“Xây dựng một ASEAN Tự cường và Sáng tạo”
26/04/2018 01:51 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Là chủ đề Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 32 sẽ được tổ chức trong hai ngày 27 - 28.4 tại Singapore, có sự tham dự của lãnh đạo 10 nước ASEAN. Đây là Hội nghị Cấp cao đầu tiên trong năm Chủ tịch ASEAN 2018 của Singapore. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự hội nghị.
Nguồn ảnh. (Internet)
Định hướng cho tương lai
Đưa ra chủ đề của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 32, Chủ tịch ASEAN 2018 muốn thúc đẩy đoàn kết, thống nhất, nâng cao năng lực tự cường của ASEAN trước các sức ép bên ngoài cũng như ứng phó với các thách thức nảy sinh; duy trì vai trò, vị thế ở khu vực, đồng thời tích cực nắm bắt và tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, góp phần thúc đẩy tăng trưởng dựa vào sáng tạo.
Tại Hội nghị Cấp cao lần này, lãnh đạo các nước ASEAN sẽ tập trung thảo luận về: Xây dựng một ASEAN tự cường và sáng tạo; Quan hệ với các Đối tác và định hướng tương lai; Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Dự kiến tại hội nghị, các nhà lãnh đạo sẽ thông qua 3 văn kiện gồm: Tuyên bố Tầm nhìn lãnh đạo ASEAN về một ASEAN tự cường và sáng tạo; Tài liệu khái niệm thành lập Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN và Tuyên bố Lãnh đạo ASEAN về hợp tác an ninh mạng. Ngoài ra, theo thông lệ, các lãnh đạo sẽ xem xét và ghi nhận 6 báo cáo về tình hình hợp tác ASEAN do các Trụ cột và Ban Thư ký ASEAN đệ trình. Sau khi kết thúc hội nghị, Singapore sẽ ra Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị về kết quả Cấp cao ASEAN - 32.
Trong Dự thảo “Tuyên bố Tầm nhìn Lãnh đạo ASEAN vì một ASEAN tự cường và sáng tạo”, Singapore đưa ra 10 nguyên tắc cơ bản, trong đó có “thống nhất và tập trung”, “chỉ đạo dựa trên các quy định” và “nắm bắt công nghệ”, cùng 30 lĩnh vực ưu tiên đòi hỏi lãnh đạo các nước ASEAN đưa ra cam kết cụ thể. Các lĩnh vực ưu tiên bao gồm: Thúc đẩy hiệp ước dẫn độ giữa các nước ASEAN nhằm chống tội phạm xuyên quốc gia, thuyết phục Trung Quốc ký Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), thiết lập mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN hay đưa ra các sáng kiến chống khủng bố và cực đoan hóa.
Văn kiện do Singapore soạn thảo cũng đề cập đến một loạt thách thức mà các nước ASEAN đang phải đối mặt, như tình trạng không rõ ràng ngày càng tăng trong bức tranh chiến lược toàn cầu, bạo lực bắt nguồn từ chủ nghĩa cực đoan, biến đổi khí hậu và các vấn đề hàng hải. Tất cả những vấn đề được Singapore đề cập trong văn kiện dài 7 trang nhằm tạo dựng một ASEAN có sức mạnh để “đối chọi với những thách thức trên tinh thần hợp tác, thống nhất và đạt hiệu quả cao”.
Về nguyên tắc thống nhất và tập trung, văn kiện của Singapore nhấn mạnh: “ASEAN sẽ đoàn kết đối mặt với các thế lực gây chia rẽ từ bên ngoài”. Dự thảo Tuyên bố cũng tái xác nhận nguyên tắc đồng thuận trong quyết định của ASEAN và tái khẳng định nguyên tắc của ASEAN không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước.
Đòi hỏi thực tế
Không phải ngẫu nhiên nước Chủ tịch Singapore lựa chọn khẩu hiệu “Tự cường và Sáng tạo” làm phương châm chính thức của Hiệp hội trong năm 2018. Singapore cho rằng, trong bối cảnh môi trường quốc tế diễn biến phức tạp và khó lường như hiện nay, ASEAN cần tăng cường đoàn kết, nâng cao khả năng ứng phó linh hoạt với các thách thức, đón nhận thời cơ; đồng thời cũng nhắc nhở các quốc gia thành viên nắm lấy cơ hội cũng như chủ động đối phó với các thách thức do cuộc cách mạng công nghệ số tạo ra, trang bị kỹ năng cần thiết cho người dân để cùng hướng tới một ASEAN tự cường và sáng tạo.
Chủ đề này được đánh giá là đúng và trúng, khi Trung Quốc tiếp tục trỗi dậy mạnh mẽ, Mỹ ngày càng thiên về xu hướng bảo thủ, còn khu vực đang đối mặt với hai nguy cơ lớn là vấn đề hạt nhân Triều Tiên và chủ nghĩa khủng bố. Những thực tế này đặt lên nước Chủ tịch trọng trách dẫn dắt và duy trì tốt quan hệ đoàn kết nội bộ, đồng thời thúc đẩy ASEAN ngày càng phát triển, giành được những thành tựu lớn hơn trên các lĩnh vực kinh tế và thương mại.
Thách thức lớn nhất đối với ASEAN là tranh chấp lãnh thổ - lãnh hải ở Biển Đông. Theo kế hoạch, các cuộc đàm phán về Quy tắc Ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) sẽ được bắt đầu vào đầu năm tới. Liên quan vấn đề này, nhà lãnh đạo Singapore đã nhấn mạnh rằng: “Bằng cách xử lý tốt vấn đề Biển Đông, chúng ta có thể giữ cho quan hệ ASEAN - Trung Quốc đi theo chiều hướng tích cực”. Khi được hỏi làm thế nào Singapore trên cương vị là Chủ tịch ASEAN có thể ngăn các quốc gia thành viên bị phân cực nếu Mỹ và Trung Quốc mâu thuẫn nhau, Thủ tướng Lý Hiển Long nói: “Không thể ngăn các quốc gia thành viên đứng về bên này hoặc bên kia. Điều ASEAN có thể làm được hiện nay trên cương vị một khối chính là tăng cường hợp tác với cả Trung Quốc và Mỹ. ASEAN đánh giá cao quan hệ với hai cường quốc này, và hai cường quốc cũng rất chú tâm đến mối quan hệ của họ với ASEAN”.
Bên cạnh đó, chống khủng bố, an ninh mạng, mạng lưới các thành phố thông minh, các thỏa thuận về thương mại điện tử và du lịch sẽ là những ưu tiên của ASEAN trong năm nay. Dưới sự lãnh đạo của Singapore, ASEAN cũng sẽ tập trung vào một hiệp ước dẫn độ áp dụng đối với tất cả các quốc gia thành viên.
PV (ĐBND)
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh tặng quà người có công, gia ...
BHXH huyện Yên Bình: Thi đua tạo động lực phát triển
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?