COVID-19

Triển khai nhiều giải pháp quyết liệt trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp

30/03/2020 02:36 PM


Sau khi ghi nhận số ca tử vong trong ngày cao kỷ lục, Italy đã công bố gói biện pháp mới trị giá 4,7 tỷ euro để hỗ trợ những người chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19. Trong khi đó, Tây Ban Nha quyết định thực thi các biện pháp hạn chế đi lại nghiêm ngặt hơn nhằm giảm đáng kể số ca nhiễm mới…

Người bệnh Covid-19 tại bệnh viện dã chiến bên trong trung tâm hội nghị IFEMA tại Madrid, Tây Ban Nha. (Ảnh: Reuters)

Italy chi 4,7 tỷ euro hỗ trợ người chịu nhiều ảnh hưởng dịch COVID-19

Ngày 28/3, giới chức Italy cho biết, trong 24 giờ qua, gần 900 người đã chết tại nước này do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 10.023, mức cao nhất thế giới. Đây là số ca tử vong trong ngày cao nhất được ghi nhận tại Italy kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này vào ngày 21/2 vừa qua. Italy cũng ghi nhận 6.000 ca nhiễm mới trong một ngày và hiện là quốc gia có số người bệnh Covid-19 cao thứ hai thế giới (92.472 ca). Lombardy vẫn là ổ dịch của Italy, với gần 6.000 ca tử vong.

Theo người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ dân sự Italy Angelo Borelli, nếu trong thời gian qua chính phủ không ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc thì số ca mắc bệnh và tử vong còn nhiều hơn nữa. Italy là quốc gia châu Âu đầu tiên triển khai các biện pháp mạnh mẽ để hạn chế người dân đi lại trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Bộ trưởng Công nghiệp Italy Stefano Patuanelli cho rằng, những biện pháp nghiêm ngặt này là yếu tố mang lại hy vọng các quy định về đi lại sẽ được nới lỏng vào thứ Sáu tuần tới.

Tại cuộc họp báo ngày 28/3, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte thông báo, sau khi những số liệu trên được công bố, ông đã thông qua gói biện pháp mới (cung cấp tem phiếu mua sắm, gói cung cấp thực phẩm...) trị giá 4,7 tỷ euro nhằm hỗ trợ những người bị dịch bệnh tác động nhiều nhất. Chính phủ sẽ chi 4,3 tỷ euro cho chính quyền các thành phố đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và dành một quỹ đặc biệt 400 triệu euro cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn.

Cùng ngày, trả lời phỏng vấn nhật báo Il Sole 24 Ore, ông Conte hối thúc Liên hiệp Châu Âu (EU) triển khai “trái phiếu phục hồi” nhằm hỗ trợ ứng phó đại dịch. EU cần có một công cụ nợ chung để thúc đẩy kế hoạch phục hồi và tái đầu tư nhằm hỗ trợ nền kinh tế của toàn khu vực.

Nhằm ngăn chặn dịch bệnh tiếp tục lây lan, Bộ trưởng Giáo dục Italy Lucia cho biết quyết định đóng cửa các trường học, có hiệu lực từ ngày 5/3 vừa qua, sẽ được gia hạn đến ngày 3-4 tới.

Tây Ban Nha siết chặt biện pháp hạn chế đi lại

Sau khi Tây Ban Nha ghi nhận thêm 832 ca tử vong do Covid-19, Thủ tướng Pedro Sanchez ngày 28/3 thông báo, nước này sẽ triển khai các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt hơn để buộc những người lao động làm việc trong ngành không thiết yếu phải ở nhà trong hai tuần tới. Nội các Tây Ban Nha thông qua biện pháp này trong cuộc họp sáng 29/3 và sẽ cho triển khai từ ngày 30/3 đến 9/4.

Trong bài phát biểu được phát sóng toàn quốc, ông Sanchez nhấn mạnh, quyết định nêu trên sẽ giúp Tây Ban Nha giảm đáng kể số ca mắc Covid-19 và trong vài ngày tới, nước này sẽ tiến hành một “nỗ lực tập thể mạnh mẽ”. Ông Sanchez cũng hối thúc EU hành động và có “một chiến lược thống nhất về kinh tế - xã hội”. Thủ tướng Tây Ban Nha kêu gọi EU phát hành các trái phiếu phục hồi và ông cho rằng các nước thành viên phải cùng chia sẻ gánh nặng nợ công nhằm đối phó dịch bệnh.

Khi chuẩn bị bước vào tuần thứ ba trong tình trạng phong tỏa, Tây Ban Nha, ổ dịch lớn thứ hai tại châu Âu, đã ghi nhận hơn 73 nghìn ca bệnh và gần 6.000 ca tử vong. Hệ thống bệnh viện và nhà tang lễ của nước này đang phải chịu áp lực lớn. Người đứng đầu cơ quan ứng phó tình trạng y tế khẩn cấp Tây Ban Nha Fernando Simon nhận định, diễn biến dịch bệnh tại một số khu vực chuẩn bị đạt đỉnh điểm nhưng nước này vẫn đang thiếu giường bệnh phục vụ bệnh nhân cần được điều trị tích cực.

New York (Mỹ) hoãn vòng bỏ phiếu sơ bộ của cuộc bầu cử tổng thống

Thống đốc bang New York, ông Andrew Cuomo, ngày 28/3, thông báo lùi thời điểm tiến hành vòng bỏ phiếu sơ bộ của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 tại bang này từ ngày 28/4 sang ngày 23/6 do diễn biến phức tạp của Covid-19.

10 bang khác của Mỹ, gồm cả vùng lãnh thổ hải ngoại Puerto Rico, đã thông báo hoãn tiến hành các cuộc bầu cử sơ bộ. Một số bang khác chuyển đổi hình thức bỏ phiếu qua thư tín.

New York đang là tâm dịch tại Mỹ với số ca tử vong chiếm khoảng 1/3 tổng số ca trên cả nước (728 ca). Đến nay, Mỹ đã ghi nhận hơn 123 nghìn ca nhiễm và hơn 2.200 ca tử vong do virus SARS-CoV-2

Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố việc phong tỏa New York nhằm hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 là "không cần thiết" và ông đã yêu cầu các quan chức y tế liên bang ban bố một “khuyến cáo đi lại đủ mạnh” để thay thế cho lệnh phong tỏa.

Trên tài khoản Twitter, ông Trump cho rằng, khuyến cáo này sẽ do chính quyền bang New York, New Jersey và Connecticut thực thi trên cơ sở tham vấn với chính phủ liên bang. Việc phong tỏa là không cần thiết và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ sẽ cung cấp thông tin chi tiết vào tối cùng ngày.

Trước đó, Tổng thống Trump cho biết, ông đang cân nhắc biện pháp cách ly bắt buộc đối với các bang New York, New Jersey và Connecticut nhằm làm chậm sự lây lan COVID-19.

 

PV (Theo Báo Nhân dân)