Tỷ lệ và giá trị sử dụng thuốc sản xuất trong nước tăng dần qua từng năm
06/08/2019 04:31 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Hội nghị tổng kết toàn quốc 10 năm Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vừa diễn ra ngày 02/8/2019 tại Hà Nội. Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết tỷ lệ giá trị và số lượng thuốc sản xuất trong nước sử dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã tăng dần qua từng năm.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị tổng kết toàn quốc 10 năm Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị tại Thông báo số 264-TB/TW ngày 31/7/2009 về tổ chức Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 17/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động, Ngành Y tế đã phát động triển khai Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” gắn liền với nhiệm vụ chuyên môn của ngành Y tế là chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân
Về công tác chỉ đạo triển khai cuộc vận động, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” do Bộ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng ban, cùng với sự tham gia của đại diện các Ban Bộ Ngành TW, đại diện các đơn vị chuyên môn y tế, các cơ quan truyền thông đại chúng. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” để góp phần tăng tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước có chất lượng, thúc đẩy ngành sản xuất, kinh doanh dược Việt Nam phát triển, đáp ứng cơ bản nhu cầu thuốc phòng bệnh, chữa bệnh trong nước, tiến tới xuất khẩu.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, để việc triển khai Đề án đạt được hiệu quả cao, ngành y tế đã tập trung vào 3 nội dung, nhiệm vụ trọng tâm như: Xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách khuyến khích phát triển sản xuất thuốc trong nước; Đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông về Đề án; Tăng cường đầu tư nghiên cứu phát triển, tiếp nhận chuyển giao công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng thuốc sản xuất trong nước. Với việc triển khai đồng bộ 3 nội dung, nhiệm vụ trọng tâm nêu trên, sau 10 năm triển khai Cuộc vận động, Ngành Y tế đã đạt được một số kết quả như nhận thức của nhân viên y tế đã có những sự thay đổi, người dân đã tin tưởng hơn vào thuốc trong nước sản xuất.
Theo đó, hệ thống văn bản quy phạm phát luật ngày càng hoàn thiện, nhiều quy định để ưu tiên khuyến khích phát triển ngành công nghiệp dược trong nước như: Luật Đấu thầu năm 2013, Luật Dược năm 2016 đã quy định danh mục không chào thầu thuốc nhập khẩu trên cơ sở nhóm tiêu chí kỹ thuật khi thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp.
Tỷ lệ và giá trị sử dụng thuốc sản xuất trong nước tăng dần qua từng năm. Ảnh minh họa, nguồn Internet
Về phía Bộ Y tế cũng đã đã ban hành các Thông tư (Thông tư 01/2012, Thông tư 11/2012, Thông tư 36/2013, Thông tư 15/2019) quy định một nhóm thầu riêng cho các thuốc trong nước sản xuất trên dây chuyền đạt WHO-GMP để khuyến khích sản xuất, sử dụng thuốc trong nước. Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 03 ngày 28/3/2019 về danh mục thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp tăng 7 lần từ 146 thuốc (năm 2016) lên 640 thuốc (năm 2019) sản xuất trong nước, không chào thầu thuốc nhập khẩu….
Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở sản xuất thuốc trong nước ngày càng hoàn thiện, hiện đại. Cả nước đã có 198 nhà máy sản xuất thuốc đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt sản xuất thuốc - WHO-GMP; 11 nhà máy đã đạt tiêu chuẩn GMP của các nước EU, Nhật Bản, Mỹ... Chất lượng thuốc sản xuất trong nước ngày càng cao và được nhân dân tin dùng. Tính đến nay đã có 652 thuốc trong nước có tài liệu chứng minh tương đương sinh học với thuốc biệt dược gốc, thuốc phát minh. Nhiều sản phẩm thuốc Việt được xuất khẩu sản phẩm ra khu vực ASEAN và các nước châu Âu như Nga, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha.
Đồng thời, Bộ Y tế đã tổ chức nhiều chương trình để quảng bá, tuyên truyền cho thuốc sản xuất trong nước, như chương trình Ngôi sao thuốc Việt lần 1 (năm 2014) đã bình chọn và vinh danh cho 62 sản phẩm và 30 doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước, và đang tiếp tiếp tục tổ chức chương trình Ngôi sao thuốc Việt lần 2.
Qua thực hiện đồng bộ các giải pháp, tỷ lệ giá trị và số lượng thuốc sản xuất trong nước sử dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã tăng dần qua từng năm. Theo báo cáo của các Sở Y tế, tỷ lệ trung bình giá trị thuốc sản xuất trong nước sử dụng tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh và tuyến huyện có sự tăng nhanh qua các năm, từ mức 46,62% năm 2013 tăng lên 63,53% năm 2018. Trong đó, riêng tuyến tỉnh tăng từ 34,1% (năm 2013) lên 57,0% (năm 2018), vượt mức mục tiêu đề ra năm 2020 là 50%; đối với tuyến huyện đạt 76,62% năm 2018 vượt mức mục tiêu đến năm 2020 là 75%.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thẳng thắn chỉ ra, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai Đề án vẫn còn một số hạn chế cần rút kinh nghiệm trong thời gian tới như: Tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước tại một số bệnh viện tuyến TW còn thấp; Chưa có nhiều các hoạt động xúc tiến, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất dược trong phân phối, tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường.
Để việc triển khai Cuộc vận động nói chung và Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” đạt kết quả cao hơn nữa, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề xuất một số giải pháp như: Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh và có những giải pháp để nâng tầm Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng; đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam tăng cường kiểm tra, giám sát, đề xuất với Đảng và Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách để thúc đẩy sản xuất trong nước và khuyến khích kinh doanh, sử dụng hàng Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo; Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc TW tiếp tục quan tâm chỉ đạo Sở Y tế, các Sở, ngành có liên quan và các cơ sở khám chữa bệnh triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”; Có cơ chế chính sách ưu tiên, khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà máy sản xuất dược phẩm, nguyên liệu làm thuốc và phát triển các vùng nuôi trồng dược liệu trên địa bàn tỉnh/thành phố…
TB
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH tỉnh Cà Mau quyết tâm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ công ...
BHXH tỉnh Quảng Nam hoàn thành chi trả lương hưu, trợ cấp ...
BHXH Việt Nam đề nghị các ngân hàng hỗ trợ người hưởng ...
Triển khai Chỉ thị 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh ...
Hội nghị tổng kết công tác công đoàn năm 2024 và phương ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?