Phòng, chống HIV/AIDS: Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức

11/01/2018 02:29 PM


Mặc dù, năm 2017 là năm thứ 9, Việt Nam tiếp tục đạt kết quả 9 năm liên tiếp giảm số phát hiện mới, số chuyển sang AIDS và giảm số tử vong do AIDS. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống HIV/AIDS mà Việt Nam cần phải giải quyết.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

HIV/AIDS là vấn đề sức khỏe công cộng quan trọng

Đồng thời, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Năm qua, các cấp, các bộ, ngành liên quan đã rất nỗ lực trong công tác phòng chống HIV/AIDS, tuy nhiên số lũy tích HIV(+) tiếp tục tăng cao, trên 200 nghìn người nhiễm HIV cần được chăm sóc, điều trị thường xuyên, liên tục, suốt đời. Mỗi năm vẫn có 10 nghìn người nhiễm mới HIV và 2 nghìn-3.000 nghìn trường hợp tử vong do HIV/AIDS, gây tác động rất lớn về sức khỏe, kinh tế, xã hội. Hơn nữa, nhóm người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV vẫn ở mức cao.

Khó khăn nữa là do nguồn lực hạn chế nên mức độ bao phủ các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn hạn chế, kể cả dự phòng, can thiệp giảm hại, xét nghiệm và điều trị, chưa đạt được mức có thể khống chế được đại dịch HIV/AIDS.

Nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS chủ yếu dựa vào viện trợ của quốc tế, đang cắt giảm nhanh, trong khi các nguồn tài chính trong nước (NSNN, BHYT) chưa kịp bù đắp thiếu hụt tài chính. Kinh phí cho hoạt động thông tin giáo dục truyền thông không được bố trí, nên không triển khai được hoạt động thông tin giáo dục truyền thông, đặc biệt là phối hợp với bộ ngành.

Bệnh nhân điều trị Methadone bỏ trị có xu hướng gia tăng do sống xa cơ sở dịch vụ điều trị không duy trì nhận thuốc hằng ngày, dẫn đến bỏ trị, hoặc nhiều địa phương xung đột về chỉ tiêu cai nghiện, hoặc phạm tội trong quá trình uống thuốc nên bị bắt đi cai nghiện tập trung hoặc đi tù, trong khi đó việc chuyển tiếp điều trị chưa triển khai thực hiện cho bệnh nhân đang điều trị bị đưa vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc trại giam, trại tạm giam.

Việc chuyển giao dịch vụ HIV/AIDS từ nhà tài trợ sang cho quốc gia, công tác điều trị được chuyển từ hệ thống dự phòng sang hệ thống điều trị ít nhiều thay đổi quy trình, thủ tục hành chính đã ảnh hưởng đến duy trì điều trị ARV của bệnh nhân, nhiều nhân viên y tế tại cơ sở y tế được chuyển giao chưa được đào tạo chuyên sâu về chăm sóc điều trị ARV, nên ảnh hưởng đến chất lượng điều trị ARV.

Quá trình kiện toàn các phòng khám điều trị ARV bảo đảm đủ điều kiện đáp ứng chi trả thông qua bảo hiểm y tế vẫn còn chậm, do thiếu sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo địa phương, hoặc còn chờ sát nhập về công tác tổ chức bộ máy y tế địa phương.

Nhân lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS được chi trả do các dự án, trong giai đoạn vừa qua, các tổ chức quốc tế cắt giảm, hoặc không chi trả lương và trợ cấp cho người thực hiện cung cấp các dịch vụ, do đó thiếu hụt nhân lực. Nhân lực thay thế chưa được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ. Một số cán bộ dao động, không yên tâm công tác do chủ trương sáp nhập Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh để thành lập Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC).

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Nâng cao năng lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS

Trong thời gián tới, để giải quyết những khó khăn, thách thức, ngành y tế đặt ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, trong năm 2018, ngành y tế tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS bảo đảm thực hiện mục tiêu khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3%, hướng đến mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020.

Tăng cường sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền các cấp đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS, huy động sự tham gia của các ban ngành, đoàn thể và của toàn xã hội vào công tác phòng, chống HIV/AIDS; xây dựng và hoàn chỉnh Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống HIV/AIDS trình Chính phủ, Quốc hội phê duyệt.

Tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng các hoạt động chuyên môn, đặc biệt là: Dự phòng, can thiệp giảm tác hại, truyền thông thay đổi hành vi, giảm kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV; mở rộng các cơ sở điều trị Methadone, triển khai cấp phát thuốc tại tuyến xã phường và tăng thu dung số bệnh nhân điều trị Methadone mới; triển khai các hoạt động phân phát bơm kim tiêm sạch cho các khu vực có nguy cơ lây nhiễm HIV cao, khó tiếp cận bơm kim tiêm sạch, đặc biệt khu vực miền núi.

