Nhật Bản: Áp lực xã hội gia tăng khi có tới hơn 80.000 người trên 100 tuổi

21/09/2020 04:40 PM


Kết quả khảo sát của Chính phủ Nhật Bản cho thấy, lần đầu tiên trong lịch sử, nước này có tới 80.450 người trên 100 tuổi, tăng 9.176 người so với năm 2019. Tăng trưởng theo năm lập kỷ lục mới trong năm thứ 50 liên tiếp và là mức tăng lớn nhất kể từ khi số liệu này được thống kê năm 1963. Trong số những người từ 100 tuổi trở lên, nữ giới chiếm 88% với 70.975 người. Số nam giới trên 100 tuổi là 9.475 người.

Nước Nhật đang có quá nhiều người già

Chính phủ Nhật Bản bắt đầu thống kê số lượng người cao tuổi từ năm 1963, mỗi người sống trên 100 tuổi sẽ được tặng cốc đúc bằng bạc nguyên chất và thư chúc mừng của Thủ tướng. Thời điểm đó, đất nước này có 153 người thuộc nhóm 100 tuổi. Số cốc bạc lần đầu vượt quá 10.000 người vào năm 1999 và  tăng thêm 29.000 chiếc vào năm 2014. Suốt nhiều năm liền, tuổi thọ trung bình ở Nhật Bản luôn đứng ở top đầu thế giới.

Tỉnh Shimane có tỷ lệ người trên 100 tuổi nhiều nhất, ở mức 127,6 người trên 100.000 dân. Tiếp đó là tỉnh Kochi với 119,77 người và tỉnh Tottori với 109,89 người. Người cao tuổi nhất Nhật Bản là cụ bà Tanaka Kane, 117 tuổi, hiện sống tại 1 viện dưỡng lão ở thành phố Fukuoka, tỉnh Fukuoka. Cụ Tanaka cũng được ghi vào Kỷ lục Guinness là người cao tuổi nhất thế giới. Cụ chia sẻ chìa khóa để sống trường thọ là ăn đồ ngon và làm tính để đầu óc được minh mẫn. Cụ ông cao tuổi nhất Nhật Bản là cụ Ueda Mikizo, 110 tuổi, sống tại thành phố Nara.

Người Nhật không chỉ sống thọ, mà còn khỏe mạnh. Tỷ lệ mắc các bệnh mãn tính ở mức thấp. Theo xếp hạng của World Health Ranking năm 2014, tỷ lệ chết do đột quỵ chỉ đứng thứ 152, do ung thư vú xếp hạng 134, do bệnh gan xếp 153, phổi xếp thứ 166... trên tổng số 172 quốc gia.

Ảnh minh họa

Nhiều hệ lụy

Nhật Bản hiện đang có quá nhiều người già. Số liệu thống kê của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản cho thấy, vào thời điểm cuối năm 2018, số lượng người từ 65 tuổi trở lên ở nước này là 35,88 triệu người, chiếm tới 28,4% dân số. Đây là nước có tỉ lệ người già cao nhất trên thế giới. Viện Nghiên cứu Dân số và An sinh Xã hội Quốc gia của Nhật Bản ước tính, số người từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm 30% dân số vào năm 2025 và 35,3% dân số vào năm 2040 (27% dân số trên tuổi 65).

Năm 2019, Nhật Bản đã đưa những vấn đề kinh tế liên quan đến già hóa và thu hẹp tỉ lệ sinh ra thảo luận tại G20 cấp bộ trưởng G20, nhóm nền kinh tế lớn nhất thế giới với 19 quốc gia và Liên minh châu Âu. Theo Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso, nước này mong muốn truyền tải thông điệp mang tính cảnh báo: "Điều chúng tôi muốn nói là nếu vấn đề lão hóa bắt đầu cho thấy tác động của nó trước khi bạn trở nên giàu có, bạn sẽ thực sự không thể có biện pháp hiệu quả chống lại nó sau đó".

Trong báo cáo của Chính phủ Nhật Bản công bố tháng 6-2019 thừa nhận hệ thống lương hưu công cộng của nước này sẽ quá tải và không thể đảm bảo mức sống ổn định cho người dân nếu số người già tiếp tục gia tăng. Chi phí an sinh xã hội, trong đó phần lớn dành cho người cao tuổi, chiếm tới 1/3 ngân sách đã chi của Chính phủ Nhật Bản. Theo ước tính, nếu một cặp vợ chồng Nhật Bản sống đến 95 tuổi, họ sẽ cần ít nhất 20 triệu Yên (gần 185.000 USD) so với tiền lương hưu được chính phủ chi trả. Áp lực còn lớn hơn với những người già sống độc thân, nhận lương hưu một lần và không được sự hỗ trợ từ con cháu hay các thành viên trong gia đình.

Ngân sách Nhật Bản hiện tiêu tốn tới 121,3 nghìn tỷ Yên cho an sinh xã hội và con số này dự kiến sẽ tăng 60% lên 190 nghìn tỷ Yên (1,7 nghìn tỷ USD vào năm 2040. Cụ thể, chi phí cho chăm sóc tại gia và dịch vụ y tá cho người già ước tính tăng 140%, từ 10,7 nghìn tỷ Yên hiện nay lên 25,8 nghìn tỷ Yên năm 2040. Chi phí y tế cho người già cũng sẽ tăng 75% lên 68,5 nghìn tỷ Yên cùng kỳ. Số tiền lương hưu phải trả cũng sẽ tăng 29% lên 73,2 nghìn tỷ Yên.

Trong bối cảnh hệ thống lương hưu đứng trước cảnh báo không còn đủ để duy trì sinh kế của người dân, trong khi tốc độ già hóa dân số đang diễn ra quá nhanh, tháng 5-2020, Nhật Bản đã sửa đổi Luật Hưu trí, quy định người lao động có thể lựa chọn bắt đầu nhận lương hưu từ 75 tuổi thay vì 70 tuổi như quy định trước đây.

Ngoài ra, người dân cũng được khuyến khích hoãn nghỉ hưu bằng mức lương hưu cao hơn nếu tiếp tục làm việc lâu hơn. Cụ thể, nếu người lao động hoãn tuổi bắt đầu nhận lương hưu thêm 5 năm so với giới hạn hiện nay là 65 tuổi thì lương hưu họ nhận được sẽ cao hơn 84% so với khi bắt đầu nhận lương ở tuổi 65. Bên cạnh đó, chương trình lương hưu yêu cầu chủ sử dụng lao động phải trả một nửa phí BHXH của nhân viên của mình.

Ngoài ra, luật sửa đổi còn kêu gọi xem xét lại hệ thống hưu trí, cho phép cắt giảm các khoản thanh toán cho những người cao tuổi vẫn đang làm việc từ quỹ lương hưu. Theo đó, những người ở độ tuổi 60- 64 có mức lương hàng tháng trên 280.000 Yên (2.600 USD) sẽ là đối tượng bị cắt giảm. Tuy nhiên, luật mới lại tăng mức lương tối thiểu lên hơn 470.000 Yên cho nhóm tuổi này, ngang với nhóm lao động từ 65 tuổi trở lên./.

PV