Tập trung triển khai thực hiện các Nghị quyết Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, BHXH

22/05/2018 08:39 AM


Đây là một trong những quyết tâm của Chính phủ được thể hiện trong Báo cáo bổ sung tình hình kinh tế - xã hội vừa được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình trình bày sáng nay, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình. (Ảnh: VGP)

Tại báo cáo, Chính phủ đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong điều hành kinh tế - xã hội từ nay đến cuối năm 2018, nhằm hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra.

Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình cho biết, một trong những nhiệm vụ lớn được Chính phủ tổ chức thực hiện quyết liệt trong thời gian tới là cơ cấu lại ngân sách Nhà nước theo hướng tăng dần tỷ trọng thu nội địa, tỉ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên; bảo đảm chi an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và quốc phòng, an ninh theo dự toán. Tập trung vốn đầu tư công cho các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm. Rà soát hoàn thiện quy hoạch phát tiển kết cấu hạ tầng, ngành, lĩnh vực, bảo đảm tính kết nối đồng bộ, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Phấn đấu tỉ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP; trong đó tỉ trọng vốn đầu tư tư nhân khoảng 41%. Thu hút có chọn lọc các dự án FDI công nghệ cao, thân thiện môi trường.

Đặc biệt, Chính phủ sẽ tập trung triển khai thực hiện các Nghị quyết Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, BHXH. Nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện các dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), Pháp lệnh ưu đãi người có công (sửa đổi).

Tiếp tục thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho các hộ gia đình người có công, các chính sách an sinh xã hội, các giải pháp giảm nghèo bền vững, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai, đồng bào dân tộc thiểu số với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền. Quan tâm bố trí nguồn lực thực hiện các chính sách dân tộc. Chú trọng phát triển, nhân rộng các mô hình sáng tạo trong giảm nghèo bền vững.

Cùng với đó là tập trung củng cố y tế dự phòng, phát triển y tế cơ sở, y học gia đình. Khẩn trương đưa các bệnh viện trung ương, tuyến cuối vào hoạt động. Đẩy mạnh triển khai tự chủ bệnh viện, chuyển về địa phương theo tinh thần Nghị quyết Trung ương. Thực hiện các giải pháp duy trì mức sinh thấp hợp lý, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Nâng cao y đức và chất lượng khám chữa bệnh. Kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi bạo lực với thầy thuốc, bảo đảm an toàn trong cơ sở y tế. Mở rộng danh mục thuốc, vật tư đấu thầu tập trung; quản lý chặt chẽ thuốc, trang thiết bị y tế. Đẩy mạnh phòng chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh thuốc, thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng. Kiểm tra, giám sát hiệu quả an toàn thực phẩm, đề cao trách nhiệm của địa phương, người đứng đầu. Quản lý chặt chẽ việc sử dụng, thanh toán, chống lạm dụng quỹ BHYT.

Đồng thời, thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút nhân tài, phát triển giáo dục đào tạo vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách. Khuyến khích hợp tác giữa cơ sở đào tạo, nghiên cứu và doanh nghiệp. Hỗ trợ phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng các lĩnh vực công nghệ lõi, công nghệ nền tảng mới. Nâng cao hiệu quả xây dựng và thực thi chính sách, đưa khoa học công nghệ gắn với các chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển của các ngành, lĩnh vực và địa phương. Làm tốt công tác bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của Chính phủ, tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển văn học nghệ thuật, đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức và phát triển công nghiệp văn hóa. Bảo tồn, phát huy các giá trị, di sản văn hóa dân tộc, truyền thống tốt đẹp. Thực hiện nếp sống văn minh, trong đó có việc tang lễ, cưới hỏi. Đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động văn hoá, khuyến khích sáng tạo nghệ thuật. Thực hiện đồng bộ các giải pháp, đa dạng hóa các hình thức truyền thông, giáo dục để ngăn chặn suy thoái đạo đức, lối sống. Tăng cường phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại, đuối nước, tai nạn thương tích trẻ em. Tạo điều kiện phát triển thể thao lành mạnh, loại trừ tiêu cực. Thực hiện tốt công tác dân tộc, tôn giáo, người cao tuổi, người khuyết tật, gia đình, trẻ em, thanh thiếu niên, bình đẳng giới. Kịp thời ngăn chặn các hoạt động lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và đời sống.

Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5. (Ảnh: VGP)

Báo cáo cũng nêu rõ, Chính phủ quyết tâm triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 19/2018/NQ-CP, nhằm tạo chuyển biến rõ nét về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, nhất là các nhóm chỉ tiêu xếp hạng thấp. Cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm, thủ tục kiểm tra chuyên ngành và điều kiện đầu tư kinh doanh. Lựa chọn những lĩnh vực, vấn đề trọng tâm để tiếp tục tổ chức các hội nghị toàn quốc, thống nhất giải pháp và hành động, tạo ra những đột phá mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm mạnh thời gian và chi phí tuân thủ, nhất là về đất đai, thuế, hải quan, tín dụng, BHXH, phá sản doanh nghiệp, lý lịch tư pháp, hộ tịch.

Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả, kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa, bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4% và thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt trên 6,7%. Phấn đấu tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên. Ổn định thị trường ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước. Kiểm soát quy mô tín dụng ở mức hợp lý gắn với nâng cao chất lượng; kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao.

Song song đó, Báo cáo cũng nhấn mạnh đến việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ cao, các tập đoàn đa quốc gia gắn với phát triển doanh nghiệp trong nước và công nghiệp hỗ trợ. Hoàn thiện, thực thi hiệu quả các cơ chế, chính sách về đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Thường xuyên đối thoại, kịp thời xử lý những phản ánh và kiến nghị của doanh nghiệp, người dân, nhất là ở cấp cơ sở./.

PV