COVID-19

Indonesia: Giảm nghèo bằng cách tạo việc làm cho NLĐ tầng lớp trung lưu

08/10/2021 02:13 PM


Indonesia đã và đang nỗ lực để tăng số lượng việc làm cho NLĐ, nhất là đối tượng người nghèo. Giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2019, quốc gia này tạo thành công 2,4 triệu việc làm mỗi năm; tuy nhiên, dường như NLĐ thuộc tầng lớp trung lưu chưa được ưu tiên trong vấn đề này.

Tầng lớp trung lưu thường đề cập đến như những cá nhân, hộ gia đình nằm giữa tầng lớp lao động và tầng lớp thượng lưu trong hệ thống phân cấp xã hội. Theo quan niệm chung, người thuộc tầng lớp trung lưu có tỷ lệ tốt nghiệp Cao đẳng, Đại học cao hơn so với người trong tầng lớp lao động. Họ cũng có thu nhập cao hơn, có sở hữu tài sản và thường được tuyển dụng làm chuyên gia, nhà quản lý và công chức. Các chuyên gia lĩnh vực lao động – việc làm cho rằng, việc cung cấp nhiều việc làm hơn cho tầng lớp trung lưu, có thể gián tiếp mang lại lợi ích cho người nghèo. Hay nói cách khác, tập trung tạo công ăn việc làm cho tầng lớp trung lưu có ý nghĩa với công cuộc xóa đói giảm nghèo ở cấp quốc gia. Vì chuyển đổi cơ cấu, chuyển đổi lao động giữa các thành phần kinh tế theo thời gian đóng một vai trò rất lớn trong số lượng việc làm của tầng lớp trung lưu cấp thấp (những người tiệm cận với tầng lớp lao động). Trong suốt 17 năm từ 2000 đến 2017, sự thay đổi cơ cấu của Indonesia chỉ đóng góp 1% giá trị bình quân đầu người tăng trưởng hàng năm.

Bên cạnh tạo việc làm, các lĩnh vực khác cũng cần được chú trọng là y tế và giáo dục. Chỉ có 43% lực lượng lao động Indonesia tốt nghiệp từ THCS trở lên. Do đó, nếu đầu tư vào y tế (để phát triển về thể chất) và giáo dục (để có nền tảng học vấn tốt hơn) thì có tác dụng khuyến khích NLĐ vươn lên để một công việc trung lưu, thay vì lao động chân tay, lao động phổ thông. Trong đào tạo, cần chú ý đến các kỹ năng khác nhau cần thiết cho một số công việc nhất định, điều này giúp NLĐ nhận ra họ còn thiếu những gì để có được công việc và thu nhập tốt hơn.

Một số rào cản khác ngăn cản việc tạo công ăn việc làm cho tầng lớp trung lưu ở Indonesia và góp phần vào tình trạng đói nghèo của quốc gia là đa phần tầng lớp trung lưu thường làm việc, sản xuất, kinh doanh theo hình thức hộ gia đình, hộ kinh doanh cá thể, làm chủ nhỏ… (2/3 số việc làm cho tầng lớp trung lưu tập trung ở các hình thức này). Trong khi đó, các công ty, Tập đoàn và nhà tuyển dụng lớn hơn lại rất khan hiếm việc làm cho tầng lớp trung lưu, họ có xu hướng tuyển dụng nhân sự trình độ cao cấp.

Đại dịch Covid-19 mang đến nhiều thách thức cho kinh tế-xã hội Indonesia, khiến nhiều NLĐ không có việc làm. Một trong những vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn nữa là tăng khả năng cung cấp việc làm của tầng lớp trung lưu, củng cố hệ thống giáo dục nghề nghiệp và nguồn lực cho các ngành sản xuất. Khi Chính phủ kiến tạo ra nhiều chính sách ASXH để giúp đỡ NLĐ nói chung, NLĐ thuộc tầng lớp trung lưu nói riêng, nền kinh tế sẽ được hưởng lợi rất nhiều bởi trải qua thời kỳ khốn khó vì đại dịch, NLĐ hơn ai hết ý thức hơn về tìm kiếm việc làm bền vững, nâng cao thu nhập, quan tâm đến đầu tư bên cạnh tích lũy… Từ đó, có thể lạc quan hơn về công cuộc xóa đói giảm nghèo của Indonesia

PV