Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh
16/10/2017 09:15 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đó là một trong những chỉ đạo nổi bật tại Nghị quyết số 106/NQ-CP Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2017.
Nguồn ảnh: Internet.
Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2017; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, Nghị quyết nêu rõ: Với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Tăng trưởng kinh tế tăng dần qua các quý; quý III đạt mức tăng bứt phá 7,46%; tính chung 9 tháng đạt 6,41%, cao hơn cùng kỳ; chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế từng bước được nâng lên, giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; tín dụng đối với nền kinh tế tăng gần 12%; mặt bằng lãi suất cho vay giảm dần; tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại hối tăng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức: Khu vực công nghiệp, xây dựng tăng thấp hơn cùng kỳ. Số doanh nghiệp tạm dừng và chấm dứt hoạt động có xu hướng tăng. Thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp. Dịch sốt xuất huyết, chân tay miệng diễn biến phức tạp; Tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Do vậy, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, chủ động, quyết liệt hành động, tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; phấn đấu hoàn thành thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2017.
Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi sát tình hình trong nước và quốc tế, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng. Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ; phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn tín dụng để phát triển sản xuất kinh doanh. Thực hiện quyết liệt, cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém; triển khai hiệu quả Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương điều chỉnh theo thẩm quyền và đề xuất cơ quan có thẩm quyền phương án điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2017 giữa các chương trình, giữa bộ, ngành, địa phương. Đối với trường hợp giải ngân chậm, kiên quyết cắt giảm và điều chuyển vốn để thực hiện nhiệm vụ cấp bách khác theo quy định.
Nghị quyết nêu rõ, Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường; xây dựng hệ thống thông tin thị trường; phổ biến, hướng dẫn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tranh thủ lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, nhất là quy trình thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ. Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao có các biện pháp ứng phó với rào cản thương mại tại các thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các chương trình thúc đẩy tiêu dùng và phát triển thị trường trong nước; tăng cường phối hợp quản lý thị trường, nhất là dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Nghiên cứu áp dụng các biện pháp bảo vệ thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế. Kiểm soát chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu tiểu ngạch và các hoạt động tạm nhập, tái xuất, nhất là những mặt hàng trong nước đã sản xuất được và không khuyến khích nhập khẩu.
Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp, bảo đảm tăng trưởng khu vực nông nghiệp đạt 3,05%. Chủ động theo dõi diễn biến thời tiết, có phương án phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại. Hướng dẫn các địa phương thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Kiểm soát chặt chẽ chất lượng giống, vật tư nông nghiệp. Phối hợp với Bộ Công Thương tìm kiếm thị trường mới, thúc đẩy xuất khẩu một số mặt hàng nông sản có tiềm năng, lợi thế của Việt Nam.
Bộ Y tế tập trung xử lý triệt để dịch sốt xuất huyết, chân tay miệng không để dịch bệnh bùng phát trở lại. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh. Kiểm soát chặt chẽ hệ thống phân phối thuốc, tích cực thực hiện các giải pháp giảm giá thuốc cho người bệnh.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ cần xác định công tác phối hợp chuẩn bị phục vụ kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV là nhiệm vụ ưu tiên; chủ động và kịp thời chuẩn bị các tài liệu theo phân công và gửi Quốc hội theo quy định, bảo đảm Chính phủ không nợ bất cứ tài liệu nào tại thời điểm Quốc hội khai mạc. Theo dõi sát diễn biến kỳ họp, những vấn đề dư luận, cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm để chuẩn bị giải trình, trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội theo yêu cầu. Cung cấp đầy đủ thông tin cho báo chí về những vấn đề Đại biểu Quốc hội và dư luận xã hội quan tâm thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách.
Giao Văn phòng Chính phủ rà soát, đôn đốc các công việc phối hợp chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Sắp xếp phù hợp lịch làm việc của Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ để tham dự các hoạt động của kỳ họp.
Chính phủ thống nhất với kiến nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc điều chỉnh thời gian bắt đầu thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới trên phạm vi toàn quốc theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp học như sau: Cấp tiểu học từ năm học 2019 - 2020; cấp trung học cơ sở từ năm học 2020 - 2021; cấp trung học phổ thông từ năm học 2021 - 2022.
Giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét việc điều chỉnh thời gian thực hiện chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới./.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh tặng quà người có công, gia ...
BHXH huyện Yên Bình: Thi đua tạo động lực phát triển
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?