Phòng, chống mại dâm trên cơ sở tôn trọng quyền con người

02/02/2018 02:31 PM


Giảm tác hại bao gồm một loạt các chính sách được ban hành nhằm giảm thiểu những hậu quả có tác hại do hành vi của con người gây ra, ngay cả khi hành vi đó chứa đựng nhiều rủi ro và bất hợp pháp. Giảm tác hại trong mại dâm là các can thiệp nhằm làm cho hoạt động mại dâm được an toàn hơn bằng cách áp dụng các nguyên tắc của giảm tác hại.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều thay đổi đáng kể trong chính sách pháp luật về giải quyết tệ nạn mại dâm. Luật Xử lý vi phạm hành chính không quy định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm. Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016- 2020 bao gồm nhiều giải pháp, biện pháp và các hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở bình đẳng giới.

Phụ nữ bán dâm tại Hà Nội được hỗ trợ học nghề.

Tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thi hành Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm ngày 19/12/2014, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia Phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã nhấn mạnh, phòng, chống mại dâm cần các giải pháp xã hội, tôn trọng nhân phẩm và quyền của con người.

Ngày 7/3/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 361/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020; bao gồm nhiều giải pháp, biện pháp và các hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở bình đẳng giới, trong đó tập trung xây dựng chỉ đạo thực hiện 3 mô hình: Mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng, Trung tâm công tác xã hội; mô hình hỗ trợ nhằm bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; mô hình hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống, bạo lực giới.

Một số ý kiến nhận định rằng can thiệp giảm tác hại sẽ gửi thông điệp cho cộng đồng rằng những hành vi rủi ro hoặc bất hợp pháp là chấp nhận được. Tuy nhiên, mại dâm không thể triệt phá/ngăn cấm hết được, luôn tồn tại trong xã hội (vì luôn có nhu cầu) nên chỉ có thể giảm những tác hại của nó cho người bán dâm và cho cộng đồng, giúp cho cộng đồng an toàn. Can thiệp giảm tác hại cho người bán dâm không phải là cổ súy cho mại dâm.

Theo Bộ LĐTB&XH, năm 2017, Nhà nước đã hỗ trợ cho 5.032 lượt người bán dâm gồm hỗ trợ về y tế, chăm sóc sức khỏe, cung cấp các dịch vụ về phòng, chống lây nhiễm HIV, tư vấn trợ giúp pháp lý, hỗ trợ giáo dục dạy nghề, tạo việc làm, vay vốn sản xuất kinh doanh.

Theo thống kê của các tỉnh/thành phố, hiện có 36 địa phương đã triển khai xây dựng thí điểm và duy trì mô hình phòng, chống mại dâm đã triển khai từ các năm trước, trong đó có khoảng 777 người bán dâm và 2.535 người có nguy cơ cao được hưởng lợi từ mô hình. Trong giai đoạn 2016-2020, đã có 8 địa phương triển khai mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bán dâm tại cộng đồng, Trung tâm công tác xã hội; 16 địa phương thực hiện mô hình đảm quyền cho người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; 10 địa phương đã triển khai mô hình tăng cường năng lực nhóm các nhóm đồng đẳng/nhóm tự lực/câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng chống bạo lực giới.

Bộ LĐTB&XH đã chỉ đạo Sở LĐTB&XH các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện các hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, hỗ trợ giúp đỡ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng. Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ kinh phí và tổ chức hoạt động giám sát các tỉnh Cần Thơ, Huế, TPHCM, Tuyên Quang, Quảng Ninh tiếp tục duy trì mô hình hỗ trợ bảo đảm quyền cho người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ theo Quyết định 361/QĐ-TTg về việc triển khai Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020 (đã được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) hỗ trợ năm 2016).

Bộ LĐTB&XH cũng phối hợp với các tổ chức phi chính phủ (ILO, CARE, SCDI) tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả và xây dựng khung giám sát, đánh giá mô hình thí điểm đảm bảo quyền của người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ, Hội thảo tham vấn xây dựng Tài liệu hướng dẫn đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ, Hội thảo đánh giá về các dịch vụ và khả năng tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ xã hội cho người bán dâm, Hội thảo tổng kết Dự án và chuyển giao kỹ thuật thực hiện mô hình tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội dành cho người bán dâm.

Năm 2017, đã thực hiện hỗ trợ cho 5.032 lượt người bán dâm, trong đó, số đối tượng được hỗ trợ về y tế, chăm sóc sức khỏe, cung cấp các dịch vụ về phòng, chống lây nhiễm HIV là 2.104 lượt người; số đối tượng được tư vấn trợ giúp pháp lý: 2.799 lượt người; số đối tượng được hỗ trợ giáo dục dạy nghề: 38 lượt người; số đối tượng được tạo việc làm, vay vốn sản xuất kinh doanh: 91 lượt người với số tiền 436 triệu đồng.

Theo Tiếng chuông