Bên cạnh đó, tiếp tục các hoạt động phân phát bao cao su, chất bôi trơn thông qua các hình thức phân phát miễn phí, tiếp thị xã hội cho các nhóm nguy cơ cao; triển khai các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi cho nhóm nguy cơ cao, chú trọng các hoạt động giảm kỳ thị phân biệt đối xử, đặc biệt tuyên truyền, vận động giảm kỳ phân biệt đối xử trong các cơ sở y tế; triển khai thí điểm điều trị nghiện các chất thuốc phiện bằng thuốc Bupronophine cho các địa bàn miền núi; nghiên cứu thí điểm điều trị nghiện các chất ma túy tổng hợp bằng các biện pháp tâm lý trong các cơ sở điều trị Methadone.

Tiếp tục phối hợp với các đối tác triển khai thí điểm dự phòng trước phơi nhiễm HIV cho nhóm MSM tại TPHCM.

Tư vấn xét nghiệm phát hiện mới người nhiễm HIV, theo dõi và đánh giá chương trình: Tiếp tục triển khai thí điểm mô hình tư vấn xét nghiệm tại cộng đồng tại các địa điểm có nguy cơ lây nhiễm HIV cao, tỷ lệ người nhiễm biết tình trạng HIV của bản thân thấp; mở rộng các phòng xét nghiệm khẳng định HIV dương tính tuyến huyện, ưu tiên các huyện xa trung tâm tỉnh và có nguy cơ lây nhiễm HIV cao.

Tăng cường hoạt động giám sát dịch HIV/AIDS và tử vong, chú trọng nâng cao chất lượng số liệu giám sát dịch HIV/AIDS, kết nối hệ thống giám sát dịch, tư vấn xét nghiệm HIV, chăm sóc và điều trị đảm bảo quản lý và theo dõi được danh sách người nhiễm HIV theo địa bàn huyện, vận động người nhiễm HIV chưa được điều trị ARV tham gia điều trị ARV.

Mở rộng ứng dụng phần mềm quản lý người nhiễm HIV xuống tuyến huyện, triển khai sử dụng phần mềm quản lý điều trị ARV cho tất cả phòng khám điều trị ngoại trú ARV; nâng cao vai trò và trách nhiệm của cán bộ làm công tác giám sát dịch HIV tuyến huyện để đảm bảo công tác giám sát dịch HIV/AIDS hiệu quả trong tình hình mới.  

Mở rộng nâng cao chất lượng công tác điều trị HIV/AIDS, bao gồm: Tiếp tục mở rộng các cơ sở khám và điều trị ARV tăng thu dung bệnh nhân mới và đảm bảo tỷ lệ duy trì điều trị ở mức cao; triển khai các mô hình mới điều trị ARV sớm, cấp phát thuốc tuyến xã, đặc biệt khu vực đi lại khó khăn; nâng cao chất lượng khám và điều trị ARV bằng cách tăng cường hỗ trợ kỹ thuật của tuyến tỉnh đối với các cơ sở điều trị tuyến huyện, xã, thực hiện các xét nghiệm định kỳ theo hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật, phát hiện sớm các trường hợp kháng thuốc điều trị ARV.

Cung cấp dịch vụ điều trị và chăm sóc HIV/AIDS qua bảo hiểm y tế, bao gồm xét nghiệm tải lượng HIV và thuốc ARV; hướng dẫn dự trù, điều phối các nguồn thuốc ARV, bao gồm nguồn ARV qua bảo hiểm y tế; thường xuyên tổ chức các buổi giao ban định kỳ giữa các cán bộ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, với các cán bộ làm công tác dự phòng về tình hình bệnh nhân bỏ trị, tuân thủ điều trị kém để có giải pháp khắc phục kịp thời trong giai đoạn chuyển giao điều trị ARV từ hệ thống dự phòng sang cơ sở khám bệnh chữa bệnh; tiếp tục kiện toàn các cơ sở điều trị ngoại trú ARV đảm bảo đủ điều kiện chi trả thông qua bảo hiểm y tế.

Tiếp tục triển khai các can thiệp bệnh nhân duy trì tham gia bảo hiểm y tế cho bệnh nhân đang điều trị ARV và các tỉnh, thành phố bố trí đủ ngân sách cho đồng chi trả thuốc ARV cho các bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế.

Đặc biệt, chú trọng đổi mới tài chính phòng, chống HIV/AIDS dựa vào tài chính trong nước (NSNN trung ương, NS địa phương, bảo hiểm y tế, thu phí); bảo đảm cung ứng thuốc, sinh phẩm cho phòng, chống HIV/AIDS. Nâng cao năng lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS của các cơ quan nhà nước và tổ chức cộng đồng.

Tiếng Chuông