Hoạt động của ACW: Góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và tăng cường quyền năng cho phụ nữ
24/10/2018 11:01 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong hai ngày 23-24/10/2018, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TBXH phối hợp với Ban Thư ký ASEAN tổ chức cuộc họp Ủy ban Phụ nữ ASEAN (ACW) lần thứ 17. Đây là cuộc họp định kỳ hàng năm của ACWC, với sự tham gia của 10 Trưởng/Đầu mối phụ trách ACW và đoàn đại biểu đến từ 10 nước thành viên ASEAN và Ban Thư ký ASEAN.
Đại diện của các nước thành viên ASEAN chụp ảnh kỷ niệm tại sự kiện.
Cuộc họp là một trong những hoạt động của Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN (AMMW) lần thứ 3 sẽ diễn ra vào cuối tuần này tại Việt Nam, thu hút sự tham gia của đông đảo các quan chức nữ ASEAN.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, trong những năm qua, Ủy ban Phụ nữ ASEAN đã thực sự góp phần thiết thực vào việc nâng cao vị thế của phụ nữ, tăng cường bình đẳng giới trong khu vực. Các cam kết, ưu tiên của ASEAN trong lĩnh vực an sinh xã hội, phụ nữ và bình đẳng giới ngày càng được chú trọng và đẩy mạnh thực hiện. Điển hình là một số Tuyên bố, văn kiện đã được thông qua như: Tuyên bố ASEAN về Tăng cường an sinh xã hội; Tuyên bố ASEAN về phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và phòng, chống bạo lực đối với trẻ em năm 2013; Khuôn khổ và Kế hoạch hành động thực hiện Tuyên bố ASEAN về tăng cường an sinh xã hội; Kế hoạch hành động khu vực về phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ; Kế hoạch hành động về phòng, chống bạo lực đối với trẻ em năm 2015. Nhờ cam kết của các nước, ASEAN đã đạt được những thành tựu tích cực trong thực hiện các ưu tiên của ASEAN liên quan đến vấn đề của phụ nữ ở những cấp độ khác nhau về đời sống chính trị, kinh tế và xã hội, qua đó, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và tăng cường quyền năng cho phụ nữ.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu khai mạc cuộc họp.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cũng nhận định, hiện trong ASEAN vẫn còn một số chính sách bất cập, khiến phụ nữ gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội. Tỷ lệ phụ nữ làm việc tại khu vực phi chính thức còn cao, có mức thu nhập thấp hơn nam giới. Bất bình đẳng giới vẫn còn và có nguy cơ đẩy lùi sự phát triển của châu Á nói chung và ASEAN nói riêng.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, tại Việt Nam, định kiến giới và những thách thức về bình đẳng giới vẫn còn tồn tại. Điều này dẫn tới việc phụ nữ bị hạn chế tham gia vào thị trường lao động. Rất nhiều phụ nữ bị trả công thấp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế phi chính thức và thiếu cơ hội được tiếp cận vào hệ thống an sinh xã hội. Theo đó, các chính sách và chương trình an sinh xã hội cần phải được xem xét các yếu tố về giới, kể cả các dịch vụ xã hội dành cho đối tượng đặc thù như nạn nhân bị bạo lực tình dục hoặc mua bán người. Mặt khác, trong bối cảnh tốc độ già hóa dân số của khu vực ngày càng nhanh, với số lượng phụ nữ sống thọ hơn nam giới, bước vào tuổi già không nơi nương tựa thì những vấn đề về an sinh xã hội cho phụ nữ cao tuổi cũng là những nội dung cần phải được các nước thành viên chú trọng.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cũng chia sẻ, Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN lần thứ 3 với chủ đề “An sinh xã hội đối với phụ nữ và trẻ em gái hướng tới Tầm nhìn ASEAN 2025” sẽ là cơ hội để các nước chia sẻ thêm các sáng kiến và chính sách quốc gia, cũng như đề xuất các giải pháp thúc đẩy an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái, vì an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm phát huy tiềm năng của họ trong xã hội.
Tại Cuộc họp, các đại biểu được nghe báo cáo tóm tắt của Ban Thư ký ASEAN về những kết quả đạt được của Ủy ban kể từ Cuộc họp ACW lần thứ 16 và những quyết định, Tuyên bố có liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới được các Nhà Lãnh đạo ASEAN thông qua trong năm 2017.
Các đại biểu tham dự cuộc họp.
Cuộc họp ghi nhận báo cáo về kết quả triển khai và thực hiện các dự án, hoạt động, sáng kiến trong khuôn khổ Kế hoạch công tác giai đoạn 2016-2020 của Ủy ban Phụ nữ ASEAN, cũng như việc thực hiện các ưu tiên của Ủy ban về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ; tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ; xóa bỏ các dập khuôn về giới và các ngôn ngữ mang tính phân biệt về giới tính trong các tài liệu, giáo trình ở tất cả các cấp học; và lồng ghép giới trên cả 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN.
Cũng tại Cuộc họp, các đại biểu cũng xem xét khả năng phối hợp với UN Women tổ chức một cuộc thảo luận/diễn đàn bên lề của các Cuộc họp Ủy ban Địa vị phụ nữ theo chủ đề chung. Và đặc biệt, với chủ đề “An sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái hướng tới Tầm nhìn ASEAN 2025” của Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN lần này, ASEAN hy vọng sẽ phối hợp với UN Women ra mắt một ấn phẩm về an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái trong ASEAN và ra mắt trong sự kiện bên lề tại NewYork.
Đáng chú ý trong đó, dự thảo Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN lần thứ 3 và các tài liệu liên quan đã được thống nhất tại cuộc họp để báo cáo lên các Bộ trưởng xem xét, thông qua tại Hội nghị vào ngày 25/10 tới đây.
Trong khuôn khổ Cuộc họp, các đại biểu ACW cũng đã có phiên họp mở với các đối tác tiềm năng bao gồm: Liên đoàn các tổ chức phụ nữ ASEAN (ACWO), UN Women, ASEAN- USAID, nhằm cập nhật về tiến độ hợp tác và thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong tương lai./.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chúc mừng CCVC, người lao ...
BHXH Việt Nam ban hành Kế hoạch công tác thông tin, truyền ...
Truyền thông chính sách BHXH, BHYT: Tích cực, chủ động đưa ...
BHXH Việt Nam ban hành Quyết định về mẫu thông báo kết quả ...
Công tác thanh tra kiểm tra ngành BHXH Việt Nam: Đảm bảo ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?