Giải đáp nhiều vấn đề trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT
29/08/2017 08:49 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều ngày 29/8, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT tháng 8/2017. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn chủ trì Hội nghị.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn phát biểu tại Hội nghị
Tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo Vụ Báo chí – Xuất bản, Vụ Tuyên truyền (Ban Tuyên giáo Trung ương); Bộ Y tế; Bộ LĐ-TB&XH; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Bộ Thông tin – Truyền thông đại diện lãnh đạo một số Vụ, đơn vị của BHXH Việt Nam; cùng gần 100 phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội.
Đáp ứng được yêu cầu trong công tác quản lý
Tại Hội nghị, ông Vũ Mạnh Chữ - Phó Trưởng Ban Thu, BHXH Việt Nam cho biết, quy trình thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT theo Quyết định 595/QĐ-BHXH đáp ứng được yêu cầu trong công tác quản lý hiện tại và tương lai. Cụ thể, quy trình hướng dẫn đầy đủ quy định của pháp luật về tham gia, đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, BH tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT. Quy trình được xây dựng trên cơ sở dữ liệu tập trung, lấy dữ liệu hộ gia đình làm trung tâm và kết nối liên thông với dữ liệu đóng, hưởng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, BH tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Quy trình yêu cầu phải xác định được mã số BHXH của người tham gia trước khi đưa thông tin người tham gia vào phần mềm quản lý để làm căn cứ thu; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT. Đồng thời, quy định số sổ BHXH, số thẻ BHYT thống nhất lấy theo mã số BHXH.
Quy trình quy định việc xử lý, phân tích, kết nối dữ liệu thuế để làm căn cứ xác định số người, số tiền tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, BH tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; theo quy định của pháp luật và quy định rõ trách nhiệm của các phòng thuộc BHXH tỉnh, tổ thuộc BHXH huyện trong việc phát triển đối tượng tham gia, đôn đốc thu hồi nợ và tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra.
Quy trình đã rút ngắn thời gian, thủ tục đối với đơn vị, người tham gia khi đăng ký đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Hệ thống biểu mẫu về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, BH tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT được chuẩn hóa, đơn giản các chỉ tiêu, mẫu biểu để phục vụ giao dịch điện tử và thuận tiện trong việc kê khai của đơn vị và người dân.
Ông Vũ Mạnh Chữ - Phó Trưởng Ban Thu, BHXH Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.
Cũng theo ông Vũ Mạnh Chữ, quy trình thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT có nhiều điểm mới so với quy định trước đây nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị, doanh nghiệp và người tham gia khi tham gia BHXH, BHYT.
Về thủ tục, hồ sơ, đã cắt giảm từ 09 thủ tục hành chính theo quy định hiện hành xuống còn 05 thủ tục hành chính (giảm 04 thủ tục); rút ngắn thời gian cấp sổ BHXH, thẻ BHYT xuống còn 05 ngày; cấp lại sổ BHXH do thay đổi họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính, dân tộc; quốc tịch; sổ BHXH do mất, hỏng; cộng nối thời gian nhưng không phải đóng BHXH hoặc gộp sổ BHXH xuống còn 10 ngày. Trong cấp lại, đổi thẻ BHYT mà không thay đổi thông tin: không quá 02 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định; từ ngày 01/01/2019 trở đi: trong ngày; thay đổi thông tin: không quá 03 ngày. Đặc biệt, đối với người tham gia đang điều trị tại các cơ sở KCB sẽ được thực hiện trong ngày. Hằng năm, người lao động được thông báo tình hình đóng BHXH, BHYT, BHTN thông qua niêm yết công khai tại đơn vị.
Đảm bảo quyền lợi cho người đi khám chữa bệnh BHYT
Ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban phụ trách Ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết, trong 6 tháng đầu năm, chi khám chữa bệnh là 41.283 tỷ đồng, chiếm 59,5% quỹ được sử dụng trong năm 2017, vượt 6.500 tỷ đồng so với dự toán chi 6 tháng của BHXH Việt Nam.
Theo ông Phúc, tốc độ gia tăng chi phí 6 tháng đầu năm 2017 rất lớn, bằng 30% so với cùng kỳ năm 2016. Nhiều địa phương đã sử dụng hết 70%, thậm chí 90% quỹ khám chữa bệnh BHYT cả năm của tỉnh như Quảng Nam, Quảng Trị.
Tiếp tục chia sẻ mối lo ngại về mức độ sử dụng quỹ KCB BHYT vượt quá khả năng chi trả của quỹ, ông Lê Văn Phúc nhấn mạnh: Trong điều kiện mức đóng không tăng, nếu chính sách BHYT giữ ổn định như hiện nay, với mức chi tiêu này, dự kiến mỗi năm quỹ BHYT phải bù 10.000 tỷ đồng cho chi KCB BHYT. Đến năm 2020 sẽ sử dụng hết nguồn dự phòng để cân đối quỹ.
Còn nếu các điều chỉnh chính sách theo hướng đang được xây dựng (sửa đổi Nghị định 105, mở rộng danh mục thuốc, chi trả ARV, thuốc lao, điều chỉnh giá dịch vụ y tế có kết cấu CNTT và khấu hao trang thiết bị, tài sản cố định…), chi phí sẽ còn tăng cao hơn nhiều lần, dự kiến đến 2020 sẽ thiếu hụt khoảng 100.000 tỷ đồng.
Ông Lê Văn Phúc - Phó Trưởng ban phụ trách Ban thực hiện chính sách BHYT phát biểu tại Hội nghị.
