Quy định mới về trích chuyển dữ liệu điện tử trong quản lý và thanh toán chi phí KCB BHYT
05/01/2018 02:13 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 48/2017/TT-BYT quy định trích chuyển dữ liệu điện tử trong quản lý và thanh toán chi phí KCB BHYT. Thông tư quy định về dữ liệu điện tử, định dạng dữ liệu điện tử, trình tự, phương thức, thời điểm chuyển dữ liệu điện tử và phản hồi việc tiếp nhận dữ liệu điện tử phục vụ quản lý và giám định, thanh toán chi phí KCB BHYT.
Được lựa chọn 1 trong 4 phương thức chuyển dữ liệu điện tử
Dữ liệu điện tử sử dụng trong quản lý và giám định, thanh toán chi phí KCB BHYT bao gồm: Dữ liệu đầu vào và dữ liệu đầu ra. Các dữ liệu được xây dựng trên cơ sở đảm bảo đúng quy định của Bộ mã danh mục dùng chung do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, đáp ứng được việc kết nối, liên thông dữ liệu điện tử để phục vụ quản lý và giám định, thanh toán chi phí KCB BHYT. Định dạng dữ liệu điện tử: Sử dụng ngôn ngữ XML để định dạng dữ liệu điện tử; sử dụng bảng mã UTF-8 để biểu diễn các chữ cái trong bộ ký tự Unicode; Mỗi file XML có thể chứa một hoặc nhiều hồ sơ khám bệnh, chữa bệnh BHYT, trong đó mỗi hồ sơ có thông tin của một đợt khám bệnh, chữa bệnh của người bệnh, bao gồm cả trường hợp người bệnh có hai thẻ bảo hiểm tế trở lên trong một đợt khám bệnh, chữa bệnh
Thông tư cũng nêu rõ, các cơ sở KCB được lựa chọn 1 trong 4 phương thức chuyển dữ liệu điện tử (kết nối bằng web service; đồng bộ từ phần mềm máy trạm; nhập dữ liệu trực tiếp; truyền file FTP), nhưng phải bảo đảm tính chính xác của dữ liệu và có cùng kết quả của dữ liệu đầu ra.
Về trình tự gửi dữ liệu điện tử để phục vụ quản lý KCB BHYT, Thông tư yêu cầu cơ sở KCB phải gửi dữ liệu điện tử lên Cổng tiếp nhận dữ liệu của Hệ thống thông tin giám định BHYT của BHXH Việt Nam ngay sau khi kết thúc lần khám bệnh hoặc kết thúc đợt điều trị ngoại trú hoặc kết thúc đợt điều trị nội trú đối với người bệnh. Các cơ sở này không phải thực hiện xác thực việc chuyển dữ liệu điện tử. Về trách nhiệm của Cổng thông tin giám định BHYT là phải phản hồi thông tin kiểm tra tình trạng, thông tin thẻ BHYT và lịch sử KCB của người đến KCB; đồng thời có trách nhiệm thông báo để cơ sở KCB biết việc đã tiếp nhận được dữ liệu điện tử được gửi lên Cổng.
Với trình tự gửi dữ liệu điện tử đề nghị giám định, thanh toán chi phí KCB BHYT, Thông tư nêu rõ, trong thời gian 7 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc KCB đối với người bệnh, cơ sở KCB phải thực hiện các nhiệm vụ sau: Kiểm tra, đối chiếu để hiệu chỉnh dữ liệu điện tử trong trường hợp dữ liệu có sai lệch so với thực tế và bổ sung các thông tin còn thiếu hoặc loại bỏ thông tin chưa phù hợp trước khi gửi dữ liệu điện tử đề nghị thanh toán chi phí KCB BHYT; xác thực dữ liệu điện tử đề nghị giám định, thanh toán chi phí KCB BHYT trước khi thực hiện gửi dữ liệu của người được giao nhiệm vụ hoặc người được ủy quyền; gửi dữ liệu điện tử đến Cổng tiếp nhận dữ liệu y tế của Bộ Y tế và Cổng thông tin giám định BHYT; gửi dữ liệu điện tử đề nghị giám định, thanh toán chi phí KCB BHYT phát sinh vào những ngày cuối tháng của tháng hoặc của quý hoặc của năm đến Cổng tiếp nhận dữ liệu y tế của Bộ Y tế và Cổng thông tin giám định BHYT trước ngày mùng 5 của tháng kế tiếp.
