Họp báo công bố 9 luật được Quốc hội thông qua
13/12/2018 04:04 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Vừa qua, tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Chu Văn Yêm chính thức thông báo Lệnh của Chủ tịch nước công bố 9 Luật đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 6.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch Nước Chu Văn Yêm chủ trì cuộc họp báo.
Cụ thể ngày 29/11/2018, Chủ tịch nước đã ký ban hành Lệnh số 08 công bố Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước; ngày 03/12/2018, Chủ tịch nước đã ký Lệnh số 09, 10, 11, 12, 13 công bố 05 Luật, gồm: Luật Đặc xá, Luật Trồng trọt; Luật Chăn nuôi, Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; ngày 04/12/2018, Chủ tịch nước đã ký ban hành các Lệnh số 14, 15, 16 công bố 03 luật, gồm: Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch.
Tại cuộc họp báo, lãnh đạo các Bộ: Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Công an, Giáo dục và Đào tạo, Quốc phòng và Thanh tra Chính phủ đã thông tin những điểm quan trọng của các Luật này.
Toàn cảnh buổi họp báo công bố các điều Luật được Quốc hội thông qua.
Phó Tổng thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh giới thiệu nội dung cơ bản Luật Phòng, chống tham nhũng. Theo đó, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2019, gồm 10 chương, 96 điều, quy định về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Trình bày tóm tắt Luật Trồng trọt và Luật Chăn nuôi, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến thông tin: Luật Trồng trọt có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020, gồm 7 chương, 85 điều quy định về giống cây trồng, phân bón, canh tác, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến, thương mại và quản lý chất lượng sản phẩm giống cây trồng. Luật Chăn nuôi có hiệu lực từ ngày 01/01/2020, gồm 8 chương, 83 điều, quy định về hoạt động chăn nuôi, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động chăn nuôi, quản lý nhà nước về chăn nuôi.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh trình bày tóm tắt Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch. Thứ trưởng Lê Quang Mạnh cho biết, để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về quy hoạch sau khi Luật Quy hoạch được thông qua, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch. Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV tiếp tục xem xét và thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch, bảo đảm quy định của các luật có liên quan thống nhất, đồng bộ với Luật Quy hoạch và có hiệu lực đồng thời từ ngày 01/01/2019 để tránh tạo ra khoảng trống pháp lý, xung đột, vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch. Trong đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch được xây dựng trên quan điểm lấy Luật Quy hoạch làm gốc.
Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an trình bày tóm tắt nội dung cơ bản của Luật Công an nhân dân, Luật Đặc xá và Luật Bí mật nhà nước. Theo đó, Luật Công an nhân dân năm 2018 có hiệu lực từ ngày 01/07/2019, gồm 07 chương, 46 điều, so với Luật Công an nhân dân năm 2014 tăng 01 điều, sửa đổi, bổ sung 40 điều. Luật đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 22 ngày 15/03/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm; khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật Công an nhân dân năm 2014; đảm bảo thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam.
Trình bày nội dung cơ bản Luật Đặc xá, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn cho biết, luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2019, gồm 6 chương, 39 điều, so với Luật Đặc xá năm 2007 đã tăng 03 điều, sửa đổi bổ sung 34 điều.
Luật Bảo vệ bí mật nhà nước gồm 05 chương, 28 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2020, có các quy định liên quan đến lập, thẩm định, ban hành danh mục bí mật nhà nước, thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước, gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019. Luật Bảo vệ bí mật nhà nước được xây dựng trên cơ sở kế thừa những quy định còn nguyên giá trị của Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2000 và bổ sung những quy định mới phù hợp với thực tiễn bảo vệ bí mật nhà nước trong tình hình mới.
Trình bày tóm tắt nội dung Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2019, gồm 8 chương, 41 điều. Luật quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; chế độ, chính sách đối với Cảnh sát biển Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.Việc Quốc hội ban hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam thể hiện tuyên bố mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước ta về quyết tâm bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển bằng các biện pháp pháp luật, hòa bình, phù hợp với pháp luật quốc tế.
Cũng tại buổi họp báo, đại diện các bộ, ban ngành đã giải đáp một số câu hỏi của phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí liên quan đến các quy định và việc thực thi trong Luật Phòng chống tham nhũng và Luật Bảo vệ bí mật nhà nước./.
Quyết Thắng
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?