Hà Nội: Tăng cường các biện pháp thu hồi nợ BHXH

06/04/2018 10:06 AM


Ngày 04/4/2018, BHXH Hà Nội đã tổ chức làm việc với 10 doanh nghiệp có số nợ BHXH nhiều, kéo dài với sự tham gia của đại diện Thanh Tra Thành phố, Sở Lao động Thương Binh & Xã hội, Liên đoàn Lao động Thành phố và đại diện phòng Cảnh sát Kinh tế (PC46) Công an thành phố Hà Nội. Phó Giám đốc BHXH Thành phố Vũ Đức Thuật chủ trì buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc.

Tổng số tiền BHXH mà 10 doanh nghiệp này đang nợ là 22,4 tỷ đồng làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của 311 lao động chưa được xác nhận thời gian đóng BHXH, BH và quyền lợi hưởng chế độ ngắn hạn (ốm đau, thai sản, dưỡng sức,…) của 76 lao động với số tiền 728 triệu đồng. Trong đó, doanh nghiệp nợ BHXH cao nhất là trên 6 tỷ đồng, thấp nhất là trên 300 triệu đồng, thời gian nợ dài nhất là 55 tháng, ngắn nhất là 7 tháng.

Các doanh nghiệp cho biết nguyên nhân chậm đóng, nợ đọng tiền BHXH, BHYT của doanh nghiệp. Phần lớn doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, xây lắp, giao thông gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Nhiều công trình đã hoàn thành, bàn giao nhưng chủ đầu tư chưa thanh toán, quyết toán kinh phí nên đơn vị không có khả năng chi trả lương và nộp tiền BHXH, BHYT, doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp hiện đang thiếu việc làm, khó khăn về nguồn tiền, phải gánh nợ sau tái cơ cấu bộ máy quản lý…

Tại buổi làm việc, đại diện các ngành Công an, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động Thành phố, Thanh tra Thành phố đã phân tích các nguyên nhân khách quan, chủ quan nêu bật tình trạng nợ BHXH tại các doanh nghiệp chưa có dấu hiệu thuyên giảm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động và đề nghị các doanh nghiệp xây dựng phương án trả nợ tiền  BHXH để giải quyết kịp thời quyền lợi cho người lao động.

Bà Trương Thị Kim Anh, Phó phòng Thanh tra, Thanh tra TP Hà Nội cho biết, đầu năm 2018, Thanh tra TP Hà Nội đã ban hành các quyết định thành lập 4 đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra tại 80 đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT trên địa bàn.

Trong đó, tập trung thanh tra việc chấp hành Luật BHXH, Luật BHYT trong việc thu, trích nộp BHXH, BHYT; xác định rõ số tiền nợ đọng BHXH, BHYT, nguyên nhân và trách nhiệm, giải pháp khắc phục của đơn vị trong việc thực hiện trích nộp BHXH, BHYT.

Trong số 80 doanh nghiệp nợ BHXH nhận quyết định thanh tra trong tháng 1, 2 năm 2018, có 32 doanh nghiệp có số nợ BHXH lớn đã tự giác nộp tiền. Tuy nhiên, còn một số doanh nghiệp do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan chưa có động thái thanh toán tiền nợ sau thanh tra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động: không được trả sổ BHXH khi chấm dứt hợp đồng lao động, không được cấp thẻ BHYT nên không được hưởng các quyền lợi BHXH ngắn hạn như ốm đau, thai sản, dưỡng sức... người lao động nghỉ hưu không được giải quyết chế độ hưu trí kịp thời.

Chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, Phó Giám đốc BHXH Hà Nội Vũ Đức Thuật khẳng định, BHXH Thành phố luôn đồng hành và hỗ trợ với các doanh nghiệp trong thực hiện công tác BHXH, BHYT. Tuy nhiên, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của người lao động, Phó Giám đốc đề nghị các đơn vị cần nghiêm túc thực hiện nộp ngay số tiền nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp vào tài khoản thu của cơ quan BHXH trước ngày 5/5/2018. Sau ngày này, các doanh nghiệp không thực hiện, BHXH Thành phố sẽ phối hợp với liên ngành hoàn thiện hồ sơ đề nghị cơ quan công an tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.

Đại diện các đơn vị nợ đọng BHXH cũng cam kết sẽ dùng mọi biện pháp hoàn trả số tiền nợ đọng trong thời gian sớm nhất để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia.

Tại buổi làm việc, BHXH TP Hà Nội cho biết, với sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị trực thuộc, sự hỗ trợ của các cơ quan đã ký kết chương trình phối hợp với BHXH TP, từ đầu năm đến nay, đã có 32 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn Thủ đô tự giác trả nợ BHXH hơn 11 tỷ đồng. 

TV