Về phía cơ quan BHXH, phải phản hồi cho cơ sở y tế việc đã tiếp nhận được dữ liệu điện tử đề nghị giám định, thanh toán chi phí KCB BHYT. Trong thời gian 7 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận dữ liệu, thông qua Cổng thông tin giám định BHYT, phải thông báo chi tiết kết quả giám định dữ liệu điện tử này. Trường hợp dữ liệu điện tử đề nghị thanh toán chi phí KCB BHYT bị cảnh báo hoặc bị từ chối thanh toán, hoặc vừa bị cảnh báo vừa bị từ chối giám định, thì Cổng thông tin giám định BHYT phải thông báo chi tiết các lỗi theo từng trường thông tin của mỗi bảng XML để cơ sở KCB biết, hoàn chỉnh kịp thời.
Hai trường hợp được gửi dữ liệu chậm
Thông tư quy định 2 trường hợp được gửi dữ liệu điện tử chậm so với thời gian quy định gồm: Do sự cố khách quan, bất khả kháng gây ra mà hệ thống hạ tầng kỹ thuật CNTT không đáp ứng được việc trích chuyển hoặc tiếp nhận dữ liệu điện tử; do hạ tầng kỹ thuật CNTT không đáp ứng được việc trích chuyển hoặc tiếp nhận dữ liệu điện tử do không có điện, không có đường truyền internet.
Khi có sự cố khách quan, bất khả kháng xảy ra từ phía cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gửi dữ liệu điện tử hoặc từ phía cơ quan tiếp nhận dữ liệu điện tử thì bên xảy ra sự cố có trách nhiệm thông báo ngay cho phía bên kia biết nguyên nhân gây ra sự cố. Việc thông báo được thực hiện bằng điện thoại hoặc thư điện tử (e-mail) hoặc bằng văn bản. Dữ liệu điện tử tiếp tục được gửi, nhận ngay sau khi sự cố đã được sửa chữa, khắc phục. Trường hợp do hạ tầng kỹ thuật CNTT không đáp ứng được việc trích chuyển hoặc tiếp nhận dữ liệu điện tử do không có điện, không có đường truyền internet thì việc sử dụng hình thức, thời gian gửi dữ liệu điện tử do Thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và thủ trưởng cơ quan BHXH ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó quyết định và phải được ghi rõ trong hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT, đồng thời thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và thủ trưởng cơ quan BHXH có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản với cơ quan quản lý trực tiếp.
Bảo mật và quản lý dữ liệu
Việc gửi, truyền, tiếp nhận, phản hồi, trao đổi và quản lý dữ liệu điện tử quy định tại Thông tư này phải được bảo mật và quản lý theo các quy định của pháp luật về công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng, khám bệnh, chữa bệnh và các quy định khác của pháp luật. Ngoài ra, các cơ quan, chức, cá nhân tham gia việc gửi, truyền, tiếp nhận, phản hồi, trao đổi và quản dữ liệu điện tử có trách nhiệm: Bảo đảm an toàn, bảo mật, chính xác, toàn vẹn của dữ liệu điện tử và sử dụng dữ liệu điện tử trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện các biện pháp kỹ thuật cần thiết để bảo đảm tính xác thực của dữ liệu, tính bảo mật, an toàn của hệ thống; Tuân thủ các quy định của pháp luật và thủ tục về bảo đảm tính riêng tư của thông tin y tế trên môi trường mạng.
Thông tư này có hiệu lực từ 1/3/2018.
Hiện tại, các cơ sở KCB do điều kiện khách quan mà chưa thể thực hiện việc kết nối với Cổng tiếp nhận dữ liệu y tế của Bộ Y tế và Cổng thông tin giám định BHYT, thì chưa phải áp dụng quy định tại Thông tư này.
Thông tư cũng yêu cầu, việc gửi, truyền, tiếp nhận, phản hồi, trao đổi và quản lý các dữ liệu điện tử này phải được bảo mật và quản lý theo các quy định của pháp luật về CNTT, an toàn thông tin mạng và thông tin KCB. Các cơ quan, tổ chức tham gia hoạt động gửi, truyền, tiếp nhận, phản hồi, trao đổi và quản lý dữ liệu điện tử có trách nhiệm bảo đảm an toàn, bảo mật, chính xác, toàn vẹn của dữ liệu điện tử và sử dụng dữ liệu trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Đồng thời, tuân thủ các quy định của pháp luật và thủ tục về bảo đảm tính riêng tư của thông tin y tế trên môi trường mạng…/.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?