ILO: Các nước cần áp dụng chiến lược đa diện giải quyết tác động về y tế và kinh tế do đại dịch
12/05/2020 02:14 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Theo một báo cáo mới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), các biện pháp phong tỏa và kiểm soát dịch COVID-19 có nguy cơ làm tăng mức nghèo tương đối của người lao động làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức toàn thế giới, đặc biệt là thêm tới 56 điểm phần trăm ở các nước có thu nhập thấp.
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Ước tính mức nghèo tương đối trong bộ phận lao động phi chính thức ở các nước có thu nhập cao sẽ tăng 52 điểm phần trăm, trong khi ở các nước có thu nhập trung bình cao, mức tăng được ước tính là 21 điểm phần trăm.
Có tới 1,6 trong số 2 tỷ lao động làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức trên toàn thế giới đang bị ảnh hưởng bởi các biện pháp phong tỏa và kiểm soát dịch bệnh. Phần lớn trong số họ làm việc trong các lĩnh vực bị tác động nặng nề nhất hay trong các đơn vị kinh tế nhỏ dễ bị ảnh hưởng hơn trước các cú sốc.
Những đối tượng này bao gồm lao động làm việc trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống, sản xuất, bán buôn và bán lẻ và hơn 500 triệu nông dân sản xuất phục vụ thị trường thành thị. Báo cáo cho biết phụ nữ làm việc trong các lĩnh vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề.
Thêm vào đó, việc những lao động này cần phải làm việc để nuôi sống gia đình khiến nhiều nước không thể thực hiện thành công các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19. Vấn đề này là mối đe dọa đối với những nỗ lực của các chính phủ trong việc bảo vệ người dân và trong cuộc chiến chống đại dịch của họ. Đó cũng có thể là khởi nguồn của căng thẳng xã hội ở các nước có nền kinh tế phi chính thức lớn, báo cáo cho biết.
Hơn 75% tổng số việc làm phi chính thức làm việc trong các doanh nghiệp có ít hơn 10 lao động, trong đó 45% là lao động tự làm mà không thuê tuyển nhân công. Theo báo cáo này, với phần lớn lao động phi chính thức không có phương tiện hỗ trợ nào khác, họ phải đối mặt với một vấn đề nan giải khó có thể giải quyết: chết do đói hay chết do virus. Gián đoạn trong cung ứng thực phẩm càng làm vấn đề trầm trọng thêm và đặc biệt ảnh hưởng đến những người làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức.
Ông Philippe Marcadent, Trưởng Ban Thị trường Lao động, Quan hệ Lao động và Điều kiện Làm việc (INWORK) của ILO, nhận định “Khủng hoảng COVID-19 làm trầm trọng thêm tình trạng dễ bị tổn thương và bất bình đẳng hiện hữu. Những phản ứng chính sách phải đảm bảo rằng hỗ trợ đến được với những người lao động và doanh nghiệp cần sự hỗ trợ nhất”.
Những nước có nền kinh tế phi chính thức lớn nhất mà lại phải áp dụng các biện pháp phong tỏa toàn diện đang phải gánh chịu những hệ quả nặng nề nhất của đại dịch. Lao động trong khu vực phi chính thức bị ảnh hưởng đáng kể với tỷ lệ dao động từ 89% ở Châu Mỹ La tinh và các quốc gia Ả rập, 83% ở Châu Phi, 73% ở Châu Á và Thái Bình Dương và 64% ở Châu Âu và Trung Á.
ILO khuyến nghị các nước cần áp dụng chiến lược đa diện bao gồm những phương hướng hành động nhằm giải quyết cả tác động về y tế và kinh tế do đại dịch gây nên.
Trong số những khuyến nghị đưa ra, báo cáo nhấn mạnh sự cần thiết phải có các chính sách giúp giảm khả năng phơi nhiễm virus của lao động phi chính thức; đảm bảo những người bị lây nhiễm được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế; hỗ trợ về thu nhập và thực phẩm cho các cá nhân và gia đình họ và ngăn ngừa thiệt hại gây nên đối với cơ cấu kinh tế của các nước./.
PV
Chi tiết >>
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
BHXH tỉnh Phú Thọ: Tăng cường các giải pháp thực hiện công ...
(Video) BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế
Tiếp nhận và bổ nhiệm Phó Chánh Văn phòng Hội đồng quản lý ...
(Video) BHXH Việt Nam chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao năng lực ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?