành thị). Trong khi đó, chi phí y tế ở BV tư ước tính cao gấp 7 lần so với các BV công. Khi phân tích 1.290 đơn thuốc từ 100 cơ sở sức khỏe cộng đồng trên khắp 15 huyện lỵ ở Ấn Độ cho kết quả: Chỉ có 58% những đơn thuốc được kê có sẵn ở các cơ sở bán thuốc công (do Chính phủ quản lý). Điều này dẫn tới việc các bệnh nhân không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc mua thuốc ở các tiệm thuốc tư nhân với giá cao hơn rất nhiều.

Chính vì “thói quen” tự bỏ tiền túi chi trả các chi phí y tế khi mắc bệnh, nhiều nhóm thu nhập thấp ở Ấn Độ hiện đang sống dưới mức nghèo đói chung của thế giới. Họ thậm chí mất đi thu nhập hằng ngày do các chi phí y tế đắt đỏ mà chính bản thân phải tự chi trả mỗi khi mắc bệnh.

Ông Amir Ullah Khan- nhà kinh tế học sức khỏe và giáo sư tại Viện Phát triển nhân lực Marri Channa Reddy của bang Telangana cho biết: Việc mua BHYT ở Ấn Độ còn thấp, bởi lẽ ngành BHYT tư nhân vẫn còn đang trong giai đoạn non trẻ, trong khi nhóm có khả năng chi trả cho BHYT còn ở mức thấp và chi phí KCB ở mức cao. “Nếu những bệnh lao, ung thư... trở nên nghiêm trọng và quá đắt đỏ để chữa trị, do không thể chi trả số tiền viện phí lớn, nhóm người nghèo ở Ấn Độ sẽ tiếp tục trì hoãn việc điều trị các loại bệnh nghiêm trọng này”- ông Khan chia sẻ.

Đối với các gia đình có thu nhập tương đối thấp, việc lên một kế hoạch chi tiêu cho BHYT cũng đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Việc này không những đảm bảo cho các tình huống cấp cứu cấp bách được chi trả, mà còn giảm chi phí ở một số các nhóm bệnh nghiêm trọng đến rất nghiêm trọng. Nếu không có sự hỗ trợ của BHYT, tình trạng lạm phát y tế ở đất nước tỷ dân sẽ đẩy những nhóm dân nghèo rơi vào tình trạng gần như không thể chi trả được đối với phương pháp điều trị bệnh nặng trong tương lai gần.

Sự càn quét của đại dịch Covid-19 trong năm vừa qua tại Ấn Độ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của BHYT hơn bao giờ hết. Song, vấn đề này không thể giải quyết trong chớp mắt, nếu khoảng cách thu nhập tại đất nước tỷ dân này chưa được cải thiện. Cụ thể, theo trang Business Standard, chỉ khoảng 90 triệu dân Ấn Độ được hưởng thu nhập thường xuyên và 80% trong số này kiếm ít hơn 270 USD/tháng. Nói cách khác, với lượng thu nhập ít ỏi như vậy, khó mà đòi hỏi một mức thuế cao hơn để đóng góp cho các chương trình phúc lợi xã hội.

Điều này đặt ra thách thức đối với các nhà chức trách Ấn Độ, buộc chính quyền ông Modi phải cân đo đong đếm làm sao để tạo ra một hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng đạt tiêu chuẩn, có mức giá hợp lý và phải bao gồm cả những nhóm người yếu thế, nhóm nghèo đói trong xã hội Ấn Độ.

PV