Đề cập đến thực trạng lạm dụng quỹ BHYT ngày càng tinh vi và trầm trọng, ông Lê Văn Phúc cũng chỉ rõ: Theo nguyên tắc, cơ sở KCB sử dụng vượt trần quỹ KCB BHYT được giao sẽ phải giải trình về lý do tăng hợp lý để cơ quan BHXH xem xét, làm căn cứ thanh toán. Tuy nhiên, trong năm 2016, khi quỹ BHYT bội chi khoảng 7.590 tỷ đồng, có nhiều đơn vị có mức chi tăng đột biến đã không giải trình được phần chi này. Kết quả kiểm tra của BHXH Việt Nam vừa qua phát hiện một số bệnh viện (BV)như BV phục hồi chức năng, y học cổ truyền tại Nghệ An chỉ định 100% bệnh nhân đến khám bệnh vào điều trị nội trú…
Cũng tại hội nghị, ông Đàm Hiếu Trung - Phó Giám đốc Trung tâm giám định BHYT và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc đã dẫn chứng một vài trường hợp đi khám chữa bệnh nhiều lần trong một ngày - một trong những nguyên nhân dẫn đến bội chi quỹ BHYT.
Theo đó, qua Hệ thống thông tin giám định BHYT đã phát hiện bệnh nhân Tiền Văn B. (mã thẻ BT2950100800533) đã khám, chữa bệnh (KCB) 132 lượt tại 7 cơ sở y tế trong 8 tháng đầu năm, số tiền 30.367.033 đồng. Cụ thể, trong tháng 1 bệnh nhân đi khám 8 lần trong đó ngày 3/1/2017 bệnh nhân khám tại 3 cơ sở KCB (trạm y tế phường 3, BV quân dân y tỉnh Bạc Liêu, Trung tâm y tế TP Bạc Liêu), ngày 13/1/2017, 23/1/2017 bệnh nhân đi khám tại 2 cơ sở KCB (BV quân dân y tỉnh Bạc Liêu, Trung tâm y tế TP Bạc Liêu). Trong tháng 3 bệnh nhân đi khám 17 lần trong đó ngày 23/3/2017, 30/3/2017 khám tại 2 cơ sở KCB (BV quân dân y tỉnh Bạc Liêu, Trung tâm y tế TP Bạc Liêu). Trong 12 lần KCB bệnh nhân được cấp trùng thuốc Methyl prednisolone trong đợt khám ngày 1/2/2017 và 3/2/2017, 8/2/2017, 20/2/2017 và 21/2/2017; thuốc Omeprazol, Esomeprazole 40, Omemac-20, Esomez trong đợt khám ngày 4/2/2017, 8/2/2017, 14/2/2017; thuốc Paracetamol 650mg, Hapacol 650 trong đợt khám ngày 10/2/2017 và 14/2/2017; thuốc Klamentin 1g trong đợt khám ngày 21/2/2017 và 25/2/2017 và 28/2/2017.
Trường hợp thứ 2 bị phát hiện là bệnh nhân Đoàn Công T. (mã thẻ GD4750103400040). Bệnh nhân T. đã KCB 70 lần tại 7 cơ sở y tế khác nhau với số tiền 79.689.988 đồng. Trong đó có 9 ngày bệnh nhân KCB có chi phí tại 2 cơ sở khác nhau: ngày 14/2, 7/4,11/4, 8/5, 9/5, 16/5, 18/5, 8/6, 14/6; nhiều lần khám cấp thuốc nhóm thuốc tim mạch, mỡ máu, tiểu đường có giá trị cao, như: Nexium Mups, NovoMix, Crestor… nhiều nhất tại: BV đa khoa tỉnh Đồng Nai; Công ty cổ phần BV Quốc tế Đồng Nai; BV Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh; Công ty cổ phần BV quốc tế chấn thương chỉnh hình Sài Gòn - Đồng Nai.
Ông Đàm Hiếu Trung cho biết, đối với các trường hợp nêu trên, BHXH Việt Nam đã yêu cầu các tỉnh, thành phố thực hiện giám định trực tiếp theo đúng qui trình giám định, thu hồi các khoản chi không đúng qui định và công khai trên trang/cổng thông tin điện tử của địa phương.
Toàn cảnh hội nghị
Hội nghị cũng thông tin một số hoạt động của ngành BHXH đang được quan tâm như kết quả thực hiện BHYT HSSV năm học 2016- 2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018; Tình hình quản lý và sử dụng quỹ BHYT.
Tại Hội nghị, đại diện của BHXH Việt Nam, Bộ Y tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng giải đáp những băn khoăn của các cơ quan báo chí trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT hiện nay như: định hướng sử dụng biệt dược gốc trong điều trị cho bệnh nhân BHYT, các giải pháp chống lạm dụng quỹ KCB BHYT, hệ thống giám định BHYT điện tử…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn khẳng định: Quỹ BHYT không cắt giảm quyền lợi của người tham gia, luôn đảm bảo mức chi tối đa hợp lý, hợp pháp cho các trường hợp thực sự cần điều trị. Tuy nhiên, chúng ta không thể chấp nhận những chi phí bất hợp lý, lãng phí nguồn tài chính quan trọng này, cụ thể như chỉ định điều trị nội trú để tăng tiền ngày giường, chi phí điều trị, chỉ định cận lâm sàng không cần thiết, sử dụng biệt dược gốc đắt tiền lan tràn, không hợp lý cả với mức độ bệnh và phạm vi hoạt động của cơ sở y tế làm tăng chi trong khi nguồn quỹ có hạn…
Theo Luật BHYT, trách nhiệm quản lý quỹ BHYT không chỉ thuộc về cơ quan BHXH, mà còn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị như các Bộ ngành, chính quyền địa phương, và cả cơ sở KCB. Vì vậy, cần cả hệ thống chính trị vào cuộc để tăng cường quản lý, sử dụng quỹ BHYT nhằm ổn định chính sách an sinh xã hội của Việt Nam./.
Tú Anh
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?